Tràng An, danh thắng lịch sử và văn hóa ở Ninh Bình
Từng sống nhiều năm ở Ninh Bình, từng đến Tràng An nhiều lần và lần nào cũng ngất ngây trước cảnh đẹp hùng vĩ của khu danh thắng. Thế nhưng, hiểu tường tận về giá trị văn hóa cũng như lịch sử của Tràng An, chỉ đến khi tôi gặp anh Nguyễn Đức Long, Giám đốc Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An mới sáng tỏ phần nào. “Toàn bộ cảnh quan là một dãy tháp đá vôi và núi hình nón bao bọc bởi các vách cao 200m. Chúng nối liền nhau ở nhiều chỗ bởi các sống núi sắc cạnh bao trọn các hố sụt sâu và các thung lũng ngập nước, nối với nhau bởi vô số các dòng suối và hang động ngầm, một vài nơi có thể đi lại bằng thuyền”, Giám đốc Long nói.
Du khách đi trên con thuyền truyền thống có thể trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với môi trường và tận hưởng cảm giác thanh bình của danh thắng. Những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh và nhiều đình chùa linh thiêng của Tràng An như truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ đến với mảnh đất này.
Nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, ở rìa nam của châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội khoảng 90km về phía đông nam, quần thể danh thắng Tràng An là một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, chứa đựng ba vùng được bảo vệ là Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, cả hai được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt kể cả khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Khu danh thắng Tràng An có diện tích khoảng 6.172 ha nằm trong khối đá vôi và có vùng đệm bao quanh với diện tích 6.268 ha, bao gồm hầu hết là ruộng lúa. Trong khu danh thắng Tràng An có khoảng 26.283 người hầu hết trong số đó là gia đình nông dân. Phần lớn diện tích “lõi” khu danh thắng chưa có người ở vẫn trong trạng thái tự nhiên, không có tác động gây hại lên các giá trị văn hóa cùng cảnh quan thiên nhiên từ hoạt động của con người.
Thuyền đi qua hang Tối, lòng hang hẹp và dòng nước lạnh ngắt chảy qua. Những nhũ đá rủ xuống đẹp mê hồn. “ Đây là hang dài nhất, chừng hơn 200 m có nhiều ngách đá chạy hình chữ Chi, nếu ai không thông thạo địa hình thì không thể đi được”, Phó giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, Nguyễn Cao Tấn, cho biết thêm. Lần tìm theo dấu địa chất, các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhận xét Tràng An đặc sắc ở chỗ, nơi đây hàng chục nghìn năm bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần và nâng cao trở thành đất liền. Sự phát triển địa hình trong một thời gian dài tạo ra cảnh quan đẹp phi thường, đó là sự pha trộn giữa những ngọn núi dạng tháp có vách dốc đứng trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, bao quanh trũng, tạo ra thung lớn, sâu chứa nước trong và tĩnh lặng thông với nhiều hang động và sông suối ngầm có thể đi lại bằng thuyền.
Tràng An đã biến đổi từ cảnh quan đất liền thành cảnh quan biển trong một số lần. Có những thời điểm, Tràng An là một quần đảo giữa đại dương. Toàn bộ môi trường đất liền bị tác động dưới sự biến đổi của khí hậu và mực nước biển với các điều kiện môi trường đất trũng sông, đầm lầy, cửa sông và bờ biển. Rừng thay đổi về cấu trúc và thành phần từ kiểu rừng mưa nguyên sinh tán kín tới rừng khô theo mùa, với rừng ôn đới và các đồng cỏ trong giai đoạn khí hậu mát mẻ thịnh hành. Con người tới khu vực đá vôi có thể theo mùa để kiếm thức ăn quan trọng – ốc cạn.
Các kết quả từ khảo cổ cho những thông tin quan trọng về môi trường Tràng An cổ cách đây hơn 5.500 năm. Tràng An là một trong số ít di sản có giá trị ở Đông – Nam Á giữ lại nhiều đặc điểm ban đầu không chịu ảnh hưởng lớn từ con người, động vật và các nhân tố khác ở thời gian sau đó.
Khu danh thắng Tràng An có diện tích và phạm vi hợp lý để chứa đựng đầy đủ các giá trị nổi bật về thiên nhiên và văn hóa. Ranh giới khu vực chủ yếu dựa vào các đặc điểm tự nhiên, bao trọn lấy toàn bộ khối đá vôi với đầy đủ những cảnh quan cổ điển và quá trình địa mạo liên quan cho biết quá trình tiến hóa địa chất của cảnh quan tháp karst khá chi tiết. Khu vực này chứa đựng tất cả hang động có ý nghĩa khảo cổ. Một vùng đệm lớn bao quanh toàn bộ vùng lõi, bảo vệ vùng lõi khỏi những hoạt động phá hủy từ bên ngoài hoặc những tác động không mong muốn. Vùng đệm bao gồm một số ngôi làng nhỏ, chủ yếu là ruộng và vườn của người dân địa phương, nhiều sông được người dân đánh bắt tôm cá.
Ngoài Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, cho tới nay, khu danh thắng Tràng An vẫn còn hoang sơ, ít người biết đến. Khu Danh thắng Tràng An cùng với rừng nguyên sinh đặc hữu Hoa Lư vẫn còn nguyên sơ, cho tới khoảng 10 năm trước được đánh giá toàn diện và xác định làm khu bảo tồn và sử dụng bền vững.
Giá trị văn hóa nổi bật của Tràng An chủ yếu dựa trên kết quả khảo sát địa chất, phân tích mẫu đất, đá. Các khảo sát, nghiên cứu và khai quật khảo cổ thực hiện từ năm 2007 do chuyên gia từ Đại học Cambridge và gần đây của Viện Khảo cổ học Việt Nam. Tài nguyên khảo cổ tìm thấy trong nhiều hang động ở khắp khu vực danh thắng trên độ cao khác nhau. Hệ thống hang động và di tích vẫn còn trong tình trạng ban đầu, không bị xáo trộn -– một điều hiếm thấy ở khu vực Đông – Nam Á. Bằng chứng khảo cổ chủ yếu là vỏ ốc, vỏ sò, xương động vật, đồ gốm, công cụ bằng đá, nền bếp, gốm văn thừng và ít di cốt người.
Ngoài những thông tin về văn hóa, di chỉ này còn cho nhiều thông điệp về môi trường cổ sinh động, dựa trên phương pháp tiếp cận truyền thống như phân tích bào tử phấn hoa, phân tích tàn tích thực vật vĩ mô (hạt và các mô thực vật khác), khảo cổ học động vật, địa mạo học (thí dụ trong việc nhận biết đường bờ biển cổ) với sự hỗ trợ của các kỹ thuật tiên tiến mới, gồm có phân tích hóa địa đồng vị carbon thực vật và chất béo, đồng vị ôxy vỏ nhuyễn thể và việc sử dụng phương pháp LiDAR (Đo khoảng cách và độ rộng ánh sáng).
“Toàn bộ khu danh thắng Tràng An cùng nhiều điểm du lịch khác của tỉnh Ninh Bình chịu sự quản lý của UBND tỉnh”, Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An Nguyễn Đức Long cho biết. Cố đô Hoa Lư, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1962. Đến năm 2003 Chính phủ thông qua kế hoạch tổng thể cho việc bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị văn hóa cho di sản. Danh hiệu Di tích cấp quốc gia được trao cho khu vực Tam Cốc – Bích Động năm 1994, toàn bộ khu vực Tràng An vào năm 2011. Cố đô Hoa Lư và khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động trở thành Di sản cấp quốc gia đặc biệt năm 2012. Một phần diện tích các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình được làm khu rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An có trách nhiệm quản lý khu di sản và hoạt động theo kế hoạch quản lý tổng thể, đồng thời đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho những người dân chở đò. Đáng chú ý, Ban Quản lý được UBND tỉnh Ninh Bình giao thực hiện một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu danh thắng Tràng An – Bái Đính cùng nhiều di tích khác. Cụ thể là kiểm tra, nghiệm thu các gói thầu nạo vét hồ Bái Đính với tổng vốn đầu tư 86,5 tỷ đồng xây lắp tuyến đường bộ Bái Đính – Đền Trần gần 20 tỷ đồng, xây lắp tuyến giao thông đường bộ 30 tỷ, nạo vét tuyến giao thông thủy Bích Động – hang Bụt và Thách Bích – Thung Nắng, dự án đường cây xanh vào khu du lịch Thung Nham, tu bổ, tôn tạo Đình Các, tôn tạo khu di tích đền thờ Đinh Tiên Hoàng đế – vua Lê Đại Hành cùng bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, công trình tu bổ di tích lăng vua Lê Đại Hành, lập hồ sơ xây dựng cơ sở hạ tầng bãi đỗ xe và dịch vụ … với tổng nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư gần ba nghìn tỷ đồng.
Với những giá trị nổi bật về lịch sử – văn hóa, khu danh thắng Tràng An sẽ mãi là niềm tự hào của người dân Ninh Bình.