Top 10 câu chuyện doanh nhân nổi bật năm 2022
Mục lục bài viết
Nhân vật
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí số 1, tiếp tục mở rộng đầu tư
Trong danh sách tỷ phú thế giới cập nhật đến ngày 17/12/2022 của Forbes, Việt Nam góp mặt với 6 đại diện. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vẫn giữ ngôi vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam với tổng giá trị tài sản khoảng 4,4 tỷ USD, xếp hạng 607 thế giới.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng cho biết, hiện Vingroup đang tập trung đầu tư vào dự án VinFast. VinFast đang đứng trước thời cơ vàng để chiếm lĩnh thị trường. Trên thực tế, sau chưa đầy một năm công bố chiến lược thuần điện, VinFast đã xuất cảng lô xe điện đầu tiên sang Mỹ. “Mục tiêu của VinFast là niêm yết thành công tại Mỹ để hướng tới các cơ hội lớn hơn, tạo đà đưa VinFast phát triển ở tầm vóc toàn cầu”, lãnh đạo VinFast tiết lộ tham vọng.
Với mảng bất động sản, ngày 6/10, Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư bất động sản VMI (VMI JSC) do ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính cùng với các cổ đông khác (trong đó có Vinhomes) đã được thành lập. Ông Phạm Nhật Vượng góp vốn vào VMI JSC bằng hơn 243 triệu cổ phiếu, tương đương 16.200 tỷ đồng theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/9/2022. Ông Phạm Nhật Vượng sẽ là cổ đông chính, chiếm 90% cổ phần của VMI JSC, công ty có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, HĐQT Tập đoàn Vingroup đã ban hành nghị quyết thông qua việc tham gia góp vốn thành lập công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Y học Công nghệ cao VinMedtech. VinMedtech có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, do Vingroup góp 99% vốn điều lệ.
Ông Bùi Thành Nhơn không còn là tỷ phú USD
Ông Bùi Thành Nhơn
Hồi tháng 4/2022, ông Bùi Thành Nhơn lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes với tài sản đạt 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 thế giới. Đáng chú ý, có thời điểm Chủ tịch NovaGroup là tỷ phú giàu thứ hai Việt Nam, chỉ xếp sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Tuy nhiên, việc cổ phiếu công ty liên tục lao dốc khiến tài sản của ông Bùi Thành Nhơn trong vòng 8 tháng đã bốc hơi gần 2 tỷ USD, tương đương mức giảm 66%. Đặc biệt, trong giai đoạn từ ngày 3-11/11, cổ phiếu NVL đã có 7 phiên giảm sàn liên tiếp, ảnh hưởng đến tài sản của vị tỷ phú này. Tính đến ngày 11/11, tài sản của ông Bùi Thành Nhơn chỉ còn 978,2 triệu USD, chính thức rời khỏi danh sách tỷ phú toàn cầu.
Thời gian sắp tới, ông Bùi Thành Nhơn dự kiến sẽ trở lại làm chủ tịch Novaland sau khi chuyển giao ghế Chủ tịch HĐQT cho ông Bùi Xuân Huy từ tháng 1/2022.
Ông Trần Đình Long ra rồi vào danh sách tỷ phú USD
Ông Trần Đình Long
Chỉ trong vòng một tuần kể từ thời điểm rời danh sách tỷ phú USD của Forbes vào ngày 9/11, khối tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã lấy lại mốc 1 tỷ USD nhờ những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán.
Tính đến ngày 17/12, ông Trần Đình Long sở hữu khối tài sản 1,7 tỷ USD, xếp thứ 1.668 thế giới và là tỷ phú giàu thứ 3 Việt Nam. Dẫu vậy, so với ngày 11/3 (thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái), tài sản của ông Long đã giảm 1,5 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại khoảng 50%.
Trước đó, vào ngày 9/11, tài sản của ông Trần Đình Long từng thu hẹp xuống còn 958 triệu USD và rời khỏi danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Cùng với vợ là bà Vũ Thị Hiền và người thân, ông Long hiện liên quan tới khoảng 2,03 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương gần 35% vốn nhà sản xuất thép này.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt
Ông Trịnh Văn Quyết
Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC với tội danh “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh thêm các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.
Tiếp đó, ngày 25/8, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cùng với bà Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế và Hương Trần Kiều Dung. Bốn người này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.
Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/02/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt giam
Ông Đỗ Anh Dũng
Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và 6 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, Chủ tịch Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Trước đó, Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng gây xôn xao dư luận khi bỏ cọc đất Thủ Thiêm. Trước đó, ngày 10/12/2021, ông Dũng đã tham gia đấu giá lô đất 3-12, khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức với mức giá 24.500 tỷ đồng (tính khoảng 2,4 tỷ đồng/m2). Tuy nhiên ông Dũng đã xin đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do “tránh gây ra sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và kinh tế”.
Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Ngày 29/4, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết quả điều tra xác định, bà Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu trong quá trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, bà Nhàn đã thiết lập quan hệ với người có chức vụ là Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (Chủ tịch UBND tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở KH&ĐT), Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, đại diện chủ đầu tư) để đặt vấn đề, đồng thời trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền, lợi ích vật chất cho những người này với tổng số tiền 43,8 tỷ đồng để Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 18/8, trong khi đang bị truy nã, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty AIC và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Kết quả điều tra xác định, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Sản nhi, tổng mức đầu tư hơn 238 tỷ đồng. Các bị can đã thông đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá, móc ngoặc với nhà thầu và Công ty AIC để nâng giá thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản nhà nước trị giá 73 tỷ đồng.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị bắt
Bà Trương Mỹ Lan
Ngày 7/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Cơ quan chức năng đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật.
Theo cáo buộc, bà Lan cùng 3 bị can Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.
Hiện Cơ quan điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của bị can và triệt để thu hồi tài sản.
CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố
Bà Nguyễn Phương Hằng
Ngày 24/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty Cổ phần Đại Nam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Theo Công an TP. HCM, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Bước đầu xác minh bà Hằng đã sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để xúc phạm, xuyên tạc, nhục mạ, làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển…
Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị gia hạn tạm giam nhiều lần, con trai bà Hằng đã gửi đơn đến Viện KSND TP. HCM và Công an TP. HCM đề nghị nộp 10 tỷ đồng để bảo lãnh cho mẹ mình tại ngoại, nhưng không được chấp nhận.
Hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM đang tiếp tục điều tra bổ sung; khởi tố thêm 3 trợ lý của bà Hằng.
Shark Thủy xin khất nợ để tái cấu trúc
Ông Nguyễn Ngọc Thủy
Những ngày gần đây, dư luận xã hội lan truyền một số thông tin cho rằng trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings, công ty con của Tập đoàn Giáo dục Egroup) bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền, bị thua lỗ… Trước sự việc trên, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) thừa nhận công ty đang gặp khó khăn về tài chính.
“Năm 2019, Apax Leader đã tăng trưởng nóng, đầu tư rất nhiều tiền để mở mới trung tâm và chỉ sau vài tháng xảy ra Covid-19 đã phải đóng cửa. Khi chúng tôi tăng trưởng nóng, chúng tôi trên đà chiến thắng, thành công nên đã đi khá nhanh, cộng với tâm lý chủ quan, hậu quả là chúng tôi gặp cú vấp khá lớn”, shark Thủy nói.
“Cha đẻ” của Apax Leader cũng cho biết thêm, với nguồn lực tài chính hiện nay, công ty muốn dồn tập trung cho việc tái cấu trúc, tái khai trương để mở lại các hoạt động của trung tâm. Vì vậy, công ty đang đề xuất với các phụ huynh cho chuyển khoản tiền nợ học phí thành các hợp đồng vay, có lãi suất như ngân hàng và trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc. “Chúng tôi có thể bắt đầu chi trả vào tháng 4/2023 và chia thành các kỳ chi trả. Những phần trả chậm, chúng tôi xin trả lãi như một khoản vay”, ông Thủy cam kết.
Shark Thủy xin nhận mọi trách nhiệm về các sai lầm và khẳng định ông không hề có ý định trốn tránh và ra nước ngoài.
Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin dừng cấp phép hãng bay
Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn
Cuối tháng 10/2022, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần IPP Air Cargo (vợ tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.
Văn bản nêu rõ, IPP Air Cargo xin xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo. IPP Air Cargo cũng xin rút toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được nộp vào đầu tháng 1/2022.
Lý do doanh nghiệp này đưa ra là tình hình kinh tế thế giới đang có diễn biến xấu, suy thoái toàn cầu ngày một hiện hữu, biến động giá nhiên liệu khiến ngành vận chuyển hàng hóa toàn cầu sẽ gặp khó khăn.
Theo hồ sơ xin cấp phép lập hãng hàng không, IPP Air Cargo dự kiến khai thác bằng máy bay Boeing 737, 777, Airbus A330 và tương đương với số lượng 5 chiếc (bắt đầu từ năm 2022), tăng dần lên thành 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo.
Lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bán tháo cổ phiếu bất động sản, thị trường chứng khoán còn bị cộng dồn áp lực khi ngay cả lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản lớn cũng bị công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp cổ phiếu.
Mới đây, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát cùng gia đình bị bán giải chấp gần 42 triệu cổ phiếu HPX từ ngày 28/11 đến 30/11. Ngày 29/11, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã bị bán giải chấp hơn 6,7 triệu cổ phiếu PDR.
Trong vòng hai tháng nay, nhiều lãnh đạo khác của các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản cũng bị bán giải chấp cổ phiếu, như ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư LDG bị bán giải chấp hơn 9,7 triệu cổ phiếu LDG; ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) và 2 người con là bà Nguyễn Thị Thanh Huyền và ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT DIG đã bị bán giải chấp 26,1 triệu cổ phiếu DIG; ông Đinh Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC…
Giám đốc một công ty chứng khoán lớn chia sẻ, cuối năm các ông chủ bất động sản rất cần tiền để đáo hạn các khoản vay ngân hàng, trái phiếu nên đã xoay xở bằng cách vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, nếu thị trường chứng khoán giảm quá sâu, không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng call margin ở cấp độ doanh nghiệp.