Tiêu chí đánh giá năng lực công chức xã, phường, thị trấn ở Việt Nam
TÓM TẮT:
Bài viết tập trung phân tích các tiêu chí đánh giá năng lực của công chức xã, phường, thị trấn trên cơ sở khái quát hóa các tiêu chí thuộc về nhóm kiến thức, kỹ năng và thái độ của công chức. Các tiêu chí được xác định thông qua việc phân tích, tổng hợp các yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Từ khóa: Tiêu chí đánh giá, năng lực, công chức, xã, phường, thị trấn.
Mục lục bài viết
1. Đặt vấn đề
Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) là một cấp hành chính trong hệ thống chính quyền các cấp ở nước ta và là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là cấp hành chính gần dân nhất, thường xuyên tiếp xúc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; là nơi tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã sẽ tác động trực tiếp đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của địa phương cũng như đất nước. Chính quyền cấp xã không thể đảm nhận được vai trò nếu thiếu nhân tố có ý nghĩa quyết định, đó là: đội ngũ cán bộ, công chức.
Công chức cấp xã là cầu nối giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân. Họ là những người lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để báo cáo, phản ánh cho cấp trên, nhằm xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách sao cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là yếu tố trọng yếu trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Những năm qua, đội ngũ công chức cấp xã ở nước ta đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở cấp xã còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu lực, hiệu quả và niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do năng lực thực thi công vụ của công chức cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương.
Có nhiều quan niệm khác nhau về năng lực, tuy nhiên theo cách hiểu phổ biến nhất hiện nay thì năng lực là tổng hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ của cá nhân hoặc tổ chức nhằm đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, để đảo bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao.
Một công chức cấp xã có năng lực là người có kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng yêu cầu của hoạt động công vụ tại Ủy ban nhân dân cấp xã và vị trí việc làm mà công chức đó đảm nhận. Hiện nay ở cấp xã có 7 chức danh công chức, gồm: Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Quân sự, Văn phòng – thống kê, Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính – kế toán, Tư pháp – hộ tịch, Văn hóa – xã hội.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích các tiêu chí đánh giá năng lực của 5 chức danh công chức: Văn phòng – thống kê, Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã), Tài chính – kế toán, Tư pháp – hộ tịch, Văn hóa – xã hội thông qua các bộ phận cấu thành của khung năng lực là kiến thức, kỹ năng và thái độ.
2. Các tiêu chí đánh giá kiến thức của công chức cấp xã
Kiến thức của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng được đánh giá dựa trên các yếu tố như: trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, trình độ tin học – ngoại ngữ, trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước. Cụ thể:
Về trình độ học vấn hay còn gọi là trình độ giáo dục phổ thông: Trình độ học vấn là yếu tố cơ bản, tối thiểu với mỗi công chức. Trình độ học vấn thể hiện nền tảng kiến thức căn bản, giúp hình thành thế giới quan, nhân sinh quan của mỗi người, đồng thời thể hiện khả năng tư duy, nhận thức, nắm bắt các quy luật khách quan cũng như các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị. Trình độ học vấn là nền tảng cho việc tiếp thu kiến thức mới, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như thái độ và cách ứng xử trong thực thi công vụ. Trong thực tế, trình độ học vấn được đánh giá qua những văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân, gồm: các bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06 tháng 11 năm 2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, quy định trình độ học vấn của công chức cấp xã phải là tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về trình độ chuyên môn: Trình độ chuyên môn là bước cao hơn, phản ánh kiến thức chuyên môn riêng biệt về một chuyên ngành, lĩnh vực nhất định nào đó. Trình độ chuyên môn có được thông qua quá trình đào tạo chuyên sâu ở các trường đào tạo thuộc hệ thống đào tạo quốc dân, như: dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Trong quá trình đào tạo, nhà trường trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo các chuyên ngành nhất định và được thể hiện qua hệ thống chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn.
Trình độ chuyên môn đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự hình thành năng lực của công chức cấp xã, vì đây là những kiến thức chuyên sâu, gắn trực tiếp với một vị trí, công việc chuyên môn cụ thể, phản ánh khả năng thực hiện nhiệm vụ của từng công chức.
Cũng theo Thông tư số 13/2019/TT-BNV, trình độ chuyên môn của công chức cấp xã phải tốt nghiệp đại học trở lên của ngành Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh. Hơn nữa, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã: miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Trình độ ngoại ngữ, tin học: Trình độ ngoại ngữ, tin học là yếu tố quan trọng, cần thiết trong hoạt động thực thi công vụ của công chức thời kỳ hội nhập hiện nay. Tin học, ngoại ngữ là cách thức, phương tiện để công chức thu thập, khai thác, xử lý và sử dụng, chuyển tải thông tin một cách hiệu quả, phong phú cũng như phục vụ đắc lực cho hoạt động công vụ. Thông tư số 13/2019/TT-BNV quy định công chức cấp xã phải được cấp chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Về trình độ ngoại ngữ Thông tư không quy định, tuy nhiên lại giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về ngoại ngữ, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ).
Về trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước:
Trình độ lý luận chính trị phản ánh mức độ nhận thức, tư duy, lý luận về những vấn đề cơ bản của hệ thống, những kiến thức liên quan đến lĩnh vực chính trị, nhất là những kiến thức về: Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; chế độ xã hội chủ nghĩa, bản chất của Nhà nước; quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trình độ lý luận chính trị giúp cán bộ, công chức có lập trường, tư tưởng vững vàng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo đúng định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước; giúp cho việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tế cuộc sống được dễ dàng và hiệu quả. Do đó, để nâng cao năng lực của công chức cấp xã nhất thiết phải nâng cao trình độ lý luận chính trị.
Kiến thức quản lý nhà nước là tổng hợp những kiến thức cơ bản về Nhà nước; pháp luật; nền hành chính; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước; về đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện nhiệm vụ; về cải cách nền hành chính và nội dung quản lý nhà nước về các lĩnh vực, các nghiệp vụ cơ bản của công chức. Những kiến thức này giúp công chức cấp xã hiểu sâu sắc, cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình. Đồng thời, cung cấp thêm những kỹ năng, phương pháp, công cụ quản lý nhà nước cần thiết trong hoạt động công vụ.
Thông tư số 13/2019/TT-BNV ban hành, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động quyết định việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị.
3. Các tiêu chí đánh giá kỹ năng của công chức cấp xã
Một công chức chỉ có kiến thức không thì chưa đủ, để thực thi công vụ có hiệu quả đòi hỏi họ phải có những kỹ năng nhất định nhằm chuyển hóa những kiến thức, hiểu biết của mình thành những hoạt động, việc làm phù hợp, khoa học để nâng cao hiệu quả công việc trong thực tế. Kỹ năng của công chức cấp xã là khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm), nhằm tạo ra kết quả thực hiện công vụ một cách hiệu quả. Trong thực tế, để thực hiện có hiệu quả bất kỳ công việc nào, con người đều cần các kỹ năng cơ bản, như: kỹ năng tư duy, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tổ chức công việc, kỹ năng quản lý thời gian,… Hoạt động công vụ của công chức, đặc biệt là công chức cấp xã, là một hoạt động vừa mang tính nghề nghiệp, vừa mang tính thực tiễn cao. Vậy nên, ngoài các kỹ năng chung, công chức cần có những kỹ năng mang tính đặc trưng công việc. Hiện nay, chưa có một văn bản nào quy định cụ thể về các kỹ năng của công chức cấp xã trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, nếu dựa vào vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ, đặc thù, ta có thể khái quát thành một số kỹ năng cơ bản, cụ thể như sau:
– Kỹ năng giao tiếp hành chính
Công chức cấp xã là người đại diện cho Nhà nước, thường xuyên và trực tiếp tiếp xúc với người dân trong giải quyết, cung cấp các dịch vụ hành chính công, cũng như tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng. Hơn ai hết, họ phải rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp công vụ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao, đảm bảo sự hài lòng của người dân. Trong giao tiếp hành chính, công chức cấp xã cần tuân thủ các nguyên tắc như: tuân thủ pháp luật, bảo đảm chính xác và khách quan, công khai – dân chủ, thận trọng, cân bằng, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc hài hòa về lợi ích.
Để đánh giá kỹ năng giao tiếp hành chính của công chức ta cần đánh giá các yếu tố cấu thành nên kỹ năng đó. Ví dụ, kỹ năng nghe và lắng nghe một cách thiện chí, hiệu quả; khả năng kiểm soát cảm xúc hợp lý, linh hoạt; khả năng hướng dẫn, thuyết phục và thuyết trình dễ hiểu, đúng trọng tâm, ngắn gọn, lôi cuốn thông qua cách thức sử dụng tốt giọng điệu, ngữ điệu, ngôn ngữ cơ thể, nội dung phù hợp, thái độ khiêm tốn, nhiệt huyết; khả năng quan sát nhạy bén, đa dạng; trang phục lịch sự,…
Có thể đánh giá kỹ năng giao tiếp thông qua: quan sát hành vi, thái độ của công chức khi tiếp xúc với người dân, cấp trên, đồng nghiệp; qua phiếu khảo sát hoặc qua phỏng vấn.
– Kỹ năng tham mưu, đề xuất
Công chức cấp xã là người tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực.
Công tác tham mưu có vị trí đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo, quản lý và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong quá trình này, công chức cấp xã cần phải đảm bảo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, cũng như các chế độ, chính sách của Nhà nước. Yêu cầu này đòi hỏi họ phải am hiểu, cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách. Tham mưu phải có cơ sở khoa học, khách quan, trung thực; đề cao trách nhiệm; toàn diện, tổng hợp.
Để có những tham mưu, đề xuất có giá trị, công chức cấp xã cần có khả năng phân tích, vận dụng sáng tạo các tình huống phát sinh. Hơn hết, họ cần chủ động trong phân tích, khảo sát nhằm đưa ra các phương án hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động.
Đánh giá kỹ năng tham mưu rất khó, chủ yếu dựa vào chất lượng của thông tin mà công chức cung cấp cho cấp trên về lĩnh vực mình phụ trách và sự nhìn nhận, đánh giá của cấp trên.
– Kỹ năng soạn thảo văn bản
Văn bản là phương tiện chủ yếu, quan trọng để ghi lại, chuyển tải các quyết định và thông tin quản lý; là hình thức để cụ thể hóa pháp luật. Do đó, kỹ năng soạn thảo văn bản là một trong những yêu cầu quan trọng của công chức cấp xã.
Trong quá trình thực thi công vụ, công chức cấp xã thường xuyên phải soạn thảo nhiều loại văn bản, như: thông báo, tờ trình, báo cáo, công văn, quyết định, chỉ thị,… Khi soạn thảo các loại văn bản, họ phải nắm vững và tuân thủ các tiêu chí chung, đảm bảo yêu cầu về nội dung, bố cục và thể thức.
Về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính đã được quy định trong Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ. Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch được quy định tại Thông tư số 25/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tư pháp.
Đánh giá kỹ năng soạn thảo văn bản khá đơn giản vì sản phẩm rất rõ, đó chính là văn bản được ban hành dựa trên các tiêu chí như: nội dung phù hợp, thể thức chuẩn, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, kịp tiến độ và khả thi.
– Kỹ năng thu thập, xử lý và cung cấp thông tin
Thông tin là yếu tố cần thiết, cơ bản đảm bảo cho việc giải quyết nhiệm vụ và thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất của công chức. Trong thời đại bùng nổ thông tin và yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công vụ, đòi hỏi mỗi công chức phải có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin một cách thành thục, chính xác nhằm nắm bắt đầy đủ các thông tin cần thiết với độ tin cậy cao, để giải quyết các nhiệm vụ và tham mưu cho lãnh đạo ra các quyết định nhanh chóng, đúng đắn, chính xác.
Ngoài các kỹ năng chung trên, mỗi chức danh công chức cấp xã phải đảm bảo các kỹ năng mang tính chuyên biệt, chuyên môn đảm nhận. Đối với công chức Văn phòng – Thống kê phải có thêm các kỹ năng như: chuẩn bị các cuộc họp; lập kế hoạch, lịch công tác; kỹ năng tổ chức. Công chức Tư pháp – Hộ tịch phải có kỹ năng thuyết trình; kỹ năng quản lý và đăng ký hộ tịch; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng công chứng – chứng thực; kỹ năng hòa giải cơ sở; kỹ năng kiểm tra, kiểm soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công chức Quản lý về văn hóa – xã hội phải có kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; kỹ năng giải quyết tình huống; kỹ năng tổ chức xây dựng thực hiện chính sách về lao động, dạy nghề, việc làm ở địa phương; kỹ năng tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội,…
4. Tiêu chí đánh giá thái độ của công chức cấp xã
Trong quá trình thực thi công vụ, công chức cấp xã trực tiếp tương tác với nhiều đối tượng, nhiều hoạt động khác nhau nên thái độ trong thực thi công vụ cũng thể hiện đa dạng, sinh động, phản ánh tính chất đặc thù của hoạt động công vụ trong bộ máy chính quyền cấp cơ sở. Thái độ của công chức cấp xã thể hiện qua hành vi, cách ứng xử của họ đối với nhiệm vụ, với đồng nghiệp, với nhân dân, cụ thể như sau:
Thái độ với nhân dân: Phục vụ nhân dân là trách nhiệm của hoạt động công vụ. Sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân phụ thuộc rất lớn bởi thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là chính quyền cơ sở – nơi trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc của người dân. Đối với nhân dân, công chức cấp xã phải luôn tôn trọng, tận tụy phục vụ bằng thái độ khách quan, công bằng, khiêm tốn; tập trung tư vấn, giải quyết những lợi ích chính đáng của người dân, liên hệ chặt chẽ và lắng nghe ý kiến của họ; tích cực đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.
Thái độ với nhiệm vụ được giao: Trước hết, mỗi công chức cần có thái độ nghiêm túc với nhiệm vụ được giao, nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; gương mẫu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và quy định tại đơn vị; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với kết quả công việc của mình; có tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thái độ với cấp trên, đồng nghiệp: Công chức cấp xã cần tuân thủ nghiêm sự điều hành, phân công, chỉ đạo của cấp trên, đồng thời thẳng thắn đóng góp ý kiến; chủ động, tích cực tham mưu những nội dung liên quan đến nhiệm vụ được phân công. Đối với đồng nghiệp, công chức cấp xã phải có thái độ tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ trên tinh thần lắng nghe, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau; đồng thời phải cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ. Trong giao tiếp, ứng xử cần có thái độ trung thực, thân thiện và hợp tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị.
Ngoài các tiêu chí trên, hiện nay trong công tác đánh giá, phân loại hàng năm đối với công chức cấp xã đang áp dụng hệ thống các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017 và được hợp nhất theo văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNV, ngày 09/11/2017 của Bộ Nội vụ với 6 nhóm tiêu chí: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; Thái độ phục vụ nhân dân. Hiện nay, ta chỉ mới đưa ra các tiêu chí chung mà chưa có các tiêu chí mang tính đặc thù của công chức cấp xã, vậy nên, trong thời gian tới các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp.
4. Kết luận
Đánh giá năng lực của công chức cấp xã khó hơn so với công chức ở các cấp khác bởi tính đa dạng và đặc thù trong hoạt động công vụ của cấp cơ sở. Trong thực tế, công chức cấp xã thường kiêm nhiệm thêm nhiều vị trí khác nhau trong các tổ chức chính trị – xã hội.
Hàng năm, việc đánh giá năng lực của công chức cấp xã được lồng ghép với kết quả thực hiện nhiệm vụ trong bảng đánh giá, phân loại công chức – được các tổ chức thực hiện vào cuối năm. Kết quả của hoạt động này thường là kết quả đánh giá, xếp loại với các mức độ khác nhau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, hệ thống đánh giá này cũng tồn tại nhiều bất cập, hạn chế như: chưa đánh giá một cách toàn diện năng lực thực thi công vụ của công chức mà còn mang tính cào bằng; áp dụng phương thức và tiêu chí đánh giá giống nhau cho các vị trí việc làm khác nhau; các tiêu chí đánh giá còn mang tính chung chung, thiếu đặc trưng cho các vị trí; việc đánh giá còn mang tính hình thức, chiếu lệ. Những hạn chế trên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động đánh giá cán bộ, công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng. Để khắc phục tình trạng này, ta không nên chỉ xác định các tiêu chí đánh giá năng lực mà còn phải xác định được cả phương pháp đánh giá trên cơ sở tính chất và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng chức danh công chức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Nội vụ (2019). Thông tư số 13/2019/TT-BNV hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Hà Nội.
- Bộ Nội vụ (2017). Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BNV về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Hà Nội.
- Chính phủ (2009). Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Hà Nộ
- Chính phủ (2011). Nghị định số 112/2011/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, tuyển dụng; điều động, tiếp nhận, trình tự và thủ tục đánh giá, thôi việc và thủ tục nghỉ hưu, xử lý kỷ luật, quản lý công chức xã, phường, thị trấn. Hà Nội.
- Chính phủ (2015). Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Hà Nội.
- Chính phủ (2017). Nghị định số 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP. Hà Nội.
- Chính phủ (2019). Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Hà Nội.
CRITERIA FOR EVALUATING THE CAPACITY OF CIVIL SERVANTS WORKING FOR COMMUNE, WARD AND TOWNSHIP-LEVEL AUTHORITIES IN VIETNAM
Master. TRAN THI MAI
National Academy of Public Administration – Tay Nguyen Campus
ABSTRACT:
This paper focuses on analyzing the criteria for evaluating the capacity of civil servants working for commune, ward and township-level authorities in Vietnam on the basis of generalizing criteria belonging to groups of knowledge, skills and attitudes. These criteria are determined through the analysis and synthesis of current requirements on responsibilities, duties, powers of civil servants work for commune, ward and township-level authorities which were regulated in the current legal documents.
Keywords: Evaluation criteria, capacity, public servants, communes, wards, towns.