Trại lợn quy mô lớn có dấu hiệu hoạt động trái phép trên đất Quốc phòng

GD&TĐ – Trại lợn quy mô lớn trong đất Quốc phòng ở Hà Tĩnh có dấu hiệu hoạt động trái phép, nguy cơ xảy ra các vấn đề liên quan đến môi trường.

Vừa qua, nguồn tin phản ánh đến báo Giáo dục và Thời đại cho biết, nhiều năm nay, một trang trại lợn quy mô lớn hoạt động trong khu vực đất Quốc phòng ở xóm Anh Hùng (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) do bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1980, trú xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) làm chủ có nhiều dấu hiệu sai phạm, nguy cơ xảy ra các vấn đề về môi trường.

Cho tư nhân thuê hoạt động?

Để xác minh nội dung trên, chúng tôi đã có mặt tại xã Thượng Lộc ghi nhận thực tế tại đây có một trại lợn quy mô khoảng hơn 1ha nằm cạnh bờ suối đầu nguồn với 4 dãy chuồng nuôi, hoạt động chăn nuôi ở đây được đầu tư bài bản, khép kín. Hệ thống chuồng được đầu tư các hàng chục quạt thông gió công nghiệp công suất lớn.

Sát bên trại lợn là Trạm Hậu cần T34 của Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh, cách đó tầm chưa đến 500m là nơi ở của một số hộ dân xã Gia Hanh (Can Lộc).

Trại lợn quy mô lớn có dấu hiệu hoạt động trái phép trên đất Quốc phòng ảnh 1

Một số cán bộ công tác tại Trạm Hậu cần T34 cho biết, khu vực trại lợn trước đây lực lượng hậu cần của Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tăng gia với số lượng ít. Sau khi bà Hoa thuê lại đã đầu tư quy mô lớn chăn nuôi khoảng trên 2.000 con lợn thịt và 200 con lợn nái.

“Chúng tôi ở đây có nhiệm vụ bảo vệ đất Quốc phòng và tăng gia sản xuất quy mô nhỏ. Trại lợn bà Hoa thầu lại của Phòng Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh thế nào chúng tôi không nắm rõ. Trước đây anh em có hay sang bên trại lợn đó giao lưu nhưng từ khi có dịch tả lợn Châu Phi họ hoạt động nghiêm ngặt, anh em không sang được nữa.

Bà Hoa ít ở đây, mọi hoạt động chủ yếu do các công nhân làm. Nhiều khi có vấn đề gì liên lạc với bà Hoa rất khó khăn vì ở đây sóng điện thoại yếu khiến chúng tôi rất bức xúc”, một cán bộ tại Trạm T34 cho hay.

Trại lợn quy mô lớn có dấu hiệu hoạt động trái phép trên đất Quốc phòng ảnh 2

Để tìm hiểu quy mô, cách thức hoạt động của trang trại lợn được cho là của bà Hoa trong đất Quốc phòng, chúng đã liên hệ với anh V. – một công nhân từng làm việc tại đây và được anh V. cho biết, trại lợn trên quy mô khá lớn, có hơn 10 công nhân, không có quân nhân nào làm việc tại đó cả.

“Trước đây, trại lợn trên của chồng bà Hoa. Sau khi ông ấy mất, khoảng 5 năm nay bà Hoa đã trực tiếp quản lý, còn các thủ tục thuê đất thế nào chúng tôi không nắm rõ”, anh V. nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết, khu vực trang trại hoạt động thuộc địa giới hành chính xã Thượng Lộc nhưng đất là của T34 – Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh.

“Trang trại lợn do bà Hoa liên kết với Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh thế nào tôi không rõ. Chúng tôi chỉ quản lý về hành chính còn các thủ tục hoạt động của trang trại trên không được biết. Về vấn đề môi trường thì không có hộ dân nào của địa phương bị ảnh hưởng bởi trang trại cách xa khu dân cư của xã, chỉ có một số hộ dân xã Gia Hanh ở gần đó thôi”, ông Diệu nói.

Trại lợn quy mô lớn có dấu hiệu hoạt động trái phép trên đất Quốc phòng ảnh 3

Khi chúng tôi liên hệ với bà Nguyễn Thị Hoa thì bà này phủ nhận việc bà là chủ của trang trại lợn nêu trên và khẳng định hoạt động chăn nuôi ở đây được cấp phép đầy đủ.

“Ngày xưa chồng tôi làm bên Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh nên kết hợp với tôi làm kỹ thuật ở đó. Tất cả các thủ tục cấp phép liên quan đều do bên đó làm còn tôi không nắm cụ thể thế nào. Ở đây chỉ có 100 con lợn nái với mấy trăm con lợn thịt thôi.

Chủ trang trại là Phòng hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Về vấn đề môi trường, tôi trực tiếp làm việc tại đó, theo luật chăn nuôi thì có các hệ thống bảo vệ môi trường đều thực hiện đầy đủ.

Về việc cấp phép hoạt động, cái này thuộc đất Quốc phòng do ngành dọc cấp phép chứ huyện, tỉnh không có thẩm quyền. Theo tôi tìm hiểu, nhiều hộ dân vào làm nhà, hoạt động sản xuất ở đó chưa ai cấp phép nếu có hôi thối cũng không có lý do gì để phản ánh”, bà Hoa giải thích.

Sai quy định Chỉ thị 31!

Để tìm hiểu về quy định chăn nuôi trang trại trong đất Quốc phòng, PV đã được một cán bộ thuộc đơn vị tăng gia sản xuất của Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh cho biết, đối với trang trại chăn nuôi thuộc Phòng Hậu cần Bộ Chỉ huy quân sự theo Chỉ thị 31 của Bộ Tổng tham mưu trưởng Bộ quốc phòng (Chỉ thị 31), hoạch toán trên đơn vị doanh thu và tăng gia sản xuất tập trung đưa nguồn vốn về để xây dựng củng cố quốc phòng và phải đạt 3 tiêu chí là: Vệ sinh môi trường; cách khu dân cư 1,5km; cách khe suối 1km, không được đóng ở vị trí thượng nguồn.

Đơn vị chăn nuôi tập trung là cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang quản lý và tăng gia tập trung. Chỉ thị 31 quy định, lực lượng tăng gia tập trung sản xuất là chiến sĩ, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và các bộ phận thuộc quyền do Quốc phòng quản lý.

Trại lợn quy mô lớn có dấu hiệu hoạt động trái phép trên đất Quốc phòng ảnh 4

Đối với việc hợp đồng với người dân ngoài quân đội, chỉ được phép hoạt động ở ngoài khu vực tăng gia sản xuất, trả lương theo giờ và không quá 12h/ngày.

“Như vậy nếu nội dung phản ánh về việc Phòng Hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh cho bà Hoa thuê đúng thực tế như vậy là sai quy định. Có thể nói là sử dụng đất Quốc phòng sai mục đích”, vị cán cho hay.

Để làm rõ những thông tin về trang trại lợn trên, chúng tôi đã đến trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, một cán bộ tuyên huấn ở đây cho rằng phóng viên xuất trình thẻ nhà báo là chưa đủ thủ tục pháp lý để làm việc, yêu cầu phải có giấy giới thiệu của cơ quan về vấn đề cụ thể.

Sau khi chúng tôi cung cấp đầy đủ các thủ tục như cán bộ trên yêu cầu thì một cán bộ khác cũng thuộc Ban tuyên huấn Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh cho rằng, phóng viên phải có giấy giới thiệu của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mới có thể làm việc với đơn vị theo đúng quy định.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.