Tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp của người Hàn – Sejong Center

TÌM HIỂU VỀ NGÔN NGỮ CƠ THỂ TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI HÀN

1. Một số khác biệt về ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp của người Hàn và người Việt

Hàn Quốc và Việt Nam cùng là các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và sau này là ảnh hưởng văn minh phương Tây nên các động tác cơ thể vận dụng trong giao tiếp có nhiều điểm tương đồng. Song, mỗi dân tộc đều có đặc điểm văn hóa cố hữu của mình, đồng thời bản thân quá trình du nhập, cách thức tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa từ ngoài vào của mỗi dân tộc cũng khác nhau nên vẫn có thể thấy một số điểm khác biệt về cử chỉ trong giao tiếp.

Cũng như giao tiếp sử dụng ngôn từ, giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể được hình thành trong mối tương tác giữa ngôn ngữ và văn hóa, vừa mang tính chất riêng biệt, cá nhân vừa mang tính chất chung của cộng đồng, của xã hội và chịu sự chi phối của các yêu tố như tình huống giao tiếp, giới tính, tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp v.v… Vì thế, nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp của người Hàn nói riêng và của các dân tộc khác nói chung đòi hỏi phải có sự hiểu biết về văn hóa, cụ thể là văn hóa ngôn ngữ, văn hóa ứng xử và cần phải có sự trải nghiệm để có được cái trực quan của người bản địa.

Do phạm vi nghiên cứu rộng và khá phức tạp như vậy nên bài viết này sẽ chỉ giới thiệu một số ngôn ngữ cơ thể chung nhất thu thập được từ tài liệu của học giả người Hàn mà chúng tôi cho rằng từ góc nhìn của người Việt, đây là những cử chỉ có điểm khác biệt, dễ gây hiểu nhầm hoặc khiến cho hoạt động giao tiếp thất bại. Cụ thể có thể lấy ví dụ về một số khác biệt giữa ngôn ngữ cơ thể của người Hàn và người Việt như sau:

– Trước hết, trong cách chào hỏi, người Hàn thường cúi người để chào, đối tượng chào là người phải kính trọng thì càng cúi thấp hơn. Nhưng ở Việt Nam thường ít cúi gập mình, thậm chí việc cúi mình thấp quá có thể dẫn đến hiểu nhầm, do đó mặc dù làm việc với người Hàn Quốc, dù biết được cách chào hỏi, đa phần vẫn còn cảm thấy xa lạ và gượng gạo.

– Trong xin lỗi, khi cấp dưới mắc phải sai lầm, người Hàn có cử chỉ xoa tay xin lỗi, thể hiện việc biết lỗi và mong đối phương bỏ qua cho mình. Tuy nhiên ở Việt Nam cử chỉ này thường được thực hiện trước khi làm một công việc gì, hay trước khi ăn một món ăn nào đó. Đối với người Việt Nam, việc xin lỗi thường thể hiện qua lời nói, hoặc điệu bộ ở nét mặt của người giao tiếp. Một lưu ý rằng, người Hàn cho rằng người mắc lỗi cần phải nghiêm túc kiểm điểm và tỏ ra biết lỗi, nên những hành động gãi đầu, cười để lấy lòng, xoa dịu đối phương – “cười trừ” trong giao tiếp ứng xử theo hướng nhẹ nhàng của người Việt sẽ rất dễ gây hiểu nhầm, tạo nên căng thẳng và xung đột.

– Trường hợp nói chuyện, người Việt thường có thói quen chạm vào đối phương, phần để gây sự chú ý, phần tỏ thái độ thân thiện. Tuy nhiên điều này rất hạn chế và đặc biệt tối kị trong trường hợp cấp dưới nói chuyện với cấp trên hoặc mới gặp mặt lần đầu.

– Người Hàn thường quy ước ký hiệu hình tròn là khẳng định, tích cực, còn ký hiệu dấu chéo là phủ định, tiêu cực vì thế, để ra hiệu việc gì đó sai, không phải, hay không được, họ bắt chéo 2 tay trước ngực, còn người Việt thường thể hiện bằng cử chỉ xua tay, phẩy tay. Nếu không nắm được cử chỉ này, sẽ rất dễ xảy ra hiểu nhầm trong xử lý công việc.

– Khi gặp chuyện bực mình, cảm thấy khó chịu, thường là tức giận, người Hàn hay có cử chỉ đập tay vào ngực, tỏ thái độ quá mức, không thể chịu nổi. Tuy nhiên đây là điều ít thấy ở người Việt, người Việt ít khi bày tỏ phản ứng mạnh mẽ như vậy và thường thì người ta chỉ đập khi ho, khó thở v.v… do đó cần phải chú ý khi thấy tín hiệu này để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong giao tiếp.

– Khi nói chuyện với nhau, để biểu hiện ai đó đang tức giận, người Hàn dùng ký hiệu đưa 2 ngón trỏ dựng lên trên đầu, trong khi người Việt không dùng biểu hiện này hoặc sẽ hiểu biểu hiện này theo nghĩa khác.

– Trong giao tiếp, người Hàn hay dùng cử chỉ bập ngón cái và ngón trỏ vào nhau vài lần để biểu thị ý nghĩa có quan hệ tốt, nhóm kết hợp với nhau tốt, nhưng đối với người Việt, nếu không cẩn thận sẽ hiểu nhầm với động tác đòi tiền một cách không lịch sự (đưa 2 ngón tay đếm tiền)

– Khi trao đổi một công việc nào đó, nếu thấy người Hàn nhắm 2 mắt lại, hoặc nhắm cả 2 mắt lại rồi mở ra, có thể kèm theo các điệu bộ cử chỉ khác như (thở dài, hoặc gằn tiếng v.v…) cần phải lưu ý vì đó là cử chỉ biểu thị sự bất mãn hay coi thường…

Trong quan hệ giữa người Hàn và người Việt, tất nhiên sẽ có sự thông cảm vì các đối tượng giao tiếp đều hiểu và chấp nhận sự khác biệt về văn hóa. Một số trường hợp còn thận trọng, hạn chế sử dụng ngôn ngữ cử chỉ để tránh hiểu nhầm. Tuy nhiên, đối với người Việt hay người Hàn thường xuyên làm việc chung hoặc giao tiếp với nhau thì cần phải chú ý đến những khác biệt này để qua đó mà duy trì mối quan hệ và đạt hiệu quả công việc ở mức cao nhất.

2. Ngôn ngữ cử chỉ mang nhiều ý nghĩa, dễ gây hiểu nhầm

Có những ngôn ngữ cơ thể về mặt ký hiệu học dễ hiểu, dễ giải thích, đồng thời cũng có những cử chỉ do tương đồng văn hóa nên đã được cả người Hàn Quốc và Việt Nam cùng sử dụng. Tuy nhiên, một số trường hợp do động tác của chúng mang nhiều ý nghĩa nên cần hết sức lưu ý khi sử dụng. Trong phần trình bày của mình, chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ về ngôn ngữ cơ thể có ý nghĩa tích cực nhưng nếu không cẩn thận sẽ có thể hiểu thành ý nghĩa tiêu cực như sau[1]:

 

Ngôn ngữ cử chỉ

 

 

 

 

Ý nghĩa tích cực

 

 

 

 

Ý nghĩa tiêu cực

 

 

 

 

Vẫy tay, động tác thực hiện ở cổ tay, bàn tay đưa lên đưa xuống

 

 

 

 

Gọi người, bảo đến phía mình, là loại động tác mệnh lệnh nên hạn chế sử dụng với người nhiều tuổi, hoặc với cấp trên

 

 

 

 

Đuổi đi, “đi đi”, “đi chỗ khác đi”

 

 

 

 

Vẫy tay, động tác thực hiện ở khuỷu tay, cánh tay đưa sang trái, rồi đưa sang phải

 

 

 

 

Biểu thị ý hoan nghênh hoặc chào tạm biệt

 

 

 

 

(giống) xua tay, biểu thị ý nghĩa phủ định “không được”, “không đúng”, hoặc từ chối

 

 

 

 

Tay phải nắm đấm đưa ra trước, lưng bàn tay hướng lên trên

 

 

 

 

Thể hiện sự tự tin, vượt qua được khó khăn

 

 

 

 

Đe dọa, cẩn thận, không sẽ cho ăn đấm, sẽ không để yên

 

 

 

 

Chỉ ngón tay, chỉ bằng ngón trỏ

 

 

 

 

Yêu cầu nhìn theo hướng ngón tay, chỉ người, sự vật

 

 

 

 

Chỉ tay với ý coi thường, không dùng chỉ người lớn, kể cả ngôi thứ 3 trong giao tiếp.

 

 

 

 

Đập tay lên trán hoặc đấm nhẹ tay vào đầu

 

 

 

 

Hiểu ra được một sự việc nào đó, nhận ra được sai lầm

 

 

 

 

Thể hiện bất ngờ trước một hành động không ai có thể hiểu nổi

 

 

 

3. Một số điểm cần lưu ý trong văn hóa ứng xử của người Hàn

Để có được mối quan hệ tốt trong giao lưu với người Hàn, bên cạnh các động tác cử chỉ sử dụng trong giao tiếp, việc nắm được các kiến thức về văn hóa ứng xử trong đời sống hàng ngày của người Hàn cũng là điều cần thiết. Người Hàn cũng như người Việt đều có điểm chung là hiếu khách và luôn để ý đến nhân thân của đối phương trong giao tiếp, qua đó mà bày tỏ sự tôn trọng cũng như cách ứng xử của mình cho phù hợp. Tuy nhiên, ở trường hợp của người Hàn, có một số tình huống giao tiếp, nếu không để ý, sẽ trở thành sự áp đặt và gây ra hiểu lầm. Trong phần này chúng tôi xin lấy một vài ví dụ cụ thể cho thấy điểm khác biệt của tập quán và văn hóa ứng xử trong sinh hoạt hàng ngày của người Hàn.

– Khi gặp khách, làm việc, học tập v.v… người Hàn cũng thường hay chú ý tới bộ phận chân của đối phương. Thông thường khi ra ngoài, để tỏ sự tôn trọng, ngoài việc ăn mặc chỉnh tề, lưu ý cần phải đi giày hoặc dép quai hậu, chứ không nên đi dép lê. Người Việt cũng không phải không có tác phong này, song đôi khi không được coi trọng hoặc để ý tới.

– Người Hàn Quốc khi nói chuyện thường nhìn vào đối phương, tuy không nhìn chằm chằm liên tục vào mắt, có thể nhìn, hướng về phía mặt của đối phương để tỏ sự chú ý và tôn trọng. Việc nhìn đi chỗ khác sẽ thể hiện sự né tránh hoặc có điều gì đó không thật.

– Tuy nhiên, khi vào nhà của người Hàn, lưu ý rằng, người Hàn rất coi trọng sự sạch sẽ của sàn nhà, vì thế nếu không bỏ giày dép ra để bước vào, bạn sẽ bị coi là thất lễ.

– Khi uống rượu và tiếp khách, người Hàn không bao giờ tự rót rượu cho bản thân mình, việc làm này được coi là thất lễ và thiếu sự quan tâm của người khác, tuy nhiên ở người Việt đây lại là điều rất bình thường. Khi uống rượu trước mặt người lớn tuổi hoặc có địa vị cao, người Hàn thường quay mặt, che tay để uống. Ngoài ra, các tập quán như uống hết chén của mình rồi đưa cho đối phương và rót rượu mời uống chung chén… cũng là những cử chỉ biểu hiện tình cảm chỉ có thể thấy ở Hàn Quốc. Với một số người Việt, người ta thường e ngại về điều này.

– Trong ăn cơm, người Hàn cũng ăn cơm gạo và dùng bát đũa như người Việt, nhưng cũng có điều khác biệt so với văn hóa ẩm thực của người Việt. Người Việt thường nâng bát lên, dùng đũa để và cơm, còn người Hàn lại coi đó là hành động không lịch sự. Người Hàn thường để bát nguyên trên bàn và dùng thìa để xúc ăn. Đặc biệt lưu ý việc đặt đũa trên miệng bát vốn mang ý nghĩa biểu hiện bát cơm dành cho người đã qua đời, trong khi ở Việt Nam việc gác đũa trên miệng bát lại là cử chỉ rất bình thường.

– Trong hội nghị, lớp học, cuộc họp, lúc nói chuyện đông người cùng với người Hàn, việc dùng 2 tay chống cằm ngồi nghe cũng được xem là cử chỉ cần hạn chế, bởi dễ bị coi là không quan tâm hay không chú ý tới nội dung của người nói, hoặc đang tham dự một cách miễn cưỡng, mệt mỏi… Còn ở người Việt, việc chống tay vào cằm ngồi nghe nói chuyện không liên quan tới mức độ chăm chú của các đối tượng tham dự.

– Ở động tác cử chỉ của cơ thể trong giao tiếp cũng như ở cách bài trí sắp xếp mọi thứ trong sinh hoạt văn hóa, đa phần được người Hàn đều thực hiện theo quy ước “nam tả nữ hữu”, “nam đông nữ tây”. Điều này có thể thấy ở các động tác đặt tay, xếp tay, nam thường đưa tay trái lên trên còn nữ đưa tay phải lên… hoặc cách sắp xếp vị trí chỗ đứng, chỗ ngồi cũng đều theo hướng này cả.

Trên đây là một số nét khác biệt có thể dễ dàng nhận thấy trong văn hóa ứng xử của người Hàn. Trong giao lưu, tiếp xúc với người nước ngoài nói chung và người Hàn nói riêng, việc tìm hiểu về văn hóa ứng xử của đối phương để có được hành vi xử sự cho phù hợp xét cho cùng cũng là một biểu hiện của sự tôn trọng và quan tâm, và đồng thời cũng là cách thức giúp cho chúng ta đạt được hiệu quả cao hơn trong giao tiếp.

TS. Lưu Tuấn Anh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ 2017 – 2018

Xổ số miền Bắc