Tổng quan về các Di tích Lịch sử Văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi-tong quan ve cac di tich lich su van hoa tren dia ban tinh quang ngai
Khu lưu niệm Cố Thủ tưởng Phạm Văn Đồng
Đây là những di sản văn hóa, góp phần phản ảnh những đặc điểm của đất và người Quảng Ngãi, quá trình khai phá và xây dựng quê hương, thể hiện sinh động những đóng góp của người Quảng Ngãi trong lịch sử đất nước.
Mặc khác, các di tích lịch sử văn hóa cũng là những tài nguyên quý báu để con người thưởng lãm, khám phá, thông qua đó giáo dục tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; gìn giữ di sản của cha ông, phát triển du lịch bền vững.Tính đa dạng về nội dung, sự phong phú về quy mô thể loại là một trong những đặc điểm nổi bậc của các di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Có di tích là thắng cảnh, gắn bó với tâm tư, tình cảm, đời sống của người dân qua nhiều thế hệ, như thắng cảnh Núi Phú Thọ và Cổ Lũy cô thôn, núi Thiên Ấn (trong quần thể di tích núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng),chùa Hang Lý Sơn … Có di tích là tác phẩm kiến trúc nghệ thuật, thể hiện trí thông minh, bàn tay tài hoa và cảm quan nghê thuật độc đáo của người Quảng Ngãi như chùa Ông Thu Xà. Có di tích phản ảnh tiến trình khai mở và xây dựng quê hương đất nước, cố kết cộng đồng như di tích Trường Lũy, đình làng An Hải. Có di tích là di chỉ khảo cổ học nổi tiếng trong và ngoài nước, như Di chỉ Sa Huỳnh ở Đức Phổ. Có di tích gắn liền với quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhà nước Việt Nam như Âm Linh Tự, đình làng An Vĩnh. Có di tích gắn với những nhân vật lịch sử, góp công to lớn vào tiến trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, như di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán, di tích mộ và đền thờ Trần Cẩm, di tích mộ và đền thờ Hoàng Công Thiệu, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Nhiều nhất, phong phú nhất là các di tích phản ảnh đau thương mất mát và chiến thắng oanh liệt của quân và dân Quảng Ngãi, quân và dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiêu biểu là: Di tích Khởi nghĩa Ba Tơ, di tích Khởi nghĩa Trà Bồng, di tích chiến thắng Ba Gia, di tích chiến thắng Vạn Tường, Khu chứng tích Sơn Mỹ, di tích vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ…
Đài tưởng niệm đồng bào bị thảm sát trong vụ Khánh Giang – Trường Lệ
Từ nhiều năm qua, đặc biệt là sau ngày tái lập tỉnh, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch cùng các bộ, ngành trung ương cùng với sự nhiệt tình hỗ trợ, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Ngãi đã tiến hành lập hồ sơ di tích trình Bộ VH,TT&DL công nhận nhiều di tích lịch sử văn hóa quốc gia, trùng tu nhiều di tích giá trị, phục dựng một số lễ hội giàu ý nghĩa gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống gắn liền với các di tích cũng được chú ý, nổi bật là hoạt động chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với các phong trào “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” (phối hợp với ngành giáo dục- đào tạo), “Về nguồn” (phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh)…
Tuyên truyền, giới thiệu, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa nhằm giáo dục tình cảm yêu nước, yêu thiên nhiên và con người, trân trọng và chăm lo phát huy các di sản văn hóa của cha ông, góp phần thực hiện Nghị quyết BCH TW5 (khóa VIII) “ Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đồng thời di tích lịch sử văn hóa hiện có của tỉnh là tài sản quý giá cho hoạt động du lịch của tỉnh nhà trong hiện tại và tương lai./.
CN. Lê Hồng Khánh – Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Theo Bản tin Khoa học & Đời sống (Số 03/2014)