Tội phạm mạng kiếm được hơn 10 tỉ USD từ lừa đảo, trộm cắp ‘DeFi’
CNBC dẫn báo cáo từ công ty Elliptic có trụ sở tại London (Anh) cho biết, hơn 10 tỉ USD giá trị tiền của người dùng đã bị mất trong các trường hợp gian lận và trộm cắp trên DeFi, nền tảng tài chính phi tập trung tái tạo các dịch vụ tài chính truyền thống sử dụng công nghệ blockchain.
Theo Elliptic, công ty theo dõi chuyển động các quỹ tài chính trên sổ cái kỹ thuật số làm nền tảng cho tiền điện tử, thiệt hại tổng thể do khai thác DeFi gây ra cho đến nay là 12 tỉ USD vào năm 2021. Trong đó, gian lận và trộm cắp chiếm 10,5 tỉ USD tổng số tiền, tăng gấp bảy lần so với năm ngoái.
Dịch vụ trên DeFi thường hứa hẹn những khoản lợi nhuận khổng lồ, nhưng lại thiếu sự tham gia của bên trung gian như ngân hàng. Vì tiền điện tử vẫn là ngành công nghiệp non trẻ, nên các nền tảng DeFi không được kiểm soát. Đó là điều mà các cơ quan quản lý đã cố gắng nắm bắt gần đây khi một loạt vụ tấn công mạng và lừa đảo lớn xảy ra trên toàn cầu.
chụp màn hình
“Hệ sinh thái DeFi là không gian cực kỳ thú vị và chuyển động nhanh, sự đổi mới dịch vụ tài chính diễn ra với tốc độ ánh sáng. Nó đang thu hút một lượng lớn tiền vốn vào các dự án không phải lúc nào cũng đủ mạnh hoặc được thử nghiệm tốt. Tội phạm mạng đã nhìn thấy cơ hội để khai thác điều này”, Giám đốc khoa học tại Elliptic Tom Robinson nói.
Trong hai năm qua, tổng số tiền gửi tại các dịch vụ của DeFi đã tăng đột biến chỉ từ 500 triệu USD lên 247 tỉ USD. Kết quả này xuất hiện khi giá Bitcoin và các loại tiền điện tử khác tăng trong năm nay. Ethereum, mạng lưới đằng sau đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ hai thế giới Ether, được coi là xương sống của nhiều ứng dụng DeFi.
Song, khi thị trường phát triển về quy mô, thì mức độ hoạt động bất hợp pháp cũng tăng theo. Đầu năm nay, nền tảng DeFi Poly Network đã mất hơn 600 triệu USD, đây được cho là vụ trộm tiền điện tử lớn nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, một biến cố kỳ lạ xảy ra sau đó là hầu hết số tiền đã được tin tặc khôi phục lại. Nhóm tấn công tuyên bố họ khai thác Poly Network chỉ để làm nổi bật lỗ hổng trong hệ thống nền tảng. Ngoài ra, cũng đã có một số trường hợp kẻ lừa đảo thuyết phục các nhà đầu tư mua mã giao dịch (token), sau đó lấy luôn số tiền này sau khi huy động được lượng tiền nhất định.
Mục lục bài viết
Xây dựng quy tắc
Các nhà quản lý ngày càng lo ngại về đà tăng nhanh chóng của DeFi. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đang tìm kiếm thông tin từ Uniswap Labs, công ty khởi nghiệp đứng sau sàn giao dịch tiền điện tử phi tập trung cùng tên, về cách các nhà đầu tư sử dụng nền tảng và cách nó được tiếp thị. Người phát ngôn của Uniswap Labs cho biết công ty cam kết tuân thủ luật pháp và sẵn sàng hỗ trợ giải đáp thắc mắc của các nhà quản lý.
Theo giới chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ các dịch vụ DeFi thường tiếp thị bản thân là phi tập trung, trong khi điều này không phải lúc nào cũng đúng. Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính, cơ quan giám sát chống rửa tiền toàn cầu, gần đây đã phát hành hướng dẫn sửa đổi về tiền điện tử, kêu gọi các quốc gia xác định những cá nhân có “quyền kiểm soát hoặc đủ ảnh hưởng” đối với các chương trình DeFi.