Top 5 di sản văn hóa là điểm đến hàng đầu Việt Nam
Trong bối cảnh khuyến khích phát triển du lịch bền vững, ngày càng có nhiều du khách lựa chọn loại hình du lịch văn hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm, mà trong đó, các điểm du lịch như bảo tàng, di tích lịch sử và lễ hội truyền thống là những điểm nhấn mang đậm dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ và tính độc đáo.
Hội An – Thành phố Di sản do UNESCO bình chọn
Đô thị cổ Hội An nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng là điểm đến hàng đầu của “con đường di sản miền Trung”, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa Đông – Tây. Trang tin CNN của Mỹ đã từng ca ngợi Hội An là một trong những đô thị cổ đẹp nhất Đông Nam Á; Tạp chí Travel + Leisure của Mỹ đã bình chọn Hội An là điểm đến tuyệt vời nhất thế giới cùng với danh hiệu WTA vừa trao tặng cho “Thành phố văn hóa – điểm đến hàng đầu Châu Á” của năm 2019. Ngày 16/7/2019, Hội An trở thành tâm điểm chú ý khi hình ảnh tuyệt đẹp về Chùa Cầu, biểu tượng hơn 4 thế kỷ của phố Hội được Google vinh danh trên trang chủ. Để thu hút khách du lịch, Hội An đã có nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào phục vụ như show diễn Ký ức Hội An, khai trương Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, Khu nghỉ dưỡng và vui chơi Nam Hội An, Trung tâm Biểu diễn Lune Hội An…
Huế – Lãng mạn nét đẹp Cố đô
Vùng đất kinh kỳ Thừa Thiên – Huế luôn mang một nét đẹp vừa cổ kính, uy nghiêm, vừa thơ mộng với quần thể công trình kiến trúc văn hóa – lịch sử do UNESCO công nhận là di sản thế giới: Ngọ Môn (cổng chính phía Nam của hoàng thành Huế), Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa – Kiến Trung – Cần Chánh, Phu Văn Lâu, Thái Bình Lâu, và các di tích ngoài kinh thành như: Lăng Minh Mạng – Thiệu Trị – Tự Đức – Khải Định, Điện Hòn Chén, Đàn Nam Giao, Chùa Thiên Mụ… Ngoài dòng sông Hương thơ mộng, núi Ngự Bình cũng là một biểu tượng thiên nhiên và là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Được tổ chức từ năm 2000, Festival Huế đã trở thành một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.
Hoa Lư – Tràng An: Quần thể di sản đặc sắc
Tự hào từng là kinh đô nước Đại Cồ Việt của ba vương triều Đinh – Lê – Lý, tỉnh Ninh Bình là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của tổ quốc. Năm 2014, quần thể danh thắng Tràng An đã vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu “di sản hỗn hợp” đầu tiên của Việt Nam. Đây là một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên (khối đá vôi Tràng An có diện tích 6172 ha với tuổi địa chất hơn 250 triệu năm) và mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử quý báu: Khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Ðính, Khu Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Ðộng và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Khu du lịch sinh thái Tràng An có diện tích 2168 ha chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu về kiến tạo địa chất, địa mạo, khảo cổ và thẩm mỹ hàng đầu khu vực Đông Nam Á như hang Múa, Thung Nắng, Nho Quang…
Thăng Long – Hà Nội: Niềm tự hào ngàn năm
Với truyền thống lịch sử lâu đời cùng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa đất nước, mảnh đất Thăng Long – Hà Nội sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị: 5.922 di tích (kỷ lục nhiều nhất Việt Nam), trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận là Hoàng thành Thăng Long – Đông Kinh; 16 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; gần 1.200 di tích cấp quốc gia như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, lăng Bác, hồ Gươm, hồ Tây, 36 phố cổ, làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng… Năm 1999, Hà Nội là thủ đô duy nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, nhờ vào các nỗ lực đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Đền Hùng – Phú Thọ: Về nguồn thăm đất tổ
Đền Hùng – khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt là quần thể đền chùa rộng 1.000ha thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, gắn với tín ngưỡng Giỗ Tổ Hùng Vương – quốc lễ của dân tộc. Đây cũng là tuyến điểm du lịch tâm linh – tour hành hương phổ biến và nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam. Tại đây, du khách sẽ được viếng thăm đền Lạc Long Quân, đền Quốc mẫu Âu Cơ, các di tích trên núi Hùng: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng và lăng Hùng Vương; Bảo tàng Hùng Vương, công viên Văn Lang, đền Tam Giang, đền Thiên Cổ. Bên cạnh đó còn có nhiều điểm đến dành cho du lịch sinh thái, tâm linh và trải nghiệm văn hóa như: Khu bảo tồn thiên nhiên – Vườn quốc gia Xuân Sơn, đầm Ao Châu, vườn Cây Di Sản Việt Nam, làng rau Tân Đức, đồi chè Long Cốc, chùa Đại Bi, miếu Lãi Lèn, nơi phát tích Hát Xoan – di sản phi vật thể của nhân loại, v.v…
Thế Hiển
Ảnh: Shutterstock
(Theo Tạp chí Du lịch số 178 – 179)