Trải nghiệm Vivo V19 sau 2 ngày: Học sinh khá trong lớp, không ưu tú hàng đầu nhưng cũng chẳng cá biệt!
Thiết kế đi theo xu hướng chung
Bạn sẽ tìm thấy ở Vivo V19 những điểm đặc trưng trong thiết kế smartphone từ cuối 2019 đến nay. Phía trước là màn hình nốt ruồi kép 6,44 inch, độ phân giải Full HD . Yêu hay ghét màn hình kiểu này là tùy mỗi người nhưng phải thừa nhận cụm camera selfie kép của máy khá chiếm chỗ, gây ra bất tiện nhỏ trong một vài tình huống nhất định.
Cầm máy theo thói quen và tôi chợt nhận ra cụm camera trước của máy che mất 2/3 đường bot trên bản đồ mini của trò Liên Quân Mobile
Không gì phải xoắn bởi chịu khó xoay ngược máy lại sẽ giải quyết được
Mặt lưng nổi bật với 4 camera được đặt trong cụm hình chữ nhật bo tròn bốn góc. Khu vực còn lại được bao phủ bởi lớp kính cho cảm giác cầm thích tay hơn so với vỏ nhựa của Galaxy A71. Vivo bán V19 tại nước ta với hai tùy chọn màu là Đen và Bạc (màu của sản phẩm trong bài).
Cụm 4 camera sau của Vivo V19
Toàn cảnh mặt lưng của máy
Phần khung viền của máy được hoàn thiện bằng chất liệu nhựa. Điều khiến tôi chưa hài lòng là phần màn hình nhô hơi cao lên nhưng không được làm cong phần cạnh khiến thao tác vuốt từ cạnh hơi cấn tay, đặc biệt khi bạn dùng tới thao tác điều hướng bằng cử chỉ trên Android 10. Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận nằm ở độ hoàn thiện sản phẩm tương đối tốt, các khu vực khép nối liền lạc và không có chi tiết thừa.
Nói về khả năng hiển thị của Vivo V19, máy dùng tấm nền Super AMOLED nên tái hiện màu sắc rực rỡ, độ tương phản cao, màu đen sâu thích hợp cho chế độ Dark Mode có trong Android 10 cũng như nhiều ứng dụng phổ biến hiện nay. Nhìn chung smartphone của Vivo cho chất lượng hiển thị tương đồng với chính đối thủ Galaxy A71 tôi đã có dịp sử dụng qua. Giá như Vivo tăng tần số quét màn hình lên 90Hz thì sức hấp dẫn của sản phẩm này càng lớn hơn.
Lấy khả năng chụp và quay bằng bộ đôi camera trước làm điểm nhấn
Vivo V19 có cụm camera trước 32MP (góc rộng truyền thống) 8MP (góc siêu rộng), tức là hai camera hoạt động độc lập chứ không phải dạng “giả cầy” với cảm biến chiều sâu như nhiều sản phẩm trước đây. Việc có thêm camera góc siêu rộng ít nhiều giúp bạn dễ dàng hơn khi selfie nhóm đông người.
Ảnh từ camera trước 32MP của máy
Ảnh từ camera trước góc siêu rộng 8MP
Một tính năng mới được Vivo chú trọng nhiều là Selfie Siêu Chụp Đêm. Diễn giải một cách dễ hiểu, đây là tính năng chụp đêm (mỗi hãng một cách đặt tên) đã có ở camera sau được một thời gian, máy sẽ yêu cầu bạn cầm chắc tay khoảng vài giây để phơi sáng, nhờ đó tấm ảnh được cải thiện đáng kể về chất lượng tổng thể so với phương pháp chụp truyền thống. Kết quả như mong đợi nhưng lưu ý rằng bạn chỉ có thể dùng chế độ này với camera chính 32MP.
Với việc quay video bằng camera trước, Vivo V19 hỗ trợ độ phân giải tối đa 1080p. Đáng nhắc đến là tùy chọn siêu chống rung (cũng là một tính năng đã có ở camera sau), hoạt động khá tốt khi chỉ với thao tác cầm tay khi di chuyển, video thu lại được có khung hình mượt mà. Ở tính năng này, Vivo đã làm chu đáo hơn khi bạn có thể dùng cho cả camera chính 32MP và camera góc siêu rộng 8MP.
Điện thoại có chế độ chống rung khi quay bằng camera trước như Vivo V19, bạn sẽ có được clip đăng mạng xã hội chất lượng tốt hơn
Máy sở hữu bộ 4 camera sau 48MP (camera chính) 8MP (camera góc siêu rộng) 2MP (camera macro) 2MP (cảm biến chiều sâu). Nhìn chung bạn có đủ đầy lựa chọn từ góc chụp siêu rộng tới macro vốn đang là trend hiện tại. Các tính năng chụp ảnh, quay video như Auto HDR, nhận diện cảnh AI, chế độ chụp đêm, siêu chống rung, … đều có thể tìm thấy ở mẫu smartphone này.
Giao diện chụp ảnh của máy
Một số ảnh chụp từ camera sau của Vivo V19:
Hình chụp bằng camera chính 48MP
Hình chụp từ camera góc siêu rộng 8MP
Hiệu năng chưa ổn
Với vi xử lý Snapdragon 712, GPU Adreno 616, 8GB RAM và 128GB ROM, Vivo V19 có phần hơi “lùi về sau” so với một số đối thủ cùng phân khúc giá.
Các vi xử lý thế hệ sau như Snapdragon 730G/720G đều cho hiệu năng tốt hơn đại diện từ Vivo ở cả CPU lẫn GPU. Trên hệ điều hành vốn tối ưu kém như Android cùng việc các ứng dụng, game càng về sau càng ngốn tài nguyên nhiều hơn thì sở hữu smartphone cấu hình tốt là điểm tựa để trải nghiệm dùng ít bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng chậm, giật lag.
Ở khía cạnh tích cực, hiệu năng máy có được vẫn là bước tiến đáng kể so với người tiền nhiệm V17 Pro, đặc biệt là khả năng xử lý đồ họa. Và máy cũng có thể “ăn tươi nuốt sống” OPPO Reno2 F (một sản phẩm đã ở cuối vòng đời). Tuy vậy với mức giá 9 triệu đồng, Vivo V19 sẽ khiến một số người phải cân nhắc lại về tỉ lệ hiệu suất/giá thành.
Về phần mềm, máy chạy Android 10 giao diện Funtouch OS 10. Vivo có giới thiệu một số tính năng thú vị như khử ồn bằng AI khi gọi video call trong các ứng dụng phổ biến như Messenger, Zalo. Dùng nhanh qua tôi đánh giá tương đối hiệu quả, giọng người nói trở nên to, rõ hơn bình thường.
Tình Huống Thông Minh Jovi cũng là thứ mới mẻ bạn tìm được ở Funtouch OS. Tại đây hiển thị tổng hợp thông tin từ thời lượng sử dụng máy, tin thể thao tới việc theo dõi, đặt mục tiêu uống đủ nước, vận động mỗi ngày. Nhìn chung đây là tính năng có cũng hay mà nếu không cũng chẳng thành vấn đề.
Chuyện sạc nhanh 33W: tốt nhưng thiếu tương thích
Viên pin dung lượng 4.500 mAh đủ lớn để người ngồi làm văn phòng, giờ giải lao chơi game như tôi có thể dùng nguyên ngày. Điểm tôi quan tâm nhiều hơn là công nghệ sạc nhanh Flashcharge 2.0 33W của Vivo. Dùng thực tế gần đúng với mốc 54% sau 30 phút cắm sạc mà hãng công bố. Và để sạc đầy hoàn toàn máy cần khoảng 1 giờ đồng hồ.
Công suất sạc của máy là 33W, nhanh hơn tương đối so với Quick Charge 4 27W và Samsung Super FastCharge 25W
Việc mỗi hãng chạy theo một công nghệ sạc nhanh của riêng mình khiến người dùng thiếu hẳn đi lựa chọn phụ kiện bên thứ ba (pin dự phòng, củ sạc đa năng) tương thích để dùng hết công năng sản phẩm. Với Vivo FlashCharge 2.0, mức điện áp đầu vào tối đa 11V-3A cho công suất 33W khá dị, tôi đã thử với pin dự phòng hỗ trợ chuẩn PD 45W, củ sạc PD 65W và tìm thông tin các củ sạc hãng thứ ba đều không hỗ trợ mức điện áp như vậy. Điều đó có nghĩa khi dùng với pin dự phòng, củ sạc đa năng hiện tại máy chỉ nhận tối đa mức 9V-2A, tương đương Quick Charge 2.0/3.0, để sạc được mức 33W bạn bắt buộc dùng đúng củ sạc “chính chủ”.
Vivo cùng các hãng từ Trung Quốc đang tạo nên “ma trận” công nghệ sạc nhanh bởi tính tương thích với phụ kiện bên thứ ba rất kém. Tất nhiên điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm, trừ khi bạn làm mất bộ sạc cáp này thôi…
Ở mức giá 9 triệu đồng, Vivo V19 sẽ nhận phải sự cạnh tranh từ các đối thủ khác trong phân khúc tầm trung. Xét một cách tổng thể, Vivo V19 như một học sinh khá trong lớp, không ưu tú hàng đầu cũng chẳng cá biệt. Thiếu nét cá tính riêng là điểm khiến tôi không chọn mua sản phẩm này, còn bạn thì sao?