Tìm giải pháp để du lịch tránh tình trạng “đi trước về chậm”
Du lịch mở cửa sớm nhưng lại “đi trước về chậm”?
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay, ngành du lịch của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn và bước đầu đã được được những kết quả. Năm 2022, ngành đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt khách, khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: Hoài Nam
Mặc dù lượng khách du lịch đã tăng trưởng mạnh mẽ nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của dịch Covid-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới tiềm năng chưa chủ động, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, song chưa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú. Đồng thời ngành du lịch thiếu hụt lực lượng lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịch Covid-19 có tác động, ảnh hưởng “chúng ta không hình dung được” đối với nền kinh tế cũng như ngành du lịch. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam nhanh chóng kiểm soát dịch, mở cửa sớm. Tuy nhiên, với hoạt động du lịch, mặc dù có điều kiện thuận lợi mở sớm, song so với các nước trong khu vực, năm 2022, Việt Nam chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch.
Khách du lịch quốc tế thăm quan di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ảnh: Hoài Nam
“Vì sao du lịch Việt Nam mở cửa sớm nhưng lại “đi trước về chậm”? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa? Tại sao vẫn có tình trạng manh mún trong đầu tư phát triển du lịch? Chúng ta đã làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa? Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số?…”- Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi.
Phát triển du lịch bền vững
Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến, hiến kế đề ngành du lịch Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, có thể tăng tốc phục hồi, có sức cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị, cần có chính sách cụ thể cho hoạt động du lịch, trong đó nhà nước nên điều chỉnh giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất và các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch, giúp các doanh nghiêp du lịch khắc phục khó khăn. “Chính phủ nên cho phép thành lập văn phòng xúc tiến du lịch tại một số thị trường quốc tế trọng điểm qua đó kết nối, quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường quốc tế”- ông Bình kiến nghị.
Du khách thăm quan làng nghề khảm trai – sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam
Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigontourist Võ Anh Tài đề xuất sớm kiện toàn Ban chỉ đạo cấp trung ương về du lịch, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của Chính phủ, sự liên kết, phối hợp của các bộ, ngành giúp nhanh chóng phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tăng cường quảng bá, tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm và các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường Đông Bắc Á bắt đầu mở cửa phục hồi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn SunGroup Đặng Minh Trường đề xuất, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung thủ tục xuất nhập cảnh, tăng thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày, cho phép khách có thể được nhập cảnh nhiều lần…
Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực để việc đón khách thời gian tới hiệu quả hơn, đặc biệt là tập trung vào việc đón khách quốc tế, nhất là khi Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt 2, từ ngày 15/3.
Đồng thời cơ cấu lại thị trường du lịch, nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.
Du khách quốc tế thăm quan Viên Minh tự (Phú Xuyên) tại chương trình “Du xuân hữu nghị 2023”. Ảnh: Hoài Nam
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, dù ngành du lịch đã có sự phát triển nhất định nhưng chưa tương xứng với tiềm năng về con người, thiên nhiên đang có. So với năm 2019, đến nay, lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra; Nhiều thủ tục về xuất nhập cảnh, lưu trú… còn bất cập; Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, công tác quản lý du lịch chưa đồng bộ, vấn đề vệ sinh, môi trường chưa được quan tâm đầy đủ…
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi thúc đẩy hoạt động du lịch không chỉ cần nhanh, mà còn phải kiên trì, bình tĩnh để phân tích rõ thuận lợi, khó khăn, thách thức, từng bước tháo gỡ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, ngành Du lịch cần chú trọng xây dựng, phát triển theo hướng an toàn, xanh, sạch, bền vững; phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị về môi trường thiên nhiên, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và có tính đặc trưng riêng, trong đó hướng đến những dòng sản phẩm du lịch cao cấp.
Doanh nghiệp trong quá trình thu hút khách cần chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn bảo đảm tính độc đáo riêng của Việt Nam. Ngoài ra cần thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh… chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần”.