Tổ chức Du lịch thế giới
Tổ chức Du lịch thế giới
Tổ chức Du lịch Thế giới (tên tiếng Anh là World Tourism Organization – UNWTO, tên tiếng Pháp là Organization Mondiale du Tourisme – OMT) là một cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc. Tôn chỉ, mục tiêu hoạt động của Tổ chức là thông qua thúc đẩy phát triển du lịch, mang lại cơ hội du lịch cho toàn thể nhân dân thế giới, phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững; góp phần vào sự phát triển kinh tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia vì hoà bình, thịnh vượng, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo.
UNWTO thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm phát triển du lịch phạm vi toàn cầu như đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, nghiên cứu, thống kê du lịch, tổ chức hội nghị và hội thảo, thu thập xử lý thông tin du lịch, tổ chức quản lý du lịch, bảo vệ môi trường. UNWTO cũng đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Hiến chương du lịch, Quy tắc ứng xử toàn cầu trong du lịch, các Tuyên bố du lịch…, khuyến cáo Liên hợp quốc và Chính phủ các quốc gia có những giải pháp phù hợp trong phát triển du lịch.
Trụ sở chính thức của UNWTO đặt tại Madrid – Tây Ban Nha. Cơ quan tối cao của UNWTO là Đại Hội đồng gồm các đại biểu đại diện cho các thành viên chính thức của UNWTO. Giúp việc cho Đại hội đồng có các cơ quan, uỷ ban chuyên môn. Các hoạt động của UNWTO được triển khai thông qua 6 Uỷ ban khu vực của UNWTO (Ủy ban Trung Đông, châu Phi, Đông Á – Thái Bình Dương, Nam Á, châu Âu và châu Mỹ).
Tổ chức Du lịch Thế giới có 03 loại thành viên: Thành viên chính thức (tất cả các quốc gia có chủ quyền đều có thể làm thành viên chính thức), thành viên liên kết (là các lãnh thổ hoặc nhóm lãnh thổ được quốc gia chủ quyền cho phép tham gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ hoặc phi chính phủ chuyên ngành du lịch và các doanh nghiệp hoặc các hiệp hội có hoạt động liên quan).
Kết thúc Đại hội đồng lần thứ 19, năm 2011 tại Hàn Quốc, UNWTO chính thức có 155 thành viên chính thức và trên 400 thành viên liên kết.
Những dấu mốc lịch sử của UNWTO
1970: Ngày 27/9/1970 phiên họp Đại hội đồng đặc biệt của IUOTO, ngày 27/9/1970 tại Mê-hi-cô đã thông qua Điều lệ của Tổ chức Du lịch thế giới – WTO. Cũng chính vì vậy, ngày 27/9 hàng năm đã trở thành Ngày Du lịch thế giới.
1975: Tổng thư ký đầu tiên của WTO đã được bầu ra và Đại hội đồng đã chính thức chọn Madrid là nơi đặt trụ sở của Tổ chức.
1976: WTO đã ký một thỏa thuận để trở thành cơ quan thực thi của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) để triển khai các chương trình hợp tác kỹ thuật với các Chính phủ.
1997: Đại hội đồng lần thứ XII của WTO tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) thông qua sách trắng xác định chiến lược của WTO nhằm đương đầu với các thách thức của thế kỷ 21
1999: Hội nghị thế giới về những biện pháp đánh giá tác động về kinh tế của du lịch tổ chức tại Nice (Pháp) đã thông qua hệ thống Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA). Đại hội đồng WTO lần thứ XII tại Santiago (Chile) thông qua Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về du lịch.
2000: Các nhà Lãnh đạo thế giới họp tại Trụ sở của UN đã thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ Liên hợp quốc, cam kết hướng tới những mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015. Ủy ban thống kê của UN đã thông qua các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm Tài khoản vệ tinh về du lịch (TSA).
2001: Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thừa nhận Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu về du lịch.
2002: WTO tham gia Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững và chính thức công bố sáng kiến Du lịch bền vững – Giảm đói nghèo (ST-EP)
2003: WTO tham gia hệ thống của Liên hợp quốc, trở thành một Cơ quan Chuyên trách về Du lịch của Liên hợp quốc với thay đổi trong viết tắt từ WTO thành UNWTO.
2005: Văn phòng Quỹ ST-EP được thành lập tại Seoul, Hàn Quốc.
2009: Tại Đại hội đồng lần thứ 18, UNWTO thông qua Lộ trình khôi phục giúp du lịch toàn cầu khắc phục tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đóng góp hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
2011: Tại Đại hội đồng lần thứ 18, UNWTO thông qua sách trắng về cải cách UNWTO và nghiên cứu về định hướng du lịch toàn cầu tới năm 2030.
Đinh Ngọc Đức