Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á (Sách tham khảo)
Tôn giáo là một hiện tượng văn hóa của xã hội loài người, nó gắn liền với nhiều hoạt động, đời sống chính trị trong xã hội, không là một yếu tố văn hóa đơn thuần hay là một hiện tượng xã hội, ý thức hệ đơn thuần. Nó vừa là một hiện tượng đặc biệt, một yếu tố văn hóa, một ý thức hệ mang tính xuyên không gian và xuyên thời gian.
Mỗi loại hình tôn giáo đều có vai trò tác động trở lại đời sống văn hóa một cách tự nhiên, gắn bó với nhau như hình với bóng. Xét bản chất vấn đề tôn giáo thì tôn giáo là một thành tố đặc trưng của tất cả mọi nền văn hóa nói chung và văn hóa Đông Nam Á nói riêng. Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa tôn giáo và văn hóa ở khu vực Đông Nam Á, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn sách Tôn giáo và văn hóa Đông Nam Á của tác giả Trương Sỹ Hùng. Bằng cách trình bày khách quan quá trình hội nhập và phương thức tồn tại của bốn tôn giáo lớn (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo) ở Đông Nam Á, cuốn sách đi sâu phân tích quá trình hội nhập của mỗi loại hình tôn giáo và các nước trong khu vực, đồng nghĩa với sự thay đổi nhận thức, thay đổi tư tưởng chủ đạo của giai cấp thống trị. Đồng thời, cuốn sách minh chứng rõ hơn vai trò của tôn giáo trong một số lĩnh vực của văn hóa Đông Nam Á ở bốn phương diện cơ bản của văn hóa là chữ viết, văn học, nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, lễ hội.