Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam

Những vấn đề cần giải quyết

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn (Ảnh: Trần Lợi)

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh, đã đánh giá cao sáng kiến của Hiệp hội Du lịch Việt Nam vì đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Lữ hành toàn quốc năm 2022 có chủ đề mang tính thời sự “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam” nối tiếp sự kiện Hội chợ Du lịch VITM tổ chức vào tháng 4/2022 tại thủ đô Hà Nội nhằm kích cầu du lịch, khôi phục du lịch quốc tế, nội địa trong bối cảnh cả nước đã hoàn toàn mở cửa cho phép du lịch quốc tế và nội địa hoạt động bình thường trở lại thông qua đường không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh đã nêu lên thực trạng ngành Du lịch thời gian qua, cụ thể từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Đại dịch COVID-19 bùng phát ngay lập tức tác động đến hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021 và làm gián đoạn hoạt động du lịch nội địa qua bốn lần dịch bùng phát. Đại dịch COVID-19 trong suốt gần hai năm qua đã gây thiệt hại vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành Du lịch, để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng. Trước diễn biến đó, Nhà nước đā ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, trong bối cảnh hiện tại thích ứng an toàn linh hoạt, các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại.

Hiện nay, với nỗ lực của toàn ngành, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại, nhất là du lịch nội địa. Doanh nghiệp du lịch đã quay trở lại thị trường và cũng đã bắt đầu hồi phục. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp du lịch đã đón tiếp và phục vụ tổng số 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt chỉ tiêu kế hoạch toàn ngành đề ra trong năm nay. Mặc dù vậy lượng khách du lịch quốc tế vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50% – 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới. Đặc biệt là kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022, chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành Du lịch nước nhà.

Theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh, nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch bứt phá thì ngành Du lịch Việt Nam cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản, cụ thể như sau:

Một là, làm mới sản phẩm du lịch. Bởi lẽ phát triển sản phẩm du lịch là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch. Du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển và làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như: Du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE). Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm bổ trợ cũng được quan tâm phát triển: du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm… Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hai là, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch. Vì sau hai năm bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhiều nhân sự đã rời bỏ thị trường. Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành Du lịch. Tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch. Hợp tác đào tạo nhân lực du lịch giữa các địa phương trong cùng khu vực, giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ sở đào tạo, hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. Trước đại dịch, thương hiệu Du lịch Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận được giới truyền thông chuyên ngành và khách du lịch quốc tế đánh giá cao. Năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam tăng 12 bậc (từ 75/141 nền kinh tế năm 2015 lên 63/140 nền kinh tế năm 2019), xếp từ 13/22 (tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương). Du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA). Tuy nhiên, sau đại dịch các nước trong khu vực và trên thế giới chuẩn bị sẵn sàng bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành Du lịch để thu hút khách du lịch quay trở lại. Du lịch Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Vấn đề cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức hấp dẫn điểm đến hiện nay luôn là một trong những vấn đề quan trọng nhất để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam.

Bốn là, đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Đồng thời, toàn ngành hành động quyết liệt nhiệm vụ đã giao trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022.

Năm là, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp, các địa phương tập trung triển khai thật tốt Chiến dịch xúc tiến, quảng bá “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam). Phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch, tham gia các hội chợ quốc tế ở nước ngoài.

Sáu là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch. Vì sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên và các chính sách giảm giá vé tham quan, kích cầu du lịch của các địa phương.

Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Trần Lợi)

Giải pháp nhìn từ đề xuất của địa phương

Theo Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Mnh, để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực, cùng với thực tiễn rút ra từ quá trình phát triển ngành Du lịch Thành phố trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi hoạt động du lịch từ tháng 10/2021 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số nội dung, cụ thể như: Các cấp, các ngành cần phải thật sự tạo điều kiện cho du lịch phát triển bằng những chính sách, cơ chế cụ thể và thiết thực.

Các địa phương cần tập trung nghiên cứu nâng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh đặc trưng từng địa phương, gắn với việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở khu vực nông thôn. Ở khu vực đô thị cần tiếp tục triển khai chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực xã hội trong phát triển du lịch.

Tiếp tục thúc đẩy việc liên kết du lịch vùng hiệu quả, thực chất trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng vùng, liên vùng và đặc trưng của từng địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá du lịch bằng những việc làm cụ thể nhất, thiết thực nhất; tích cực truyền thông điểm đến và đa dạng hóa thị trường khách du lịch.

Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động du lịch bằng nhiều cách làm hiệu quả. Song song đó, về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với tâm lý, thị hiếu của khách du lịch sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp đề xuất gì?

Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng, cần sớm xây dựng các nền tảng cơ sở dữ liệu lớn để chuyển đổi số như thương mại điện tử, mạng xã hội… để tiếp cận giữa khách hàng và doanh nghiệp gần nhau hơn, và sớm có những thể chế xúc tiến vùng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Phát huy được hiệu quả của quỹ Xúc tiến du lịch quốc gia và nguồn xã hội hóa từ các địa phương. Cụ thể, cần thành lập cơ quan xúc tiến vùng; xây dựng và duy trì đội ngũ làm công tác xúc tiến giỏi về chuyên môn tiếp cận nhanh với công nghệ; đầu tư thêm ngân sách cho các chiến dịch duy trì hiệu quả truyền thông; xã hội hóa nguồn nhân lực cho các hoạt động xúc tiến bằng cách thành lập các quỹ xúc tiến du lịch địa phương.

Đề cập đến vấn đề sản phẩm du lịch, ông Lại Minh Duy – Chủ tịch TST Tourist, cho rằng việc phát triển sản phẩm du lịch còn chưa đồng bộ vì mỗi doanh nghiệp có một định hướng riêng, nên chúng tôi mong muốn HHDL có một định hướng cụ thể để cùng tìm ra cái chung để mang sản phẩm của chúng ta ra cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ông Phùng Quang Thắng – Trưởng ban Sản phẩm – Hiệp hội Du lịch Việt Nam – Chủ tịch Công ty CP đầu tư và Phát triển Du lịch Bền vững Việt Nam, chia sẻ: Đối với sản phẩm du lịch văn hóa, cần hướng tới mục tiêu hồi phục nhanh du lịch sau dịch, tăng nhanh lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Với nguồn tài nguyên nhân văn, vật thể và phi vật thể phong phú, chúng ta cần tập trung đầu tư, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc sắc của mỗi địa phương. Để đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế, sản phẩm du lịch cần có tính sáng tạo cao. Theo đó, cần xây dựng chủ đề và nội dung biểu diễn hay tham quan phù hợp; đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ khách du lịch; tạo sự thuận lợi tiếp cận điểm tham quan, biểu diễn nghệ thuật; tổ chức tham gia phát triển kinh tế đêm; liên kết tạo sự hợp tác chặc chẽ giữa các đơn vị quản lý văn hóa, di tích và các doanh nghiệp du lịch. Đặc biệt, sản phẩm du lịch văn hóa gắn liền với nhiều loại hình du lịch khác tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch bền vững. 

Theo thống kê, khách du lịch nội địa Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 là hơn 60 triệu lượt, với tốc độ tăng trưởng này thì lượng khách du lịch nội địa dự kiến cả năm 2022 sẽ đạt và vượt số lượng khách nội địa năm 2019 (85 triệu lượt). Du lịch Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên du lịch phục hồi kéo theo tăng trưởng của nhiều loại hình dịch vụ khác. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước có liên quan đến lĩnh vực du lịch trong 6 tháng 2022 đã gia tăng ấn tượng, trong đó: Dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%. Ở khía cạnh vận chuyển, báo cáo mới nhất từ Airbus và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019.

 

Phước Quang