Top 8 du lịch tìm hiểu lịch sử tại Thành Phố Hồ Chí Minh
5/5 – (2 bình chọn)
Mục lục bài viết
Top 8 du lịch tìm hiểu lịch sử tại Thành Phố Hồ Chí Minh
Nhắc đến du lịch Hà Nội, người ta sẽ nghĩ đến những vẻ đẹp cổ kính thêm chút mộng mơ và bình yên đến lạ. Còn khi nhắc đến địa điểm tham quan Thành phố Hồ Chí Minh, ai cũng háo hức với sự hoa lệ sầm uất trên từng con phố. Nhưng tại nơi đây cũng có rất nhiều những công trình mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của đất nước. Những công trình tồn tại cả trăm tuổi mang đến nét đẹp cổ kính, nét đẹp lịch sử cho vùng đất. Các bạn hãy cùng Smile Travel tìm hiểu thêm thông tin về những địa điểm này nhé!
1. Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập là một trong những điểm hấp dẫn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh cho những du khách yêu thích nghệ thuật và kiến trúc. Nơi đây là biểu tượng của chiến thắng, hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Công trình được thiết kế theo phong thuỷ và kiến trúc phương Đông nhưng lại rất hiện đại. Tham quan dinh Độc Lập, du khách có thể chiêm ngưỡng tận mắt nhiều vật phẩm từ chế độ cũ cũng như những chứng tích ghi dấu thời khắc ngày độc lập 30.4.1975.
Dinh Ðộc Lập là một công trình kiến trúc độc đáo của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Dinh được khởi công xây dựng ngày 01/7/1962 và khánh thành vào ngày 31/10/1966. Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500 m², diện tích sử dụng 20.000 m² gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và 1 sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Bên ngoài hàng rào phía trước và phía sau Dinh là 2 công viên cây xanh. Giữa những năm 1960, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng). Tầng hầm chịu được oanh kích của bom lớn và pháo.
Địa chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
2. Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng, ban đầu gọi là Trụ sở Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales) được khởi công xây dựng ngày 4 tháng 3 năm 1863 và hoàn thành trong 1 năm. Kiến trúc tòa nhà theo phong cách kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh, châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt” – một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Từ năm 1975 đến nay, trụ sở của thương cảng Nhà Rồng được chính quyền Việt Nam xây dựng lại trở thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh, đến năm 1995, khu di tích này tiếp tục được tu sửa và đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Vào ngày 5-6-1911, người thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville xin làm phụ bếp để có thể sang Châu Âu, đánh dấu bước ngoặt cho con đường giải phóng dân tộc của Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng tượng đài Nguyễn Tất Thành, đứng giữa sân bến Nhà Rồng, nhìn về hướng Bắc phía sông Sài Gòn với quyết tâm đi tìm đường cứu dân tộc.
Địa chỉ: Số 01 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP Hồ Chí Minh
3. Nhà thờ Đức Bà
Ngay sau khi chiếm được Sài Gòn năm 1859, Pháp đã gấp rút cho lập nhà thờ để làm nơi cử hành Thánh Lễ cho người công giáo. Sau 3 năm, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng và tiêu tốn hết khoảng 2.500.000 franc Pháo theo tỉ giá thời bấy giờ. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và có 6 chuông đồng lớn. Trên đỉnh tháp có đính một cây Thánh Giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh Thánh Giá là 60,50 m.
Đây là công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ, lịch sử và văn hóa sâu đậm. Nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến nhà thờ Đức Bà. Công trình là sự phối kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc Châu Âu với phong cách Roman và Gothic nổi tiếng. Nơi đây trở thành nơi tham quan, địa điểm chụp ảnh đông đúc nhất trong thành phố.
Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
4. Nhà hát thành phố
Nhà hát Thành phố là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Tây Âu và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố Hồ Chí Minh. Nhà hát được khởi công và đến ngày 1 tháng 1 năm 1900 thì khánh thành. Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Sài Gòn, Nhà hát Lớn thành phố Hồ Chí Minh được tu bổ bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu. Với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa… Được phục chế, đồng thời trang bị hệ thống chiếu sáng mỹ thuật về đêm, đến năm 2009 thì hoàn thành.
Nhà Hát Lớn thành phố là trung tâm biểu diễn nghệ thuật hoành tráng nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là công trình kiến trúc mang dấu ấn Đông Dương hoài cổ, sang trọng, một địa điểm chụp ảnh check in khá nổi tiếng. Nếu bạn yêu thích văn hóa dân tộc có thể đến đây xem các show biểu diễn. Mỗi ngày lại có các show chủ đề khác nhau. Những vật dụng truyền thống, những câu chuyện dân tộc, hình ảnh người Việt Nam …đều được tái hiện qua những tác phẩm đặc sắc, ý nghĩa.
5. Bưu điện thành phố
Là một địa điểm thu hút khách du lịch khá đặc biệt, bưu điện Trung tâm là bưu điện lớn nhất Việt Nam. Khác với các công trình kiến trúc đậm nét Pháp ở trên, Bưu điện Trung tâm Sài có nhiều đặc trưng của phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với châu Á. Được xây dựng từ năm 1886 đến 1891 bởi kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel, Bưu điện với mái và cửa sổ vòm gợi nhớ đến các trạm xe lửa đầu tiên ở châu Âu. Ở đây bạn có thể thấy một chân dung lớn của Bác Hồ trên cao đang nhìn xuống.
Mặt tiền của bưu điện được trang trí những bảng tên một số danh nhân Pháp như Laplace, Voltaire, Arage, cùng một số ô vuông trang trí được tạo hình quen thuộc…Phía trước ngôi nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, trên đó ghi danh những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trên các ô có đắp hình người đội vòng nguyệt quế, cùng chiếc đồng hồ lớn. Phía dưới đồng hồ vẫn còn lưu giữ năm khởi công xây dựng và khánh thành của tòa nhà.
Địa chỉ: 2 Công xã Paris, Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh
6. Chợ Bến Thành
Nằm ở khu vực trung tâm thành phố, không chỉ thuần túy là nơi buôn bán, gần một trăm năm qua chợ Bến Thành đã trở thành một chứng nhân lịch sử. Chứng kiến bao đổi thay thăng trầm của thành phố, là bộ mặt kinh tế nói lên sự phát triển của một thành phố thương mại lớn nhất nước và là điểm giao hòa giữa Sài Gòn xưa và nay. Chợ Bến Thành nằm ở Cửa Nam – nơi giao cắt giữa các con đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn. Và công trường Quách Thị Trang, phường Bến Nghé, quận 1 và là ngôi chợ lâu đời nhất tại đây. Biểu tượng nổi bật nhất của chợ chính là hình ảnh đồng hồ ở ngay cửa nam của ngôi chợ tựa như đồng hồ Big Ben ở London.
Chợ có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng. Bến Thành được xem là chợ bán lẻ quy mô nhất theo nghĩa có thể tìm thấy tại nơi này đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất. Ở đây không thiếu một thứ gì, từ củ hành, trái ớt, mớ rau, con cá, đủ loại hoa quả mùa nào thức nấy, cho tới bánh kẹo, vải vóc, giày dép, túi xách, đồ điện, điện tử, hàng lưu niệm…
7. Chợ Lớn
Chợ Lớn chính là trung tâm thứ 2 tại Tp Hồ Chí Minh. Chợ Lớn là tên của khu vực đông người Hoa sinh sống nằm ven kênh Tàu Hủ trải dài từ Quận 5 và Quận 6 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn, gọi là thành phố Chợ Lớn. Trong những năm 1930-1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau.
Chợ Lớn đã hình thành từ mấy trăm năm nay chứng kiến bao thăng trầm của thành phố, đi qua vô số thời khắc lịch sử quan trọng. Mặc dù không xa hoa, tráng lệ nhưng nơi đây vẫn khiến du khách nao lòng vì nét hoài cổ. Những ngôi nhà tuy cũ kỹ nhưng ẩn chứa bên trong là bao câu chuyện lịch sử vui buồn. Đến Chợ Lớn người ta như được thấy Sài Gòn ngày trước, một “viên ngọc viễn Đông” vang danh thế giới. Tại Chợ Lớn còn lưu giữ nhiều công trình có giá trị văn hóa, lịch sử như: Chùa bà Thiên Hậu, Nghĩa An Hội quán, đình Minh Hương Gia Thạnh, hội quán Tuệ Thành… đây đều là những địa điểm du lịch nổi tiếng.
8. Địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi cách TP. Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến ác liệt suốt 30 năm. Địa đạo Củ Chi là công trình kháng chiến dưới lòng đất công phu và hoành tráng nhất của quân dân miền Nam. Di tích này là một trong những phát minh khiến thế giới, quân đội Mỹ Ngụy phải kinh ngạc và khiếp sợ. Địa đạo có tổng chiều dài các đường hầm lên đến 200km. Bên trong là hệ thống đường hầm, cơ quan mật đạo, phòng họp, phòng chỉ huy, phòng nghỉ, … Sau bao nhiêu năm, địa đạo Củ Chi vẫn hiên ngang tồn tại. Đây là niềm tự hào của quân dân miền Nam. Hiện tại, địa đạo Củ Chi là địa điểm du lịch thu hút rất đông khách.
Địa đạo Củ Chi có hai điểm tham quan
- Địa đạo Bến Dược: Căn cứ Khu ủy & Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bảo tồn tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
- Địa đạo Bến Đình: căn cứ Huyện ủy huyện Củ Chi được bảo tồn tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.