Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (điều 362)
Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (điều 362)
Theo điều 362, Bộ luật hình sưn 2017 quy định về tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác như sau:
1. Người nào vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 338 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên;
b) Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với tội vô ý làm lộ bí mật công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác thì mức phạt tù cao nhất lên đến 02 năm.
Bình luận
1. Vô ý làm lộ bí mật công tác, làm mất tài liệu bí mật công tác là hành vi vô ý làm lộ bí mật công tác hoặc làm mất tài liệu bí mật công tác gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức hoặc gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng hoặc để người khác sử dụng thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, mà không thuộc quy định tại Điều 338 của Bộ luật hình sự.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
* Khách thể của tội phạm: Cũng như các tội phạm về chức vụ, khách thể của tội với ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật Nhà nước xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
* Mặt khách quan
Hành vi khách quan của tội vô ý làm lộ bí mật công tác đòi hỏi phải có hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài liệu bí mật công tác. Hành vi được coi là thiếu trách nhiệm khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ bảo mật, làm cho người khác biết được bí mật công tác. Người phạm tội có thể bằng lời nói, chữ viết cho người khác xem hoặc bằng cách khác để người không có trách nhiệm biết được bí mật công tác.
Hành vi cố ý làm lộ bí mật công tác chỉ cấu thành tội này khi gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hậu quả nghiêm trọng xảy ra.
Hành vi khách quan của tội làm mất bí mật công tác đòi hỏi phải có hành vi làm mất tài liệu bí mật công tác và gây hậu quả nghiêm trọng.
Làm mất tài liệu bí mật công tác là trường hợp người được giao quản lý, sử dụng tài liệu bí mật công tác đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo mật để tài liệu bí mật công tác thoát ra khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm.
Hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Chủ thể: Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến bí mật Nhà nước và tài liệu bí mật Nhà nước.
* Mặt chủ quan: Lỗi vô ý.
Tình tiết tăng nặng:
+ Gậy thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên;
+ Để người khác sử dụng thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Về hình phạt
– Khung cơ bản: phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
– Khung tăng nặng: phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, Khoản 1 Điều 287 cũ đã được tách ra thành hai khoản (Khoản 1 và Khoản 2) ở Bộ luật hình sự năm 2015. Trong đó, điểm khác biệt là thời gian cải tạo không giam giữ ở Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999 có tăng thêm một năm.
– Hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.