Tôi đi ‘cắt tiền duyên’
TP – Mùa xuân con én đưa thoi, cây cối tươi tốt, đâm chồi nảy lộc. Dịp này, một số người độc thân lớn tuổi sốt sắng, tìm cách để con đường tình duyên hanh thông, thuận lợi.
Nhằm buổi chiều cuối năm, chị dâu lôi tuột tôi đến nhà thầy Thọ (hiệu Pháp Vinh) ở cuối thôn Khòn Khuyên, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Trên đường, chị tranh thủ nói rằng gia đình rất sốt ruột vì tôi tuổi đã qua 50 mà vẫn chưa màng đến chuyện vợ con nên quyết định tìm thầy “xem mệnh”. Kết quả, tôi được coi có “Pét xì Tào Va” (số đào hoa), phải cắt đi mới hy vọng yên bề gia thất.
Chị dâu bảo, thầy Thọ người dân tộc Tày nổi tiếng trong vùng từ khi mới 14 tuổi. Thầy làm Then có tâm, uy tín nên gia đình đặt lịch hàng tuần liền mới đến lượt.
Hành lễ
Đứng trước tôi là một người phốp pháp, to lớn, gương mặt hồng hào, dễ gần. Nom thầy Thọ còn trẻ, tuổi chưa đến ba mươi. Thầy Thọ vẫy tôi đến gần rồi bảo: “Chú về nhà sắm lễ, phải đầy đủ “tam sinh”, bao gồm thủ lợn, gà và cá. Nếu có thêm hoa quả, bánh kẹo, tiền vàng nữa thì tốt”.
Thầy dặn chị dâu tôi: “Gia đình chuẩn bị 2 miếng vải màu đỏ và màu trắng, đôi cá chép để phóng sinh và một cây móc tươi. Quan trọng là lo cho được cái cầu nhỏ có 7 nấc thang và 7 cái kim khâu”.
Chị dâu ghi nhớ vào mảnh giấy rồi kính cẩn xin phép thầy về nhà lo công chuyện. Tôi đi theo chị như một cỗ máy đã được lập trình.
“Ngày 13/12/2019, UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại cần bảo tồn và phát huy”.
Chiều muộn cuối tháng 12, tôi ăn mặc tươm tất. Chị dâu sắp một lễ mọn gồm một chẩy gạo, một bó hương đến nhà thầy Thọ làm thủ tục rước thầy về nhà.
Thầy Thọ vận đồ màu đỏ lừng lững xuất hiện trước cửa. Bàn thờ gia đình bày sẵn đồ vật “tam sinh”, hoa quả, bánh trái tươm tất. Trước khi vào nhà, thầy Thọ rửa mặt bằng lá bưởi, lá đào để “trừ tà”.
Tôi được chị dâu kèm cặp, chỉ dẫn việc ngồi gần cửa chính, mặt hướng về phía bàn thờ. Đằng sau tôi có một chậu nước có hai con cá chép quẫy tung tăng. Trên miệng chậu có cầu bảy nhịp, trên đó đặt 2 miếng vải đỏ-trắng. Trên cùng là cây móc có 7 tờ tiền vàng đính kèm.
Thầy Thọ say mê với tiếng đàn tính và lời khấn lúc trầm, lúc bổng. Giọng thầy thật ấm, sang sảng lan tỏa khắp gian nhà. Chị dâu tôi thì thầm giải thích: “Then đang thỉnh thánh tướng đến giúp việc cắt duyên đấy. Đoạn này báo cáo thổ công, thần thành hoàng. Kế đến báo cáo Táo quân vua bếp và xin phép tổ tiên gia đình”.
Cứ thế, thời gian trôi qua 8 tiếng đồng hồ, vậy mà thầy Then cũng như mọi người không ai cảm thấy mệt mỏi. Tiếng đàn tính rộn ràng. Còn tôi thì thấy người đung đưa, đôi khi nhắm mắt có cảm giác phiêu diêu…
Càng về chiều, gió thổi mạnh. Thầy Thọ đến bên tôi, nhoẻn miệng cười rồi cầm chiếc kéo nhanh tay cắt đôi miếng vải, cầu và cây móc. Thầy đưa cho một nửa vải đỏ, giục tôi cầm về giường ngủ, cất kín. Phần còn lại, thầy “yểm bùa”, mang ra ngoài sân. Hai con cá chép trong chậu được giao cho một người phụ nữ góa xách về mạn dòng sông Kỳ Cùng để thả.
Lúc này, mọi người phấn khởi nói cười, dọn mâm cỗ cùng nhau liên hoan rất vui vẻ.
Đánh thức tiềm năng
Làm lễ xong, thầy Thọ cởi bỏ xiêm áo nhẹ nhàng bắt tay tôi rất chặt. Thầy bảo, những thủ tục vừa thực hiện mang tính chất tâm linh. Nhưng đó cũng là thủ thuật của những người làm Then nhằm “thúc giục” bản thân gia chủ nhanh chóng yên bề gia thất. “Nói thật, chú thuộc trường hợp Tào va Chang Sluôn nghĩa là người luôn cặm cụi, lo toan trong công việc mà quên mất tình duyên mà thôi”. Thầy Thọ bảo.
Từ 2005 đến nay, mỗi năm thầy Thọ thực hiện khoảng 20 cuộc nghi lễ “cắt tiền duyên”, phần lớn cho nam giới là cư dân Lạng Sơn cùng nhiều tỉnh, thành miền núi biên giới phía Bắc và người dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.
Nghệ sỹ nhân dân Triệu Thủy Tiên, Phó chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Cắt tiền duyên” là hoạt động thiên về giải tỏa tâm lý cho người “lười” xây dựng gia đình riêng. Nó thu hút, lôi cuốn nhiều người bởi họ được cộng đồng (cả phần âm và dương) quan tâm, thúc giục, sốt sắng nên nhiều người đã thành công.
Ví dụ như trường hợp Lương Văn Hòa, trú tại thôn Pò Bó, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, Lạng Sơn đã gần 40 tuổi nhưng vẫn lẻ bóng. Sau khi được thầy Thọ làm lễ, 40 ngày sau, lấy được một cô vợ trẻ xinh xắn. Ông Nguyễn Văn Hanh (SN 1965), trú tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, Lạng Sơn lận đận trong việc tình duyên, cách đây chừng 5 năm nhờ thầy Thọ “ra tay”, kết quả, đã xây dựng gia đình với cô giáo trường làng, hiện đã có 2 con đủ “nếp tẻ”.
Chúng tôi gặp A Liễu (SN 1985, người dân tộc Choang), cán bộ Trường đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc sang Lạng Sơn học hỏi, trao đổi về vốn cổ dân tộc xứ Lạng. A Liễu rất quan tâm đến thực hành các nghi thức Then. Liễu bảo: “Tôi rất thích thú với thủ tục “cắt tiền duyên” do nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ hành lễ. Nói thật, đến nay tôi chưa có vợ nên cũng muốn ngỏ ý nhờ thầy Thọ làm lễ giúp. Hy vọng xuân Canh Tý này, tôi sẽ lên lên xe hoa cùng tân nương như ý, cát tường”.
Xứ Lạng, áp xuân Canh Tý 2020