Trăn trở về văn hóa ứng xử trong giới học sinh ngày nay

(Báo Đồng Khởi Online)-Khi xã hội ngày càng phát triển thì mối quan hệ giữa người với người cũng được mở rộng, phương thức giao tiếp cũng vì vậy mà trở nên đa dạng và phong phú. Nhưng điều đáng lo ngại là từ ngữ dùng trong giao tiếp của một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có xu hướng lệch chuẩn, thiếu lịch sự. Trong đó, văn hóa ứng xử, nhất là ứng xử trong giao tiếp của một bộ phận học sinh hiện nay đang làm cho nhiều người phải suy nghĩ.

Đâu rồi “tiên học lễ, hậu học văn”?

Xã hội văn minh, khoa học công nghệ hiện đại, mọi người có thể kết bạn với nhau trong một cú “nhấp chuột”, thế nhưng cách làm quen ấy cũng lắm điều bàn cãi. Em Nguyễn Ngọc Yến Thư, một học sinh lớp 8 chia sẻ: “Hiện nay, có một bộ phận học sinh sẵn sàng làm quen và học theo những cách ứng xử thiếu văn minh trên mạng như văng tục, chửi bậy hay nói lóng làm mất đi hình ảnh của lứa tuổi học trò”.

Còn theo em Phan Ngô Khả Nhi, việc các bạn học sinh cư xử thiếu văn minh, lịch sự, văng tục, chửi bậy đã trở thành “quen mắt, quen tai”. Nguyên nhân do các bạn bị ảnh hưởng từ những học sinh cá biệt trong trường và môi trường giao tiếp ngoài xã hội, nhất là từ các trang mạng xã hội. “Nói riết, làm riết đâm ra quen và không biết tự bao giờ việc văng tục, chửi bậy đã trở thành cửa miệng và xem đây như là việc làm bình thường, mỗi lần phát ngôn như thế các bạn học sinh không còn ngượng ngùng hay e ngại nữa” – Nhi tâm tư.

Có thể nói, cách đây khoảng vài năm, việc ứng xử thiếu văn minh trong đó có văng tục, chửi bậy chỉ là một dạng khẩu ngữ thường được giới bình dân sử dụng để thể hiện cảm xúc, thái độ trong những câu chuyện phiếm hay nói cho suông câu. Ấy vậy mà, ngày nay nó lại được xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, trong đó có cả học sinh. “Ngày xưa đi học, mình thấy thầy cô đi phía trước, đằng này đã bỏ nón, khoanh tay chào, còn nói chuyện với bạn bè thì phải từ tốn, hòa nhã, còn bây giờ có những từ vô văn hóa như thế lại được nhiều học sinh dùng, kể cả học sinh nữ”, thầy Phan Văn Tấn – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) nhận xét.

Bằng nhiều cách khác nhau, nhà trường, gia đình đã giáo dục các em về cách ứng xử văn minh, lịch sự. Thế nhưng vẫn có một bộ phận học sinh thích “nói theo” hay thủ sẵn trong mình vài chữ để lỡ khi cự cãi với bạn có cái mà dùng. Có em thì lại cập nhật những từ ngữ ấy để phát ngôn cùng chúng bạn để được xem là “sành điệu”. Nếu người lớn lơ là, chưa nghiêm khắc nhắc nhở trước một vài câu nói “lạ” thì vô hình trung “góp phần” tạo ra thói quen khó sửa nơi con em mình.

Hãy giữ lại tuổi thần tiên

Việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, trong đó có văn hóa ứng xử cho học sinh vẫn chưa thật sự hiệu quả, biểu hiện qua việc một bộ phận học sinh có những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, những ứng xử thiếu văn minh, văn hóa như đánh nhau, nói xấu nhau, có những lời lẽ bình luận khiếm nhã trên mạng, không lễ phép với thầy cô và người lớn, nói xấu thầy cô trên mạng, bạo lực với thầy cô, vi phạm các quy định về an toàn giao thông, không giữ gìn vệ sinh công cộng…

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên Trường THPT Chuyên Bến Tre có nhiều năm kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm cho biết: Giờ sinh hoạt lớp, giáo viên dành rất nhiều thời gian để tâm sự, trò chuyện với các em, dạy các em nhiều thứ, từ những việc làm nhỏ nhất để có thể phục vụ bản thân đến cách ứng xử trong giao tiếp hàng ngày.

Bàn về vấn đề giáo dục đạo đức, trong đó có chú trọng văn hóa ứng xử cho học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, lối sống văn hóa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện các mục tiêu trên, các trường đã triển khai nhiều hoạt động để tăng cường giáo dục phẩm chất song song với việc hình thành năng lực cho học sinh, luôn quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho các em. Trong đó, nhà trường cũng luôn quan tâm đến việc giáo dục cho học sinh về hành vi, thói quen, ứng xử của lối sống văn minh, tiến bộ, phù hợp với bản sắc dân tộc Việt Nam như chào hỏi khi gặp mặt thầy cô, người lớn; tôn trọng, nhã nhặn, thân thiện, đoàn kết, tương trợ bạn bè, không bạo lực; thực hiện các hành vi, ứng xử của lối sống văn minh, văn hóa như biết cảm ơn, xin lỗi, xếp hàng, giữ gìn vệ sinh chung, thực hiện các quy định về an toàn giao thông, văn hóa giao thông…

P.Tuyết