Tổng kết cuộc thi “ Đại sứ Văn hóa đọc 2020”: Sáng kiến phải là của chính các em

Thứ Hai 26/10/2020 | 11:08 GMT+7

VHO- Bên cạnh những thành công ngoài mong đợi, Ban tổ chức cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Khá nhiều bài dự thi làm cẩu thả, thậm chí, nhiều em còn lên mạng tìm đáp án, chép lại. Để tránh bị phát hiện, các em không copy trên máy tính mà chép tay theo kiểu đoạn này trích một chút, đoạn kia lấy vài dòng…”.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao giải “Đại sứ Văn hóa đọc 2020” cho thí sinh

 Đại sứ Văn hóa đọc 2020 đã chính thức tổng kết vào cuối tuần qua tại Hà Nội với việc tìm ra hai tân Đại sứ sau 8 tháng diễn ra. Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ đã tới dự lễ tổng kết và trao giải.

Những tín hiệu đáng mừng

Phát biểu tại buổi lễ, bà Vũ Dương Thúy Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL), Trưởng BTC cuộc thi khẳng định: “Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã khơi dậy hứng thú, đam mê đọc sách trong học sinh, sinh viên, người khiếm thị… Từ đó, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong giới trẻ, hình thành thế hệ đọc tương lai. Thực tế, việc tạo lập thế hệ đọc sách là hết sức quan trọng bởi điều này sẽ góp phần hình thành một xã hội học tập suốt đời”.

Trình bày báo cáo kết quả tổng kết, bà Ngà cho biết: “Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng triệu học sinh, sinh viên tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Một số đơn vị có số lượng bài dự thi lớn như Nghệ An, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Cần Thơ… Nhiều địa phương tổ chức sơ khảo đã nói với chúng tôi rằng, chưa một cuộc thi nào trên địa bàn thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên đến vậy. Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng khi việc phát triển văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm của xã hội”.

Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng chia sẻ thêm: “Để nâng cao chất lượng giải thưởng, năm nay, BTC đã mời thêm nhiều nhà giáo và các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển văn hóa đọc tham gia công tác chấm giải. Trong quá trình chấm, BTC nhận thấy nhiều bài dự thi thể hiện rõ tâm huyết của các em cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc và đã để lại ấn tượng mạnh cho Hội đồng giám khảo. Nhiều ý tưởng hay, độc đáo, mới lạ đã được đề xuất để khuyến khích mọi người đọc sách”.

Bước vào vòng chung kết toàn quốc với 1.252 bài dự thi, BTC đã chọn ra hai thí sinh Đặng Phương Nam (lớp B3-LT35, Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an) và Nguyễn Hoàng Yến (học sinh lớp 10A1 Trường THPT Đông Triều, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) để trao giải Đại sứ văn hóa đọc 2020. Ngoài ra, 8 giải Nhất, 16 giải Nhì, 52 giải Ba, 180 giải Khuyến khích cùng một số giải chuyên đề, tập thể đã được trao cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

Vẫn có chuyện “đạo” văn

Thế nhưng, ngoài những tín hiệu khả quan, bà Ngà cũng bày tỏ trăn trở khi một số bài dự thi chưa có sự đầu tư, dẫn đến phần trả lời sơ sài, vi phạm quy định của BTC: “Thực tế phải thẳng thắn nhìn nhận là khá nhiều bài dự thi làm cẩu thả, thậm chí, nhiều em còn lên mạng tìm đáp án, chép lại. Để tránh bị phát hiện, các em không copy trên máy tính mà chép tay theo kiểu đoạn này trích một chút, đoạn kia lấy vài dòng. Nhiều em cũng chưa cho thấy rõ ý thức tôn trọng bản quyền khi lấy tư liệu của người khác nhưng không ghi nguồn hoặc ghi chú rất sơ sài. Ở đây chúng tôi muốn nhắn nhủ, ngoài câu chuyện làm bài thi, đó còn là vấn đề giáo dục ý thức tôn trọng về bản quyền tác giả cho các em”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vụ Thư viện cũng chỉ ra rằng, một số bài viết có ý tưởng viển vông, chưa sát với thực tế: “Tôi muốn lưu ý các thí sinh khi làm bài, cần suy nghĩ về mặt ý tưởng cho thấu đáo. Sau khi có ý tưởng, phải có cách thức cụ thể để áp dụng được giải pháp đó vào cuộc sống. Chúng ta cần tránh tình trạng học sinh cấp 1 lại có sáng kiến quá vĩ mô, không phù hợp với lứa tuổi. Nhiều em cũng ca ngợi sách vở một cách thái quá. Vẫn biết viết về sách là tốt nhưng chính sự thái quá cũng khiến bài dự thi của các em trở nên thiếu thuyết phục”.

Trao đổi về nguyên nhân của việc một số bài dự thi không đạt chất lượng, bà Ngà cho hay, qua hỏi thăm các thí sinh ở một số địa phương, bà được biết khâu trung gian tổ chức vòng sơ khảo ở những nơi này cho các em thời gian làm bài rất ngắn. Ngay sau khi cấp này thông tin về cuộc thi, thí sinh buộc phải lập tức làm bài ngay chỉ trong vài ngày. Thời gian ngắn như vậy không đủ để các em suy nghĩ, phải tìm nhiều cách khác nhau để hoàn thành bài. Trong khi đó, Bộ VHTTDL đã có văn bản phổ biến về cuộc thi từ lâu.

Để khắc phục tồn tại cho những cuộc thi tiếp theo, Vụ trưởng Vụ Thư viện đề nghị, những nơi tổ chức vòng sơ khảo cần có sự phổ biến đầy đủ, theo sát các các văn bản hướng dẫn của Bộ. Việc tổ chức nên theo lộ trình để thí sinh có thêm thời gian làm bài, lên ý tưởng và thể hiện. Hơn nữa, khi có ý tưởng, giáo viên, người hướng dẫn không nên can thiệp quá sâu và mang tính áp đặt để rồi những gì viết trong bài thi không còn là của chính các em.

Về phần các thí sinh, BTC lưu ý đối với những đáp án câu hỏi cuộc thi được đưa tràn lan lên mạng, thí sinh chỉ nên coi đó là kênh thông tin tham khảo, đọc có chọn lọc vì một số trang đăng tải đáp án không chính xác với những tiêu chí mà BTC đưa ra. Thí sinh chú ý đảm bảo viết đúng chính tả, ngữ pháp, văn phong lưu loát, truyền cảm, ghi chú cụ thể nguồn khi sử dụng tài liệu tham khảo. Đặc biệt, sáng kiến phát triển văn hóa đọc phải phù hợp, là của chính thí sinh chứ không phải của ai khác. 

ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN