Top 10 # Văn Khấn Sông Nước Xem Nhiều Nhất, Mới Nhất 1/2023 # Top Trend | Iseeacademy.com
(KDPT) – Miền Tây nam bộ có hệ thống sông rạch chằng chịt và đan xen. Những chiếc ghe, xuồng được ví như đôi chân của người miền Tây, bởi đây là phương tiện di chuyển chủ yếu, gắn chặt với đời sống của cư dân nơi đây. Cúng ghe là một tập tục văn hóa tâm linh, đã được đúc kết, duy trì qua hàng trăm năm. Ý nghĩa sâu sắc của tập tục này là thể hiện tấm lòng kính quý và nhớ ơn đến các đấng thiêng liêng, luôn chở che cho con người bình an, may mắn, không gặp rủi ro trên sông, giao thương buôn bán luôn may mắn.
Dễ thấy trong nét văn hóa tâm linh này là trên đa số phương tiện di chuyển bằng xuồng, ghe, người dân Miền Tây thường vẽ lên trước mũi chiếc xuồng 1 cặp mắt, với quan niệm đó là mắt thần để trấn, trừ thủy quái dưới sông, kênh, rạch. Bởi quan niệm rằng “dưới đất thì có thổ công, dưới sông thì có hà bá ” nên người dân Miền Tây thường có tập tục cúng ghe xuồng cầu may mắn, cũng như cầu xin các thủy thần phù hộ độ trì cho gia chủ khi thả xuồng xuống nước và xuất bến được an toàn, mua may bán đắt, làm ăn thuận lợi. Bên cạnh đó, tập tục cúng ghe xuồng còn mang một ý nghĩa khác là để nhớ đến công ơn cứu giúp của “Bà Cậu”, người có công giúp đỡ cũng như đứng ra trừng phạt những kẻ mua gian bán lận trên ghe thuyền.
Về hình tượng “Bà Cậu” có nhiều giả thuyết nhưng đa số chủ ghe thường truyền tụng đó là một bà già với hai người con trai chuyên cứu giúp người trên sông nước khi gặp nạn. Để tỏ lòng tri ân, những người bán hàng xưa tổ chức cúng vái cầu nguyện Bà và hai cậu con trai phò hộ, giúp đỡ. Hình tượng “Bà Cậu” còn được người đi ghe xuồng đưa ra nhằm nhắc nhở và cảnh báo, trừng phạt đối với những hành vi, lời nói sai trái, tâm đức không tốt của con người.
Lễ cúng “Bà Cậu” trên ghe thường được tổ chức vào các ngày 16 và 29 âm lịch mỗi tháng. Về lễ vật, nếu các phương tiện vận tải trên bộ thường cúng gà (tượng trưng cho hoạt động chạy nhảy may mắn) thì cúng ghe phải cúng vịt (tượng trưng cho sự bơi lội, di chuyển thuận lợi trên sông). Mâm cúng gồm vịt luộc với ba chén cháo, một bình trà, một bình rượu và bánh ngọt, có nơi cúng thêm đầu heo, tùy theo kinh tế gia đình. Mâm cúng đặt trước mũi ghe, khi bắt đầu nghi lễ, chủ ghe đốt nhang cầu nguyện việc mua bán, may mắn, sức khỏe…
Về nghi thức cúng ghe, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và kinh nghiệm trong từng giai đoạn. Khi chuẩn bị đóng ghe mới, gia chủ bao giờ cũng cúng kiến ván gỗ đầu tiên, được gọi là cúng “ghim lô”. Trên mâm đồ người ta thường kèm theo một tấm vải đỏ, đây là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn. Miếng ván gỗ “ghim lô” luôn phải dày hơn những miếng gỗ tiếp theo. Sau khi chiếc ghe đã được đóng hoàn thành, chủ nhà sẽ phải thu hồi những cây đinh đóng trên miếng “ghim lô” và người thợ đóng ghe sẽ phải “xảm” vào đó những cọc gỗ khác tương ứng. Theo tục truyền rằng, nếu như mất mấy cây đinh đó thì sẽ gặp nhiều điều xui xẻo.
Sau nghi thức cúng ghe, chủ ghe mời các ghe đậu lân cận sang uống rượu, đờn ca tài tử, bàn bạc chuyện buôn bán làm ăn cho chuyến đi tới. Tục cúng ghe ở đồng bằng sông Cửu Long được xem là một tập tục văn hóa tâm linh, gắn chặt với đời sống sinh hoạt của người dân, và đã trở thành một nét đẹp truyền thống dân gian lâu đời nơi đây.
MỸ HUYỀN