Tìm hiểu về phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm – Vua Nệm

Theo phong tục từ xa xưa, cứ mỗi dịp đầu năm, người Việt Nam thường có thói quen đi chúc Tết các gia đình, hàng xóm, láng giềng và mừng tuổi cho mọi người. Phong tục này đã được gìn giữ và tiếp diễn đến tận bây giờ. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa của phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm đối với người dân Việt Nam. 

1. Nguồn gốc phong tục chúc Tết và mừng tuổi đầu năm

1.1. Phong tục chúc Tết

Không ai biết rõ được nguồn gốc cụ thể của phong tục chúc Tết đầu năm có từ đâu và từ lúc nào. Nhưng mỗi dịp Tết đến là thời điểm mà chúng ta tạm biệt năm cũ và chào đón một năm mới bắt đầu, hay còn gọi là khoảnh khắc giao mùa. Và đây cũng là thời điểm mà mọi người đều mong những điều tốt đẹp sẽ tới với mình và người thân yêu của mình trong năm sắp tới. 

Chúc Tết là phong tục không thể thiếu trong mỗi dịp năm mới

Chính vì lý do đó nên phong tục chúc Tết mỗi dịp đầu năm được hình thành. Mọi người thường trao nhau những lời chúc Tết hay, ý nghĩa để mong bạn bè, người thân của mình có thể đạt được những mong ước của riêng mình. 

Có thể nói, đây là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam vào những ngày Tết. Các thế hệ nối tiếp nhau và trao cho nhau những lời hay ý đẹp. 

1.2. Phong tục mừng tuổi đầu năm

Mừng tuổi đầu năm hay còn gọi với cái tên thân thuộc là lì xì, là một phong tục trong dịp Tết Nguyên Đán ở các nước Á Đông nói chung và ở cả Việt Nam. Phong tục này có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Với tương truyền rằng, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm giao thừa và có sở thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon, để làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì vậy, những gia đình có con nhỏ thường phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con của mình. 

Trong một lần có 8 vị tiên đi ngang qua và thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ những đứa trẻ. Và bố mẹ chúng cũng đem những gói đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ, điều kỳ lạ đã xảy ra. Khi yêu quái đến, những đồng tiền vàng lóe sáng lên khiến chúng bỏ chạy.

Chính vì điều đó mà câu chuyện này được lan truyền đi khắp nhân gian. Từ đó thì mỗi dịp Tết đến người ta thường bỏ tiền vào túi màu đỏ để tặng trẻ em với hy vọng mong trẻ chóng lớn, khỏe mạnh. Và hành động đó đến nay được gọi là lì xì – mừng tuổi đầu năm. 

Phong tục lì xì bắt nguồn từ một câu chuyện của Trung Quốc

Xem thêm:

 

2. Ý nghĩa của chúc Tết và mừng tuổi đầu năm

Theo quan niệm từ xa xưa, cứ mỗi dịp năm mới tới, mỗi người đều thêm một tuổi. Bởi vậy, ngày mùng 1 Tết là ngày mở đầu cho năm mới. Con cháu dù ở xa hay ở gần thì đều tề tựu và chúc thọ ông bà, những bậc cao niên. Thêm một tuổi tức nghĩa là trời đã cho lộc thọ, có thêm được nhiều kinh nghiệm đường đời để sống tốt hơn, đồng thời góp công sức cùng gia đình và dòng họ để làm nhiều điều có ích hơn. 

2.1. ý nghĩa của phong bao lì xì

Trong mỗi gia đình, vào sáng mùng 1 Tết, con cháu chúc Tết bố mẹ và ông bà. Những con cháu chưa có gia đình thì đều được ông bà, bố mẹ chúc những điều tốt đẹp, may mắn, đồng thời mừng tuổi với những bao lì xì đựng tiền màu đỏ. 

Những tờ tiền mừng tuổi thường là tờ tiền mới. Và thời xưa thì người ta thường chỉ cho tiền lẻ và phong bao để với mục ý số lẻ để còn tiếp tục sinh sôi, phát triển thêm. Dù giá trị tiền không cao nhưng nó đều mang ý nghĩa biểu trưng lớn. 

Tiền đựng trong phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì giữa mọi người để tránh dẫn đến chuyện xích mích, không vui trong những ngày Tết. Đồng thời, tiền mừng tuổi thường được cất giữ kín như một sự bảo lưu may mắn cho cả năm. 

Mọi người thường dùng phong bao lì xì có màu đỏ hoặc vàng, mang ý nghĩa tiền hên, phú quý may mắn và những điều lành, điều tốt đẹp. 

Bên cạnh đó, ý nghĩa không chỉ dừng lại ở tiền lì xì, mà quan trọng hơn cả là những mong ước, cầu chúc các con cháu khỏe mạnh, học hành tấn tới. Còn phong bì dù ít hay nhiều tiền thì cũng không phải là điều đáng để tâm. 

Mừng tuổi mang ý nghĩa mong muốn sức khỏe, may mắn, hạnh phúc

2.2. Ý nghĩa của chúc Tết đầu năm

Trong ngày Tết, mọi người thường chúc nhau những điều chân thành, mộc mạc. Người được chúc sẽ đón nhận với lòng biết ơn, cả người chúc và người được chúc đều cảm thấy có trời đất chứng giảm để phù hộ, độ trì. 

Để có thể gắn kết tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm thì những lời chúc Tết thường sẽ là chúc hạnh phúc, sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn. Những người trong năm cũ không may gặp rủi ro xui xẻo thì thường được động viên để tai qua nạn khỏi hay của đi thay người. 

Trong ba ngày Tết thì người ta thường đi chúc Tết gia đình, họ hàng, làng xóm và bạn bè để chúc những điều tốt lành cho năm mới. Ngay cả những người mới gặp cũng vui vẻ và chân thành chúc Tết nhau. Khi có người quen đến nhà chơi, chủ nhà thường vui vẻ tiếp đón và đãi các món ăn, đồ uống ngon. 

Tục lệ này nói lên sự quan tâm và tình thương yêu giữa con người với con người. Ngoài ra, ông bà ta thường có câu: Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. 

  • Mùng 1 Tết cha có nghĩa là trong ngày đầu tiên của năm mới thì phải dành cho người sinh thành ra mình, coi cha và những người cùng huyết thống ở bên nội ở một vị thế đặc biệt. Đây có thể nói là điều phản ánh tục lệ phụ hệ của người Việt.

  • Mùng 2 Tết mẹ tức là phải đặt vị thế của mẹ và gia đình bên ngoại nối tiếp ngay sau cha và bên nội. Tục này thể hiện quan niệm mẫu hệ vẫn còn khá sâu sắc trong đời sống của người Việt Nam. 

  • Mùng 3 Tết thầy mang ý nghĩa có cha có mẹ thì mới có ta nhưng cha mẹ chỉ sinh thành và nuôi nấng, còn dạy những điều hay lẽ phải thì đều nhờ người thầy. Chính vì vậy mùng 3 là phải chúc Tết thầy. Đây là phong tục thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam. 

Những lời chúc Tết hay món quà dành cho gia đình, thầy cô trong dịp Tết

Xem ngay:

3. Những biến tướng và tiêu cực

Ở mỗi vùng miền, mỗi thành phần trong xã hội hay mỗi thời điểm lại có những biến đổi khác nhau. Không một phong tục, tập quán nào mà lúc nào cũng giống nhau. Do vậy, việc biến chuyển là lẽ tất nhiên. 

Với những người bình thường thì mừng tuổi sẽ là quà, tiền với số lượng nhỏ để tượng trưng. Với các nhà nho thì có thể là câu đối đỏ, một chữ hay gói trà, bài thơ để tặng nhau. Hay với người buôn bán thì có thể tặng nhau phong bao lì xì tiền. 

Trong thời kỳ phong kiến hay ở cả trong xã hội hiện nay thì ở Việt Nam và các nước trên thế giới, việc tặng quà, mừng tuổi nhau đều có những biến tướng của nó. 

Với việc tặng quà đầu năm là mong muốn có thể tạo dựng được mối quan hệ và từ đó để có lợi cho cuộc sống của mình. Và năm mới là dịp quan trọng nhất trong năm nên người ta thường đi biếu quà vào dịp này. Từ đó dẫn tới việc đưa hối lộ và nhận hối lộ. 

Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, thì xã hội hiện nay vận động theo thị trường và đó cũng là môi trường để đưa hối lộ, tham nhũng vào. Nhà nước cũng có những quy định chặt chẽ trong việc này. Nhưng tình trạng đó vẫn liên tục diễn ra, tiêu cực từ mừng tuổi chuyển sang những cái khác. 

Những món quà Tết từ để mừng tuổi, bày tỏ tình cảm đã chuyển qua các món quà Tết bị lợi dụng, biến tướng để thực hiện những tính toán cá nhân với mục đích có lợi cho bản thân. Giờ đây, người ta coi chuyện quà Tết, mừng tuổi là thể hiện đẳng cấp, hay là thước đo tình cảm. 

Điểm khác biệt rõ ràng nhất so với thời xưa là sự hiểu biết về giá trị đồng tiền ngày càng phổ biến thì trẻ em lại rất ý thức về việc được lì xì bao nhiêu. Chúng khoe với nhau và từ đó kéo cả bố mẹ và các cuộc so đo. 

4. Gìn giữ những giá trị tốt đẹp 

Phong tục mừng tuổi có thể khẳng định rằng ý nghĩa nhân văn của nó ngày càng bị mai một và biến tướng. Đây là điều mà ông bà ta hay những người yêu văn hóa truyền thống rất trăn trở. Trước thực trạng đó, chúng ta phải bảo tồn những giá trị tốt đẹp, cả về: Giá trị của việc cầu mong, giá trị từ thiện, giá trị của việc tôn trọng người trên, yêu thương người dưới. Đây đều là những giá trị vĩnh viễn có thể tồn tại lâu dài và chúng ta đều phải có trách nhiệm gìn giữ nó.

Gìn giữ và tiếp nối các giá trị tốt đẹp của chúc Tết và mừng tuổi

Ông bà ta thường có câu “Của tặng không bằng cách tặng”. Chính vì vậy, việc mừng tuổi cùng bao lì xì hay quà thì phải kèm theo đó là thái độ, cách nói và nằm ở tâm của chính mình. Chính những điều đó tạo nên nét đẹp trong giao tiếp và lễ nghĩa. 

Bên cạnh đó, không nên biến tục lì xì trở thành cái cớ để phục vụ cho những mục đích thực dụng của cá nhân và trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi chuẩn bị phong bao lì xì cho người khác, nhà khác. Ngoài ra, bạn cũng nên dạy những đứa trẻ trong gia đình mình cách ứng xử khi nhận được tiền mừng tuổi. Từ cách xin, cách nhận đến cách cảm ơn mỗi khi được người lớn người tuổi. Đặc biệt, tránh để trẻ có tâm lý so bì tiền mừng tuổi giữa người này với người khác hay không trân trọng những đồng tiền được mừng tuổi. 

Mỗi người Việt được sinh ra và lớn lên đều mong muốn một xã hội tốt đẹp, mong những giá trị hướng tới cái “chân, thiện, mỹ” ngày càng tốt đẹp hơn để lan tỏa ra cả cộng đồng trên thế giới. 

Xem ngay: Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết

5. Kết luận 

Chúc Tết và mừng tuổi là một phong tục, một nét văn hóa đẹp đẽ và không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người dân Việt Nam. Việc gìn giữ và bảo tồn nét đẹp đó là nghĩa vụ của mỗi người trong chúng ta để tránh biến tướng, tạo ra những điều không hay cho bây giờ và mai sau.