Top 6 món bánh ngày Tết làm nên hương vị của người Việt
Khám phá ẩm thực – – 2021-02-12T01:06:11+07:00
Bánh là một trong những món ăn không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam. Từng vùng sẽ có loại bánh biểu tượng riêng và mang những ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Hãy cùng TASTY Kitchen khám phá 6 món bánh ngày Tết mang đậm nét đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam nhé.
Mục lục bài viết
Bánh chưng – Món bánh ngày Tết đặc trưng ở miền Bắc
Người Việt Nam chúng ta thường có cấu đối rất thân quen:
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Canh nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”
Các thứ được kể trên đều là những nét đặc trưng xuất hiện trong ngày lễ tết ở Việt Nam, nhất là bánh chưng. Trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam, món bánh này như là một biểu tượng của ngày tết cổ truyền. Trên mâm cúng đầu năm mới, bánh chưng và dưa món là hai thứ không thể thiếu được.
Bánh chưng là món ăn mang hương vị và cách chế biến của người Việt Nam. Loại bánh này không giống với bất kỳ món ăn nào của những đất nước khác. Nguyên liệu cũng rất gần gũi với người dân chúng ta như: nếp, thịt heo, đậu xanh, hạt tiêu, lá dong và dây lạt.
Xem thêm:
Cứ vào những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau ngồi gói bánh chưng rồi quây quần bên bếp lửa để cùng nhau nấu và đón giao thừa. Những ký ức đẹp này sẽ mãi in sâu vào tâm trí của người Việt chúng ta, nhất là những người con xa nhà.
Món bánh ngày Tết này mang những ý nghĩa đặc biệt. Ở thời vua Hùng, người ta quan niệm hình vuông của món bánh này là biểu tượng của mặt đất. Những sợi dây lạt dùng để buộc chặt bánh là hình ảnh của sự yêu thương và đoàn kết của các thành viên trong gia đình. Hơn thế nữa, đó cũng chính là sự gắn kết của toàn dân tộc.
Bên cạnh đó, nhân bánh cũng mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Những hạt nếp thơm ngon biểu tượng cho nền lúa nước vững mạnh của đất nước ta. Sự bao bọc phần nhân bên trong của lá dong xanh tượng trưng cho ơn sinh thành và dưỡng dục của ba mẹ.
Bánh chưng không chỉ là một món ăn để đãi khách mà còn được dùng làm món quà biếu năm mới.
Bánh tét – Món bánh ngày Tết của người miền Nam
Bánh tét là một phiên bản hình trụ dài của bánh chưng. Tuy mang những nét mộc mạc nhưng món bánh ngày Tết này rất được yêu thích và không thể thiếu trên mâm cúng của người dân miền Nam.
Phần vỏ bánh sẽ được gói bởi lá dong hoặc lá chuối. Phần nhân cũng có các nguyên liệu giống với món bánh chưng ở miền Bắc như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo và tiêu.
Món bánh tét mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt về công ơn sinh thành của những người làm cha, làm mẹ.
Khi ăn, người ta sẽ bóc từng lớp vỏ ra rồi dùng dao hoặc những sợi lạt buộc bên ngoài để cắt bánh. Ăn bánh tét thì thường không thể thiếu được dưa món. Đặc biệt, bánh này khi chiên lên ăn rất ngon.
Bánh in – Món bánh đặc trưng của người Huế
Trên bàn thờ tổ tiên của người dân Huế vào dịp đầu năm mới luôn xuất hiện những tháp bánh in. Món bánh ngày Tết này được làm từ bột nếp, bột năng, đậu xanh và đường. Mỗi chiếc bánh sẽ được in nhiều hình dạng khác nhau như: con cá, bông hoa hoặc chữ phúc, lộc, thọ.
Bánh in là món thường được dâng lên cho các vua triều Nguyễn thưởng trà vào dịp tết Nguyên Đán. Vị bánh ngọt dịu kết hợp với hương thơm của ly trà nóng thì thật là tuyệt vời.
Bánh phu thê – Món bánh biểu tượng của tình nghĩa vợ chồng
Bánh phu thê thường xuất hiện trong các dịp cưới hỏi. Tuy nhiên, đây cũng là món bánh ngày Tết ở Bắc Ninh. Phần bột mỏng được làm từ bột nếp ôm trọn lấy nhân đậu xanh và dừa sợi bên trong tượng trưng cho tình cảm vợ chồng son sắt thuỷ chung.
Ngoài cái tên phu thê ra thì món bánh này còn có rất nhiều tên khác như xu xê hay su sê. Khi cắn vào miếng bánh mềm mịn, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị ngọt thanh kết hợp với một chút béo bùi.
Bánh đậu xanh – Món bánh tết giản dị ở Hải Dương
Bánh đậu xanh được xuất phát từ Hải Dương. Ở miền Bắc vào những đầu năm mới, người ta thường đãi khách hoặc làm quà món bánh này.
Bánh đậu xanh có hương vị rất thơm ngon. Khi vua Bảo Đại ghé qua Hải Dương, món bánh ngày Tết này từng được dâng lên cho ông thưởng thức. Miếng bánh nhỏ nhắn mang mùi vị ngọt thanh được làm từ bàn tay vô cùng tỉ mỉ và khéo léo.
Muốn thưởng thức được hết mùi vị thơm ngon của món bánh này thì hãy dùng chung với chén trà nóng. Sự hòa quyện trong hương vị khiến cho vị khách khó tính nhất cũng phải say đắm.
Bánh Tổ – Món bánh ngày Tết truyền thống của xứ Quảng
Bánh Tổ được xem như là món bánh ngày Tết của người dân xứ Quảng. Sự kết hợp của các loại nguyên liệu như gạo nếp, đường đen và gừng đã tạo nên nét thú vị và đặc trưng cho loại bánh này.
Người dân Quảng Nam quan niệm rằng, bánh tổ mang ý nghĩa đem lại những điều may mắn và tốt đẹp nhất cho vùng đất khó khăn này của họ trong năm mới.
Hiện nay, món bánh ngày Tết rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, mỗi nơi sẽ có những loại bánh khác nhau với ý nghĩa đặc trưng riêng. Điều này cũng đã thể hiện được vẻ đẹp truyền thống của nền văn hoá ẩm thực Việt Nam. Các bạn hãy cùng theo dõi các bài viết tiếp theo của TASTY Kitchen để có thể bổ sung cho mình nhiều món ăn ngon trong ngày tết nữa nhé.