Tổng quan thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2021-2025
Thương mại điện tử là một ngành công nghiệp trẻ tại Việt Nam, đang trên đà phát triển lý tưởng. Đặc biệt, hơn 2 năm dịch Covid đã thay đổi thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online. Đây là một trong những đòn bẩy tạo ra những con số phát triển đáng kinh ngạc của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong những năm gần đây.
Mục lục bài viết
Tốc độ phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Năm 2020 – 2021 là hai năm dịch Covid hoành hành, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ công thương), hầu hết các ngành đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng so với các năm trước. Tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhất trong vòng 30 năm qua, chỉ ở mức 2,58%.
Tuy nhiên, trái ngược với tình hình chung của các ngành công nghiệp khác, ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định 16%. Tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Nghiên cứu thị trường thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam đã vươn lên thành thị trường lớn thứ hai Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Xét trên quy mô toàn thế giới, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam cũng đạt con số vượt trội hơn. Cụ thể, theo Statista, tốc độ phát triển thương mại điện tử toàn cầu là 16,24% năm 2021 và dự báo bứt phá lên 24.5% vào năm 2025. Con số này tại Việt Nam là hơn 20% năm 2021, với quy mô 16 tỷ USD. Dự đoán tốc độ phát triển của thương mại điện tử nước ta năm 2025 có thể lên đến 29%, đạt 39 tỷ USD.
Trong suốt 7 năm vừa qua, ngành thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%. Theo sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, dự đoán quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD.
Thị phần thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Theo thông tin từ công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, 4 sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất tại Việt Nam lần lượt là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.
Dưới đây là biểu đồ thể hiện thị phần của 4 sàn thương mại điện tử này trong nửa đầu năm 2022, dựa vào các báo cáo được thu thập, tổng hợp và phân tích trên nền tảng dữ liệu Big Data của người tiêu dùng trên 4 sàn trong 6 tháng (từ 11/2021-5/2022).
Theo biểu đồ, Shopee hiện là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam. Đây là một công ty thuộc tập đoàn Sea của Singapore. Hiện tại, Shopee chiếm đến gần 73% tổng doanh số 4 sàn, tương ứng với khoảng 33,5 nghìn tỷ.
Ngay sau đó là Lazada là chiếm 20% thị phần, tương ứng với doanh thu 9,7 nghìn tỷ, bằng khoảng 1/3 doanh số Shopee. Lazada là sàn thương mại điện tử của tập đoàn Alibaba, Trung Quốc.
Shopee và Lazada đã bỏ xa hai đối thủ nội địa là Tiki và Sendo, lần lượt chiếm vị trí số 3, 4 với thị phần doanh thu 5,8% và 1,4%.
Tik Tok shop – sàn thương mại điện tử mới tại Việt Nam
Năm 2022, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đón nhận sự ra đời của sàn thương mại điện tử mới Tik Tok shop, hứa hẹn sẽ gây ra sự tái cơ cấu thị phần cực kỳ lớn trong ngành thương mại điện tử Việt Nam.
Tik Tok shop chính thức ra mắt thị trường Việt Nam ngày 28/04/2022 nhưng chỉ mất 3 tháng để đạt doanh số Tiki gầy dựng 12 năm, mất 6 tháng đã gần đạt doanh số của Lazada gây dựng 10 năm tại Việt Nam.
Do mới ra nhập thị trường nên các số liệu thống kê về Tik Tok shop chưa được cập nhật nhiều. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán sự phát triển thần tốc của Tik Tok shop sẽ nhanh chóng soán ngôi á quân Lazada và cắt 20-30% doanh số của Shopee trong vài tháng tới.
Xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam
Thương mại điện tử Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển bùng nổ và góp phần định hình thói quen mua sắm của người Việt. Dựa vào các báo cáo về thương mại điện tử, các doanh nghiệp có thể nắm bắt được một số sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng như: mức chi tiêu cho các ngành hàng, các kênh mua sắm trực tuyến, hình thức thanh toán…
Chi tiêu thương mại điện tử theo từng ngành hàng
Theo sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2022, nước ta có đến 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Trong đó, các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất lần lượt là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (69%), thiết bị đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%)…
Các kênh mua sắm trực tuyến
Thống kê cho thấy có đến 78% người mua hàng trực tuyến là qua các website thương mại điện tử, 42% qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… và 47% qua các ứng dụng mua hàng trên điện thoại di động.
Đặc biệt, có đến 91% người tiêu dùng trực tuyến sử dụng điện thoại di động là công cụ đặt hàng, 48% sử dụng máy tính để bàn hay laptop. Những số liệu này dự đoán sự phát triển của các app mua hàng trực tuyến trên điện thoại di động trong thời gian sắp tới.
Hình thức thanh toán
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện tại vẫn phổ biến hình thức COD, thanh toán khi nhận hàng và thường sử dụng tiền mặt.
Tuy nhiên, so với các năm trước, năm 2021 ghi nhận sự chuyển dịch dần dần từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán online thông qua thẻ tín dụng hoặc ví điện tử. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy xu hướng này là các sàn thương mại điện tử khuyến khích các hình thức trả trước qua thanh toán online bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Mua hàng của nhà bán hàng nước ngoài
Hiện nay, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tik Tok shop… đều cho phép các nhà bán hàng nước ngoài tham gia thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Phần lớn các gian hàng nước ngoài là từ Trung Quốc. Điều này gây ra sự cạnh tranh cực kỳ lớn trên các sàn thương mại điện tử, do Trung Quốc thường được biết đến là “công xưởng của thế giới” nên hàng hóa thưởng rẻ và đa dạng.
Các nhà bán hàng nước ngoài này rất nhanh đã được chào đón tại Việt Nam. Năm 2021, có đến 57% người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam mua hàng từ các gian hàng nước ngoài, tăng 16% so với năm 2020.
Lý do người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm từ nước ngoài là do giá rẻ, chất lượng sản phẩm tốt, hàng hóa mang thương hiệu nước ngoài…
Xem livestream để mua sắm trực tuyến
Livestream là phương pháp bán hàng không xa lạ với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự trở nên phổ biến và trở thành xu hướng trong thời gian gần đây, khi các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tik Tok shop… thêm tính năng này.
Livestream tạo nhiều ấn tượng cho khách hàng vì người bán có thể tương tác, trò chuyện cùng khách hàng, giới thiệu sản phẩm, test sản phẩm theo yêu cầu của khách xem live.. Do đó, livestream thúc đẩy khách mua hàng theo cảm xúc. Cụ thể, khách mua thường là vì thích, ấn tượng với sản phẩm, mua vì nhiều người đang mua, hoặc nếu không mua thì tiếc mã giảm giá…, chứ không phải mua hàng theo lý trí là họ cần sản phẩm đó để làm gì.
Ngoài các điểm mạnh so với các hình thức bán hàng khác, live stream phát triển mạnh còn bởi các sàn thương mại điện tử và nhà bán hàng tung nhiều mã giảm giá trong các livestream. Do đó, nhiều khách hàng dự định mua một món đồ nào đó nhưng sẽ đợi đến livestream mới mua để săn mã giảm giá.
Không chỉ các nhà bán hàng nhỏ lẻ, tính hiệu quả của livestream cũng khiến nhiều nhãn hàng cao cấp tham gia đường đua này. Nhiều thương hiệu lớn như Sulwhasoo, Xiaomi, Ohui và L’Oreal, P&G, Logitech… đều ghi nhận doanh số tăng vọt khi livestream. Họ cũng đẩy mạnh hợp tác với các KOL, KOC để thúc đẩy doanh số livestream. Nhiều nhà bán hàng trên Shopee và Tik Tok shop có thể đạt vài ngàn đơn hàng trong một ca livestream khoảng 2 tiếng.
Thương mại điện tử Việt Nam đang là một trong những ngành kinh tế trọng điểm giúp thúc đẩy GDP của cả nước. Thời gian dịch bệnh vừa qua vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp trong thị trường này. Nhìn chung, thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn khá trẻ so với thế giới. Do đó, mặc dù mức độ cạnh tranh khá cao nhưng thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho những các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và những người mới kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu hơn về thương mại điện tử Việt Nam để đưa ra những chiến lược phù hợp và bắt kịp xu hướng của ngành thương mại điện tử Việt Nam.