Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa thông qua hai ngôi nhà sàn truyền thống tại Bảo tàng Lâm Đồng

Tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 40 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, các dân tộc bản địa Mạ, Kơ Ho, Chu Ru chiếm khoảng 17% dân số, người Kinh chiếm khoảng hơn 70%, còn lại là các dân tộc khác đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Trong quá trình sinh sống, văn hóa của cư dân các vùng miền đã có sự giao thoa, hòa quyện với văn hóa của các dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên, làm cho Lâm Đồng có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng, phong phú và mang đậm sắc thái riêng.

nha san kHo tai khuon vien bao tang lam dong

Hai ngôi nhà sàn của đồng bào Mạ và Kơ Ho phục dựng trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng

Thể hiện nổi bật trong hệ thống giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng là những ngôi nhà sàn. Đây không chỉ là nơi sinh sống của các thành viên trong gia đình, mà còn là nơi chứa đựng nếp sinh hoạt hàng ngày, các yếu tố văn hóa, tâm linh, phong tục tập quán… của mỗi dân tộc.

Trong thời gian qua, Bảo tàng Lâm Đồng đã tổ chức sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc bản địa. Ngoài nội dung trưng bày “Đặc trưng văn hóa các dân tộc bản địa” tại nhà trưng bày chính, Bảo tàng Lâm Đồng còn phục dựng nguyên gốc hai nhà sàn dân tộc Mạ và Kơ Ho bằng kỹ thuật và vật liệu cổ truyền, bên trong bài trí theo không gian sinh hoạt truyền thống.

Nói đến giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Lâm Đồng là nói đến những cái ít biến đổi được duy trì trong suốt quá trình lịch sử làm nên những giá trị to lớn và quý báu của nền văn hóa đó. Kho tàng tri thức dân gian độc đáo, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn phong phú, các nghề thủ công truyền thống khá đa dạng, tinh xảo, phản ánh sáng tạo văn hóa của mỗi tộc người, được đúc kết qua nhiều thế hệ gắn liền với các hoạt động lao động, sản xuất thực sự là tài sản quý giá, làm nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Tại hai ngôi nhà sàn truyền thống, đội ngũ thuyết minh viên sẽ giúp khách tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Đồng thể hiện qua nhiều nội dung:

– Nghệ thuật của các công trình kiến trúc đặc thù (nhà dài, nhà sàn, kho lúa, chuồng trại chăn nuôi…).

– Cảnh quan của các buôn, làng truyền thống của người dân tộc bản địa (thường cư trú gần các sông, suối, những cánh rừng tự nhiên…).

– Các nghề thủ công: đan lát, kim hoàn, rèn sắt…, đặc biệt nghề dệt thổ cẩm rất đa dạng, độc đáo, gây ấn tượng bởi cách phối màu và đường nét hoa văn.

– Trang phục, trang sức: chủ yếu sử dụng nguyên liệu tự nhiên của địa phương, rất phong phú về chủng loại, đa dạng về kiểu mẫu, hoa văn.

– Ẩm thực truyền thống: tập quán ăn uống, những món ăn, thức uống, đặc biệt là rượu cần, một thức uống gắn bó từ lâu đời với người dân bản địa nơi đây, không còn nằm trong khuôn khổ là một thức uống bình thường, mà đã trở thành phương thức ứng xử văn hóa độc đáo đặc trưng nhất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên (nhất là trong dịp lễ hội). Rượu cần – một nghệ thuật ẩm thực đã trở thành yếu tố văn hóa đặc sắc trong truyền thống văn hóa Lâm Đồng.
– Dân nhạc, dân vũ: khả năng diễn tấu cồng chiêng, Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Truyện kể dân gian: Kho tàng truyện kể dân gian của đồng bào dân tộc bản địa ở Lâm Đồng được đánh giá là đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung,chủ yếu lưu truyền bằng hình thức truyền miệng.Văn học dân gian cũng là điểm nổi bật trong văn hóa tinh thần của các dân tộc bản địa Lâm Đồng. Đây không chỉ là những câu chuyện, khúc ngâm phản ánh “thế giới quan, nhân sinh quan” của đồng bào, mà còn có thể tìm thấy trong đó lịch sử phát triển của xã hội tộc người.

– Âm nhạc – nghệ thuật dân gian: bên cạnh văn học dân gian, phải kể đến âm nhạc dân gian. Các dân tộc bản địa dùng nhiều loại nhạc cụ có chất liệu khác nhau với những phương thức chế tác độc đáo. Chính âm nhạc dân gian đã góp phần làm phong phú văn hóa tinh thần của người dân tộc bản địa.

– Bài thuốc dân gian: chủ yếu sử dụng từ các loại động, thực vật trong tự nhiên.

– Lễ hội truyền thống, tín ngưỡng truyền thống: Thần linh giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc bản địa ở Lâm Đồng. Đồng bào quan niệm vạn vật đều có yếu tố linh thiêng ở bên trong và vị thần tối cao luôn được mọi người hướng đến là Giàng. Lễ hội truyền thống thường gắn với nghi lễ tôn vinh thần linh. Lễ hội của các dân tộc bản địa Lâm Đồng được gắn liền với chu trình canh tác cây lúa, bắt đầu từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Lễ hội quan trọng và quy mô hơn cả là lễ mừng lúa mới. Ngoài ra, đồng bào còn có những lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng (lễ cúng thần rừng, thần nước…), hay là những phong tục, tập quán của cộng đồng và cá nhân. Lễ hội chính là dịp để cư dân bản địa thực hành tín ngưỡng truyền thống, – tín ngưỡng đa thần. Trong những lễ hội truyền thống, biểu trưng đậm nét nhất là sự cộng cảm giữa các cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tập thể, tạo nên tính cộng đồng của cư dân bản địa. Mối quan hệ cộng đồng ấy được hình thành trên cơ sở tự nguyện, thân ái, thủy chung, bình đẳng và được ràng buộc bởi phong tục, tập quán, nên tính bền vững rất cao…

khong gian trong nha san kHo tai khuon vien bao tang lam dongMột phần bên trong ngôi nhà sàn đồng bào Kơ Ho

Hiện nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, cùng sự giao lưu, hội nhập văn hóa, một số bản sắc văn hóa như lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang bị mai một, thậm chí có nguy cơ thất truyền. Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn, giới thiệu đến khách tham quan giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa là hết sức quan trọng và cần thiết.

Tuy nhiên, qua 14 năm sử dụng (năm 2007), hai nhà sàn trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng đã xuống cấp khá nghiêm trọng: sàn, vách, lan can bị mục, mái tranh bị hư dột, dẫn đến một số vật dụng bên trong cũng bị ảnh hưởng, hư cũ. Cảnh quan bên ngoài khu nhà sàn chưa hấp dẫn, chưa tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan. Do nhân lực ít nên ảnh hưởng đến việc mở cửa thường xuyên phục vụ khách tham quan (hiện nay, mặc dù có nhân viên trực tại khu nhà sàn, cũng chỉ mở của bốn ngày trong một tuần).

Trong những năm gần đây, lượng khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng Lâm Đồng có xu hướng tăng, tuy nhiên mức độ vẫn còn khá “khiêm tốn” so với lượng khách đến thành phố Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, thời gian tham quan của du khách theo các tour du lịch thường bị giới hạn trong vòng 45 – 60 phút qua nhiều điểm (nhà trưng bày chính, Cung Nam Phương Hoàng hậu), nên du khách không còn thời gian để tham quan hai ngôi nhà sàn.

Trong thời gian sớm nhất, cần đầu tư sửa chữa, thay mới những phần đã hư hỏng tại hai ngôi nhà sàn. Công việc này nên nhờ các nghệ nhân người dân tộc bản địa thực hiện để đảm bảo các yếu tố truyền thống. Bên cạnh đó, nên sưu tầm thêm cũng như thay mới những vật dụng trưng bày trong nhà sàn để làm mới không gian trưng bày tạo sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Khu nhà sàn cũng cần tạo thêm cảnh quan đẹp, độc đáo để du khách có thể chụp hình lưu niệm, check-in. Chú trọng xây dựng các chương trình tham quan, giáo dục cho từng đối tượng khách, với nội dung thuyết minh phù hợp.

Tạo điều kiện cho viên chức thâm nhập thực tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để nắm bắt và am hiểu sâu hơn về văn hóa các dân tộc bản địa, giúp cho việc giới thiệu đến khách tham quan ngày càng tốt hơn. Đồng thời, cũng cần tạo cơ hội tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm hay từ các bảo tàng khác trong cả nước.

Trong những thời điểm phù hợp, Bảo tàng Lâm Đồng có thể tổ chức các buổi “trình diễn văn hóa”, các hoạt động như thao tác nghề thủ công truyền thống, trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc, các điệu múa, bài hát truyền thống… Đây là các hoạt động tiếp cận văn hóa trực quan, sinh động để khách tham quan tự trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, cán bộ của bảo tàng.

Bảo tàng Lâm Đồng với nguồn hiện vật phong phú và đa dạng, nhiều nội dung trưng bày hấp dẫn thu hút khách tham quan, là một thiết chế văn hóa quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và niềm tự hào dân tộc. Trong thời gian tới, việc nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp phát huy giá trị của hai ngôi nhà sàn góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương. Qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các cư dân bản địa sẽ trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo với du khách khi tới thành phố Đà Lạt.

Phùng Trọng Khuê