Tổng giám đốc Viettourist: ‘Năm 2022 vẫn là năm đầy thách thức với ngành du lịch’
Mục lục bài viết
Tổng giám đốc Viettourist: ‘2022 vẫn là năm đầy thách thức với ngành du lịch’
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist, cho rằng, 2022 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức đối với du lịch Việt Nam. Mặc dù thị trong nước cũng như quốc tế đã có những bước đầu chuyển biến tích cực nhưng để khôi phục hoàn toàn ngành du lịch thì vẫn cần một thời gian dài.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc công ty Viettourist, cho rằng, 2022 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức đối với du lịch Việt Nam. Mặc dù thị trong nước cũng như quốc tế đã có những bước đầu chuyển biến tích cực nhưng để khôi phục hoàn toàn ngành du lịch thì vẫn cần một thời gian dài.
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của COVID-19, bởi ngay từ thời điểm dịch bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và kéo dài đến nay dù đã cơ bản được kiểm soát nhưng sau lần bùng phát thứ 4 ngành du lịch vẫn chưa thể phục hồi.
Đây cũng chính là điều trăn trở của nhiều doanh nghiệp, cũng như chính quyền nhà nước trong việc tìm cách để vực lại ngành du lịch.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xúc tiến du lịch nội địa ngay sau khi TP.HCM và các tỉnh mở cửa trở lại, Công ty CP Dịch vụ Thương mại và Du lịch Viettourist (Công ty Viettourist) đã lên kế hoạch và bước đầu có cho mình những tour du lịch trong nước sau một thời gian dài ngừng hoạt động.
Theo đó, để hiểu rõ hơn về kế hoạch của công ty trong năm 2022 cũng như những kinh nghiệm trong việc phát triển ngành du lịch hậu COVID của đơn vị này, nhadautu.vn đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Viettourist.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Viettourist. Ảnh: NVCC
Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành du lịch khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, thậm chí là phá sản,…. Vậy thưa ông, Viettourist đã làm gì để vượt qua được những khó khăn và thách thức đó để có thể hoạt động trở lại?.
Ông Nguyễn Đức Hiệp: Cũng như bao doanh nghiệp khác, chúng tôi đã trải qua không ít khó khăn vì thời gian dài không thể hoạt động do giãn cách xã hội, công ty không có doanh thu nhưng gánh rất nhiều chi phí từ việc trả lương cho nhân viên, đóng thuế, bảo hiểm, tiền thuê mặt bằng và nhiều chi phí phát sinh khác, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của các cán bộ nhân viên công ty, chúng tôi đã cơ bản vượt qua.
Để duy trì hoạt động cũng như đảm bảo số lượng nhân viên, trong thời gian giãn cách chúng tôi vẫn phân công công việc đến từng bộ phận để thực hiện, đặc biệt là bộ phận chăm sóc khách hàng, luôn cố gắng phản hồi giải đáp tất cả những thắc mắc và chủ động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, tour du lịch của công ty đến khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty còn chủ động chuẩn bị các phương án, kế hoạch khi hoạt động trở lại, ngay cả bản thân tôi và nhân viên của công ty đã đi khảo sát tìm kiếm các địa điểm du lịch chất lượng, phù hợp với từng nhóm khách hàng, nhờ đó, chúng tôi sớm kết nối thực hiện những tour du lịch nội địa ngay khi các tỉnh thành trên cả nước mở cửa.
Ngoài ra, trong đợt cao điểm của dịch bệnh, công ty còn kết hợp với một số doanh nghiệp, đơn vị nhà nước tại TP.HCM tổ chức các hoạt động thiện nguyện để cán bộ, nhân viên trong công ty cùng chung tay hỗ trợ người dân và đồng hành cùng thành phố trong các công tác phòng chống dịch COVID-19.
Mặc dù TP.HCM cũng như các tỉnh, thành trên cả nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa hoạt động trở lại trong nhiều tháng qua, tuy nhiên, tình hình ngành du lịch hiện vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển khả quan. Vậy theo ông, những yếu tố nào đang kìm hãm ngành du lịch?.
Ông Nguyễn Đức Hiệp: Yếu tố đầu tiên cần đề cập đến chính là dịch COVID-19 và du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế nhạy cảm nhất với bệnh dịch.
Có thể thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch toàn cầu và ngành du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó.
Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, nhiều kế hoạch của ngành du lịch Việt Nam đặt ra hầu như không thực hiện được, lượng khách giảm dẫn đến doanh thu từ du lịch lữ hành cũng giảm khiến nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, đóng cửa do cạn kiệt nguồn lực về tài chính, nhân viên nghỉ việc,…
Mặc dù, ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã cơ bản khả quan hơn nhờ độ phủ của vaccine, tuy nhiên, đây vẫn sẽ là yếu tố tác động đến ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới, khi trên thế giới vẫn đang phát hiện thêm những biến chủng mới.
Yếu tố thứ hai là các quy định trong công tác phòng chống dịch tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập, chưa có sự rõ ràng đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là ngành du lịch vẫn còn có sự ràng buộc, thiếu thống nhất khiến nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp các tour du lịch cho du khách khi đến một số điểm du lịch trong nước.
Đơn cử như chuyến đi khảo sát các địa điểm du lịch tại một số tỉnh vùng Tây Bắc mới đây, khi chúng tôi di chuyển qua mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau về phòng chống dịch bệnh, nhiều thủ tục rườm rà làm mất thời gian, chưa kể các địa phương còn thiếu tính liên kết trong câu chuyện kích cầu, phát triển du lịch trong khu vực.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất theo tôi là “vết thương tinh thần” do dịch COVID-19 gây ra, bởi tâm lý lo sợ trong mỗi người dân vẫn còn hiện hữu.
Thực tế có thể thấy là, một số tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…, những khu vực có ca nhiễm cao nhất cả nước, mặc dù đã được kiểm soát và người dân đã được tiêm vaccine, xét nghiệm đầy đủ nhưng khi di chuyển đến một số tỉnh, thành khác vẫn bị “dè chừng” và xem những người từ vùng dịch đến như một “hiểm hoạ” và né tránh, nếu tư tưởng này không được loại bỏ thì đối với ngành du lịch là một rào cản rất lớn.
Từ những yếu tố tác động như đã đề cập trên, theo ông doanh nghiệp, chính quyền nhà nước cần phải làm gì để vực dậy ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay?.
Ông Nguyễn Đức Hiệp: Bản thân doanh nghiệp phải tự mình hành động trong bối cảnh khó khăn, tìm kiếm các cơ hội phát triển và để làm được điều này, yếu tố quan trọng chính là đảm bảo được nguồn nhân lực, từ đó điều chỉnh lại cách hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng đến với khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường sự liên kết để tăng sức đề kháng và phát triển mạnh mẽ như liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng… xây dựng những gói kích cầu du lịch, đưa du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng.
Một yếu tố quan trọng nữa là Chính phủ, các bộ ngành cần tiếp tục có chính sách, cơ chế thích hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, như: Hỗ trợ thuế, giá; hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; thực thi các chính sách kích cầu du lịch,…
Mặt khác, mỗi chính quyền địa phương cũng cần có sự thống nhất trong việc phòng chống dịch, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, đặc biệt là “chữa vết thương tin thần” trong mỗi người dân và để làm được điều này, mỗi địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội, xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, an toàn và hiếu khách.
Ngoài ra, doanh nghiệp và nhà nước cũng cần tăng cường xúc tiến, quảng bá phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, hình thành các dòng sản phẩm du lịch mới lạ và nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch,…
Năm 2022, được đánh giá là năm để ngành du lịch có thể vực dậy và phát triển ổn định trở lại, vậy là một doanh nghiệp du lịch, ông đánh giá và kỳ vọng gì?
Ông Nguyễn Đức Hiệp: Năm 2022 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức đối với du lịch Việt Nam, mặc dù thị trong nước cũng như quốc tế đã có những bước đầu chuyển biến tích cực nhưng để khôi phục hoàn toàn vẫn cần thời gian dài, bởi tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Về thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam, với quyết định nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế vào đầu năm mới, cùng với việc vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được tăng độ phủ trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã nới lỏng chính sách du lịch, chúng tôi đều hy vọng rằng thị trường du lịch quốc tế có thể vực dậy.
Dù vậy, để thu hút khách du lịch cũng như đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, Việt Nam cần một chính sách thống nhất cũng như kế hoạch rõ ràng trong việc phục hồi thị trường quốc tế trong năm 2022, đặc biệt là độ cởi mở của Chính phủ và các cơ quan ban ngành.
Về du lịch nội địa, năm 2022 vẫn sẽ là một năm mà ngành du lịch Việt Nam tiếp tục kỳ vọng vào thị trường này để có thể duy trì hoạt động và phát triển. Mặc dù, được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển, nhưng nếu nhìn nhận thực tế trong năm qua, du lịch nội địa vẫn chưa thật sự có hướng đi cụ thể, khi vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, cơ chế chính sách,…
Do đó, trong năm 2022, chúng tôi mong rằng, các đơn vị ban ngành liên quan sẽ sớm có kiến nghị lên Chính phủ, xây dựng bộ hướng dẫn chi tiết dành cho ngành du lịch, quy định hết các điều kiện đưa, đón và phục vụ du khách. Bên cạnh đó, giữa doanh nghiệp du lịch và các cơ quan ban ngành cũng cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ, xúc tiến thương mại để kích cầu ngành du lịch phát triển trong thời gian tới.
Đối với doanh nghiệp du lịch, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi luôn lạc quan và đều có chung một kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành du lịch trong năm mới 2022. Đặc biệt, với những bài học kinh nghiệm trải qua trong suốt thời gian ngành du lịch bị “đóng băng” đã đủ để giúp các doanh nghiệp có thể đương đầu và vực dậy trong thời gian tới.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã từng bước thích nghi được trong bối cảnh khó khăn, thực hiện thành công việc chuyển đổi linh hoạt, sáng tạo, từ việc phục vụ khách quốc tế sang nội địa cao cấp, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, nhờ đó nhiều doanh nghiệp du lịch bước đầu đã có sự phục hồi nhất định.
Xin cảm ơn ông!