Tìm kiếm giải pháp góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng
Trong thời gian qua, các địa phương, đơn vị trong Cụm thi đua 1 Ban Tuyên giáo Thành ủy đã có nhiều hoạt động, giải pháp thực hiện, qua đó góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng, như: Xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”; xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, thư viện truyền thống, thư viện điện tử, phòng đọc; phát huy hiệu quả tủ sách phường; tổ chức các hoạt động tặng sách, tọa đàm, giao lưu, các hoạt động vui chơi cùng sách, liên hoan kể chuyện sách có minh họa; phát động Ngày đọc sách…
Để văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn đòi hỏi sự thay đổi, nâng cao nhận thức, quan tâm sâu sát của các cấp ngành có liên quan ở từng địa phương
Tuy nhiên một số thư viện, tủ sách phường, phòng đọc cơ sở hiện còn tồn tại những hạn chế, yếu kém nên không phát huy được chức năng nhiệm vụ, chưa thu hút được người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin thời đại 4.0 với nhiều thiết bị điện tử hiện đại như máy tính, điện thoại, máy đọc sách… cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các thư viện, phòng đọc trong công tác phục vụ tài liệu truyền thống.
Văn hóa đọc đã có sự lan tỏa tới cộng đồng, nhưng để văn hóa đọc trở thành thói quen thường nhật, tạo được sự hứng khởi, đam mê cho người dân ở mọi lứa tuổi lại là việc làm cần được các địa phương có kế hoạch cụ thể và “dài hơi” hơn. Để tạo được chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới đòi hỏi sự thay đổi, nâng cao nhận thức, quan tâm sâu sát của các cấp ngành có liên quan ở từng địa phương trong việc phát triển văn hóa đọc.
Tại chương trình, đại diện các quận: 1, 3, 5, 10, Tân Bình và TP Thủ Đức đã cùng nhau chia sẻ xoay quanh một số nội dung: Phương thức tuyên truyền phát triển văn hóa đọc hiệu quả; Giải pháp gieo mầm thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc sách trong học sinh; Cách làm và kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện cộng đồng, tủ sách phường, xã, thị trấn; Công tác huy động sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, đơn vị xuất bản trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc sách, tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số; Một số mô hình hiệu quả thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng tại địa phương, đơn vị; Đề xuất giải pháp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Theo bà Phùng Thị Phương, Phó Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc, chúng ta cũng đã làm và đã có những nghiên cứu, cách làm rất phong phú trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo bà Phương nên chọn những giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, đối tượng mà chúng ta muốn triển khai. Trong các giải pháp đưa ra, giải pháp nào cũng quan trọng; tuy nhiên, giải pháp phát triển văn hóa đọc hướng đến các em học sinh là giải pháp nền tảng và cơ bản, và phải được làm sớm mới có thể trở thành giải pháp bền vững.
“Muốn phát triển văn hóa đọc, chúng ta phải tạo điều kiện cho sự phát triển đó. Đối với người đọc sách, chúng ta phải tạo ra được không gian, thời gian dành cho việc đọc sách. Có như vậy mới có thể thực hiện được mong muốn của mình trong việc thay đổi bản thân. Đối với các em, việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường rất quan trọng”, bà Phùng Thị Phương nhấn mạnh.
Bà Phùng Thị Phương cũng chia sẻ một số giải pháp ngắn gọn như xây dựng tủ sách cho công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp; xây dựng Tủ sách Hồ Chí Minh; xây dựng tủ sách gia đình, phát động phong trào cha mẹ cùng con đọc sách nhằm góp phần hình thành lòng say mê đọc sách của các em từ trong chính gia đình.