Tràn lan lừa đảo bằng công nghệ cao – Kỳ 2: Từ hack Zalo, Facebook đến chiêu trò nâng cấp sim
Mục lục bài viết
Tạo Zalo, Facebook, số tài khoản ngân hàng giả để lừa tiền
Đầu tháng 3.2022, chị T.T.H. (30 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh – kinh doanh thức ăn nhanh qua mạng) phản ánh chị bị làm giả tài khoản Zalo để mượn tiền rồi chiếm đoạt. Theo chị H., kẻ gian đã dùng hình ảnh, câu chuyện lấy từ Zalo của chị để tạo tài khoản có tên người dùng giống của chị H.
Sau đó, kẻ gian dùng tài khoản Zalo giả mạo trên vào kết bạn những người quen, khách hàng thường xuyên tương tác, mua hàng của chị. Sau khi kết bạn, tài khoản giả mạo lập nhóm để trao đổi, hỗ trợ, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Sau thời gian làm quen, tương tác nhau trong nhóm thì tài khoản giả mạo chị H. bắt đầu hỏi mượn tiền của nhiều người để xử lý công việc cá nhân và hứa sẽ trả lại.
Theo chị H., nhiều người bạn của chị xác minh bằng cách gọi vào tài khoản Zalo giả mạo chị H. thì vẫn thấy ảnh của chị nhưng không rõ, giọng nói tiếng được tiếng mất. Sau đó, tài khoản Zalo giả mạo nhắn tin lại là đang ở nơi sóng 3G yếu nên chập chờn. Kẻ gian đã nhắn số tài khoản ngân hàng mang tên chị H. cho người cần mượn tiền và nhờ chuyển vào đó. Nhiều người tin tưởng vì gọi Zalo vẫn thấy mặt chị H., tài khoản ngân hàng mang tên chị H. nên đã chuyển tiền cho mượn.
“Việc giả mạo tài khoản Zalo là có thể, nhưng việc làm thẻ ngân hàng có tên giống của tôi, chỉ khác số tài khoản là điều rất tinh vi”, chị H. nói. Tổng số tiền kẻ gian giả mạo Zalo của chị H. và đã lừa được 10 người gần 50 triệu đồng.
TƯ LIỆU
Phản ánh tới Báo Thanh Niên, anh Ngô Duy Quốc (ngụ TX.Dĩ An, Bình Dương – giám đốc doanh nghiệp vừa và nhỏ) cho biết mình vừa là nạn nhân của chiêu thức lập tài khoản Facebook nhân viên rồi kết bạn, nhắn tin nhờ chuyển tiền để chiếm đoạt.
Theo anh Quốc, khoảng 17 giờ ngày 12.3, khi anh đang họp với đối tác thì tài khoản Facebook có tên “Thanh Hương” vào kết bạn. Tên tài khoản Facebook và hình đại diện là nhân viên của mình nên anh Quốc đồng ý kết bạn. Sau đó, tài khoản “Thanh Hương” nhắn tin thông báo là tài khoản kia do vi phạm nên đã bị khóa, mới lập Facebook mới để kết nối, trao đổi công việc với anh Quốc. Khoảng 30 phút sau, tài khoản “Thanh Hương” nhắn tin nhờ anh Quốc chuyển cho mượn 20 triệu đồng cho chồng mình giải quyết sự cố tai nạn giao thông ngoài đường. Không một chút nghi ngờ, anh Quốc đã chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng mà “Thanh Hương” nhắn qua.
Sau khi kết thúc cuộc họp, anh Quốc gọi vào số điện thoại cho nhân viên của mình để hỏi thăm tình hình thì được biết đã bị lừa. “Lúc đó đang trong cuộc họp nên không có thời gian xác minh, đâu ngờ bọn nó lập Facebook giả nhân viên của mình, tạo ra câu chuyện cấp bách để lừa mình”, anh Quốc chia sẻ.
Mất sạch tiền chỉ trong vòng 10 giây sau khi nâng cấp sim
Vừa qua, tài khoản Facebook tên Hồng Thủy chia sẻ câu chuyện của bản thân trên mạng xã hội với nội dung “mọi người ơi, em bị mất, hết thật rồi” đã nhanh chóng nhận về hơn 24.000 bình luận và 23.000 lượt chia sẻ.
Câu chuyện của Hồng Thủy cho biết tất cả tiền trong tài khoản, thẻ tín dụng, ví momo và các ví điện tử của chị đã “bốc hơi” chỉ sau 10 giây khi chị gửi dãy 16 số về “tổng đài MobiFone 901” theo hướng dẫn nâng cấp sim 4G lên 5G từ số điện thoại lạ.
“Kẻ gian dùng thủ đoạn rất tinh vi, toàn bộ thủ tục mà chúng yêu cầu “nâng cấp sim” hết sức đơn giản, tiện lợi, nên người dùng dễ bị mắc lừa”, Hồng Thủy chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hồng Thủy cho biết, kẻ gian chủ động chuyển 50.000 đồng vào sim MobiFone của chị kèm lời chúc tri ân khách hàng. Tiếp đó, kẻ gian dùng một số điện thoại gọi đến cho biết là người của nhà mạng MobiFone hỗ trợ nâng cấp từ sim 4G lên sim 5G miễn phí. Người dùng chỉ cần làm một việc duy nhất, đó là nhập một dãy 16 số do các nhà mạng cung cấp rồi gửi cho 901.
minh họa
Sau thao tác gửi, sim của chị Thủy đang dùng lập tức bị mất sóng, vô hiệu hóa, toàn bộ thông tin tài khoản, ví momo và các phần mềm điện tử có liên kết với số điện thoại sẽ bị thay đổi mật khẩu, kẻ gian kiểm soát hoàn toàn. “Bình thường tôi không bao giờ nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ hoặc tổng đài gọi đến. Nhưng hôm nay điện thoại của mình được cộng 50.000 đồng và có người gọi đến đề nghị hỗ trợ nâng cấp sim 4G lên 5G không mất phí. Nhưng tôi không ngờ bị sập bẫy lừa đảo công nghệ cao quá tinh vi”, chị Thủy nói.
Tương tự, chị Đỗ Tường Vy (sinh viên năm 2, Trường đại học Tôn Đức Thắng) chia sẻ câu chuyện “Cảnh báo giả danh nhà mạng nâng cấp sim 4G lên 5G, chiếm đoạt sim rồi lấy mã OTP”. Chị Vy cho biết, nhận được cuộc gọi tự xưng người của nhà mạng MobiFone đang có chương trình nâng cấp sim từ 4G lên 5G tại nhà cho khách hàng. “Họ nói nhà mạng còn tri ân khách hàng tặng 50.000 đồng vô tài khoản. Tôi kiểm tra thấy tin nhắn của Mobifone tặng 50.000 đồng nên làm theo hướng dẫn”, chị Vy kể.
Theo chị Vy, bên gọi đọc dãy 16 số rồi bắt tôi nhập và gửi về 901. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị Vy nhận được cảnh báo từ email là mật khẩu và ví Shopeepay của mình đã được thay đổi thành công. Chị Vy hoảng hốt vào app kiểm tra thì mật khẩu của mình ví Momo, Shopeepay đã không còn sử dụng được nữa… (còn tiếp)
MobiFone khuyến cáo khách hàng cảnh giác việc nâng cấp sim để lừa đảo
Theo MobiFone, kẻ gian chọn những người sử dụng sim số chưa được chuyển từ 3G sang 4G và có liên kết với thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng. Sau đó, kẻ gian giả danh nhân viên nhà mạng gọi điện đến cho nạn nhân thông báo hỗ trợ đổi sim từ 3G sang 4G và chiếm quyền sử dụng sim, từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng của người bị hại.
MobiFone khuyến cáo toàn bộ khách hàng cảnh giác, cẩn trọng trước những tin nhắn, cuộc gọi bất thường yêu cầu thay sim hoặc nhận ưu đãi bất ngờ. Khi gặp những tin nhắn, cuộc gọi, ưu đãi nghi ngờ thì khách hàng MobiFone cần liên hệ trực tiếp với hotline 9090 để xác minh thông tin người đang liên lạc có thực sự là nhân viên của MobiFone hay không. Khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã PIN, mã OTP và không thực hiện các thao tác soạn tin theo cú pháp lạ.