Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, làm mất tài liệu bí mật công tác là gì? Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác trong Tiếng anh là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác? Lịch sử tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác qua các Bộ luật hình sự?
Bí mật công tác, tài liệu bí mật công tác là các đối tượng cực kỳ quan trọng, được các cơ quan, tổ chức quản lý chặt chẽ, việc làm lộ hoặc mất sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Dù cố ý hay vô ý đối với hành vi làm lộ bí mật công tác, làm mất tài liệu bí mật công tác thì đều được xem là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Trong phạm vi bài viết dưới đây, tác giả tập trung vào tội phạm được quy định tại điều 362 Bộ luật hình sự: “Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác”.
1. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác là gì?
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có trách nhiệm quản lý bí mật, tài liệu bí mật công tác vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây ra những hậu quả được quy định tại Điều 362 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
2. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác trong Tiếng anh là gì?
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác trong Tiếng anh là “Involuntary revelation of work secrets; loss of work secret documents”.
3. Quy định của Bộ luật hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác?
Điều 362 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
b) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
3.1. Dấu hiệu khách thể của tội phạm.
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước đối với bí mật công tác, tài liệu bí mật công tác.
Đối tượng của tội phạm là bí mật công tác, tài liệu bí mật công tác. Trong đó, Bí mật công tác cũng là bí mật nhà nước nhưng gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và gắn liền với nhiệm vụ công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Tài liệu bí mật công tác là các văn bản chứa đựng các bí mật công tác chưa được công bố hoặc không được công bố.
3.2.Dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Hành vi khách quan của các tội được quy định có thể là:
+ Hành vi làm lộ bí mất công tác: Hành vi này tương tự như hành vi khách quan của tội cố ý làm lộ bí mật công tác. Đây là hành vi để cho người không có trách nhiệm biết được bí mật công tác như để người không có trách nhiệm nghe được, đọc được, chụp được bí mật công tác,…
+ Hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác: Đây là hành vi của người được giao tài liệu bí mật công tác (để quản lý hoặc sử dụng) không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo mật để tài liệu bí mật công tác thoát khỏi sự quản lý, có thể là bỏ quên, đánh rơi, để người khác lấy mất,…không kể thời gian bị mất là nhiều hay ít.
Hậu quả của tội phạm được quy định có thể là: ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức; hậu quả thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên; để người khác sử dụng thực hiện một tội phạm khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Hậu quả thiệt hại được quy định trên đây phải có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan được quy định.
3.3. Dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi vô ý. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
3.4. Dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Chủ thể của tội làm lộ bí mất công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác được quy định là người được giao quản lý, sử dụng tài liệu bí mật công tác hoặc được phổ biến nội dung bí mật công tác.
Các dấu hiệu nêu trên phải không được trùng với cấu thành tội phạm tại điều 338: Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước.
3.5. Hình phạt áp dụng.
Điều 362 quy định 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. cụ thể:
– Khung hình phạt cơ bản: bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
– Khung hình phạt tăng nặng: bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, khi có một trong các tình tiết tăng nặng sau:
+ Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
+ Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng ( là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.)
– Khung hình phạt bổ sung: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Lịch sử tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác qua các Bộ luật hình sự?
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác lần đầu tiên được quy định tại Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985, cụ thể: “Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 93, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Theo quy định trên, hậu quả được xác định là “gây hậu quả nghiêm trọng” mà không có quy định rõ ràng, điều luật cũng chỉ quy định một khung hình phạt chính và mức hình phạt cao nhất là 2 năm tù.
Kế thừa và phát triển Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác tại điều 287 như sau:
“1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 264 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Điểm mới so với Điều 223 của Bộ luật hình sự năm 1985 là Điều 287 đã bổ sung thêm hình phạt bổ sung. Hậu quả gây ra từ hành vi phải là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Mức hình phạt cao nhất vẫn là 2 năm.
Khắc phục những hạn chế trong các Bộ luật hình sự trước đó, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định rõ ràng hơn, thống nhất hơn và mới hơn, cụ thể:
– Thay vì hậu quả là “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”, Điều 362 quy định rõ hậu quả là “Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức”, “Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”, “Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”.
– Điều 362 bổ sung thêm một khung hình phạt chính, theo đó mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với người phạm tội là 03 năm tù.
Như vậy, trải qua một khoảng thời gian dài, với nhiều biến động trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thì việc thay đổi các quy định trong bộ luật hình sự là điều hoàn toàn hợp lý. Ngay từ đầu nhà nước đã xem xét được tính nguy hiểm của hành vi làm lộ bí mật công tác, tài liệu bí mật công tác dù với lỗi cố ý hay vô ý. Quá trình chỉnh lý và sửa đổi điều luật là sự tác động của nhiều yếu tố góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật cũng như điều luật cụ thể này.