Toan tính của ông chủ mới Tasco (HUT)

Tasco sở hữu lợi thế đặc biệt nằm ở Công ty TNHH Thu phí tự động VETC.

(ĐTCK) Cổ phiếu HUT của Công ty cổ phần Tasco nổi sóng tuần qua với thông tin mới cho thấy một doanh nghiệp lớn thâu tóm Tasco nhằm mục tiêu “niêm yết cửa sau”.

Thương vụ đầu tư ngoạn mục

Từng là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, nổi tiếng với các dự án BOT, nhưng cú sốc đại dịch Covid-19 khiến lưu lượng xe thực tế thấp hơn dự kiến, cùng với sức ép từ nhiều tài xế ở các trạm thu phí BOT đã ảnh hưởng tới việc thu phí… đã khiến Tasco trượt dài trong thua lỗ.

Thực tế này đã phản ánh vào giá cổ phiếu HUT, khi từng rớt xuống mức 1.900 đồng/cổ phiếu vào tháng 5/2020.

Với sự ủng hộ của ông Phạm Quang Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nhóm nhà đầu tư mới được cho là có liên quan đến doanh nhân Vũ Đình Độ, Chủ tịch Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã DNP) đã tham gia quản trị và điều hành Tasco.

Chủ tịch và Tổng giám đốc, cũng như đội ngũ quản trị tại Tasco hiện nay đều là người mới, trong đó có những nhân sự từng tham gia điều hành DNP. Sau khi doanh nghiệp “thay máu” lãnh đạo hoàn toàn, cổ phiếu HUT đã tăng ngoạn mục lên vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2021.

Kết quả kinh doanh của Tasco cũng khởi sắc khi có lãnh đạo mới, theo đó, sau 6 quý liên tiếp thua lỗ, đến quý IV/2021, Công ty đã báo lãi 182,2 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy, trong quý này, Công ty đạt doanh thu 247 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm xuống 167 tỷ đồng, so với 250 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhờ vậy lợi nhuận gộp đạt 78 tỷ đồng, khởi sắc hơn nhiều so với mức lỗ 35 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế cả năm 2021, Công ty có lãi 47 tỷ đồng, chuyển biến lớn so với mức lỗ 247 tỷ đồng của năm ngoái.

Dù vậy, việc lợi nhuận của doanh nghiệp chủ yếu đến từ khoản doanh thu tài chính lên tới 218 tỷ đồng cho thấy dường như ban lãnh đạo mới của Tasco đã cơ cấu lại các tài sản với quyết tâm thoát lỗ cho doanh nghiệp.

Thay đổi lớn trong Ban lãnh đạo, nhưng mãi đến cuối quý IV/2021, trên thị trường tài chính mới râm ran thông tin sẽ có doanh nghiệp khác sáp nhập vào Tasco để thực hiện thương vụ “niêm yết cửa sau” trên thị trường.

Mới đây, Tasco đã chính thức hóa tin đồn này khi Hội đồng quản trị Công ty thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH SVC Holdings. Hội đồng quản trị giao cho Chủ tịch Tasco xây dựng phương án chi tiết để trình Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông thông qua chậm nhất là trong tháng 4/2022.

SVC Holdings chỉ mới thành lập vào tháng 10/2021, với vốn điều lệ 2.160 tỷ đồng. Vào ngày 31/12/2021, Công ty đã tăng vốn lên hơn 5.100 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô và xe có động cơ, kinh doanh bất động sản…

Hiện SVC Holdings đang sở hữu 54,1% của Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico), 100% vốn của Savico Hà Nội, 80% vốn của Công ty cổ phần Ô tô Bắc Âu (Volvo Việt Nam), 59,8% vốn của Công ty cổ phần DANA (Đà Nẵng Ford).

Năm 2021, SVC Holdings có doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 408 tỷ đồng. Theo VAMA, năm 2021, toàn thị trường tiêu thụ 304.000 xe thì hệ thống SVC Holdings bán ra 31.000 xe, chiếm hơn 10% thị phần.

Đáng chú ý, trong Ban lãnh đạo của Savico có sự hiện diện khá rõ của DNP, với những cái tên như Lê Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Savico từng là Tổng giám đốc – thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP; Nguyễn Huy Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị của Savico và Tasco…

Trong khi đó, xem xét dữ liệu giao dịch mà các cổ đông lớn của Savico thực hiện, có thể thấy nhóm nhà đầu tư có liên quan đến ông Vũ Đình Độ đã mua lại số lượng lớn cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài vào thời điểm thị trường chứng khoán chạm đáy do dịch Covid-19 (tháng 3/2020) để đến nay trở thành cổ đông lớn nhất tại Savico.

Ngoài SVC Holdings, cổ đông lớn thứ hai ở Savico hiện nay là Tổng công ty Bến Thành, doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 30% cổ phần. Lượng cổ phần 2 cổ đông lớn sở hữu lên tới trên 83% vốn điều lệ Savico, chưa kể số lượng cổ phiếu SVC trôi nổi bên ngoài có thể được nhóm SVC Holdings thu gom nên cổ phiếu của doanh nghiệp gần như cô đặc.

Xét về thời điểm rót tiền đầu tư cho đến nay, giá cổ phiếu SVC đã tăng gấp 3 lần, đủ cho thấy con mắt tinh đời của nhóm đầu tư tài chính trên, nhưng thị giá cổ phiếu tăng có lẽ không phải là đích đến duy nhất của nhóm nhà đầu tư trên.

Tham vọng xây dựng chuỗi giá trị nhà giàu?

Ngoài các dự án BOT và các khu đất đối ứng, Tasco sở hữu một lợi thế đặc biệt nằm ở Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, với dự án xây dựng hệ thống thu phí tự động không dừng. Chủ trương của Nhà nước là thúc đẩy thu phí tự động, không chỉ trên các đường cao tốc, quốc lộ lớn mà cả nhà ga sân bay, tiến tới là phí nội đô…

Với hơn 4 triệu xe ô tô đang lưu hành hiện nay, số lượng xe sử dụng dịch vụ thu phí không dừng có thể lên đến 2 triệu – nguồn tài nguyên rất lớn. Bởi mỗi chiếc thẻ quẹt có số dư tối thiểu 2 triệu đồng, có thể là công cụ tích hợp các tính năng khác như ví điện tử…

Liên kết với chuỗi bán xe chiếm tới hơn 10% thị phần, hai bên đã có hệ sinh thái để có thể bán chéo cho nhau.

Cụ thể, ngoài việc hoạt động trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, Tasco có thể kinh doanh thêm ô tô, bao gồm cung cấp xe ô tô các loại cũ mới, xe phổ thông, xe sang, dịch vụ liên quan tới xe và dịch vụ giá trị gia tăng cho xe và chủ xe, hướng tới xây một hệ sinh thái đủ lớn và tiềm năng khi hướng tới đối tượng có khả năng chi trả cao và không ngừng tăng trưởng.

Khối tài sản khổng lồ của SVC Holdings còn nằm ở những khu đất lớn, nằm ở những vị trí đắc địa như Trung tâm Savico Megamall tại Hà Nội (4,6 ha), Trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng (4.739 m2), Trung tâm thương mại Savico Cần Thơ (2.849 m2); Khu dân cư Long Hoà Cần Giờ (29,8 ha); Khu phức hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1 ha), Savico Phổ Quang (9.028 m2), Dự án

Mercure Sơn Trà (5,76 ha), Văn phòng 91 Pasteur (1.604 m2) và một số toà nhà văn phòng khác tại phố Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ – Khởi Nghĩa, TP.HCM… Đây có thể là nguồn tài nguyên để Tasco Land tới đây khai thác hữu dụng.

Nhóm nhà đầu tư gắn với ông Vũ Đức Độ được cho đã tham gia thâu tóm nhiều doanh nghiệp sở hữu các bất động sản nhiều tiềm năng ở Việt Nam như Anna Madala Đà Lạt, Six Sense Nha Trang, Six Sense Ninh Vân Bay và nhiều bất động sản nhà ở khác.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo về việc triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).

Theo đó, để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội ở trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với xe ô tô cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện; tiếp tục khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC đối với một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền.