Trang phục người dân tộc Tày
Sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai… đồng bào dân tộc Tày đã tạo cho mình một bản sắc riêng. Qua những nét văn hóa như ẩm thực, trò chơi dân gian, ngôn ngữ… đồng bào Tày đã có một kho tàng văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trang phục truyền thống từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa cũng như nét đẹp bình dị và độc đáo của dân tộc Tày ở khắp các miền đất.Ngày nay, để thuận tiện hơn cho việc sinh hoạt, lao động sản xuất thường nhật, một phần bộ phận dân tộc Tày đã thay đổi phong cách ăn mặc quần áo giống dân tộc Kinh, tuy nhiên những trang phục dân tộc vẫn được lưu giữ và truyền lại từ đời này qua đời khác, đặc biệt được mặc vào các dịp lễ lớn trong năm.Theo thống kê trong năm 2019, trên địa bản tỉnh Bắc Kạn có tổng 155.510 đồng bào dân tộc Tày sinh sống, chiếm tới 52,9% số dân trên toàn tỉnh và chiếm 18,9% tổng số người Tày trên cả nước.Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Tày có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm do chính họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm sắc thái dân tộc.
ĐỒNG BÀO DÂN TỘC TÀY TẠI VƯỜN QUỐC GIA BA BỂ
Một bản làng dân tộc Tày ven hồ Ba Bể
Trong số những nhóm dân tộc sinh sống xung quanh hồ Ba Bể, dân tộc Tày là nhóm dân tộc có số lượng người dân sinh sống lớn nhất tại đây với hơn 30 bản làng lớn nhỏ phân bổ rải rác xung quanh bờ hồ tỏa ra 4 phía. Nổi bật trong số đó phải kể đến các bản Bó Lù, Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bản Cám… Theo truyền thống, người Tày quanh hồ Ba Bể thường chăn nuôi và đánh bắt cá. Thuyền độc mộc cũng được sử dụng cho mục đích này.
Người dân đánh bắt cá thủ công trên thuyền độc mộc, hồ Ba Bể
Cư dân người Tày vốn nổi tiếng với nghề dệt và thêu thổ cẩm. Họ thường sử dụng những sản phẩm thêu dệt làm ri-đô ngăn phòng, rèm cửa phòng, cửa sổ, địu, tay nải và khăn trải bàn. Thổ cẩm giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần và tình cảm của đồng bào Tày. Đó là món quà ngày cưới mà cô dâu mang về nhà chồng, là quà tặng cho trai gái yêu nhau, là quà mừng đầy tháng của đứa trẻ… Nguyên liệu chính của dệt thổ cẩm là sợi được nhuộm thành nhiều màu khác nhau. Khung dệt của người Tày có kích thước lớn nhất và phức tạp nhất so với các khung dệt khác được tìm thấy ở Việt Nam. Hiện nay nhiều hộ gia đình ở trong và ngoài vườn quốc gia Ba Bể vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm tạo thu nhập phụ cho gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá cho các thế hệ mai sau.
Màu sắc và hoa văn thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tày
Người Tày có truyền thống âm nhạc riêng, truyền thống âm nhạc này vẫn được duy trì và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến nét văn hoá trong khu vực. Vườn quốc gia Ba Bể không ngừng khuyến khích truyền thống âm nhạc và múa hát ở địa phương và các buổi trình diễn thường do các nhóm văn nghệ của các bản làng địa phương thực hiện. Nhạc cụ đặc biệt nhất của người Tày là “đàn tính”, một nhạc cụ dây dài với hộp âm hình bán nguyệt ở cuối. Đến Ba Bể, ở những nhà nghỉ sinh thái của các bản Pác Ngòi, Cốc Tộc và Bó Lù, du khách vừa có thể thỏa thích hít thở bầu không khí trong lành vừa được nghe hát then, nghe tiếng đàn tính của người Tày bản địa – xu hướng phát triển du lịch cộng đồng hiện nay của địa phương.
TRANG PHỤC NAM GIỚI
Trang phục nam giới người Tày có quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn kéo dài vạt xuống quá đầu gối. Ngoài ra, họ còn có thêm áo 4 thân, đây là loại áo xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở phía trước.
Trang phục truyền thống dân tộc Tày
Trang phục truyền thống dân tộc Tày
Vào những ngày hội hè người ta mặc áo cánh trắng ở trong có lẽ vì vậy mà người Tày còn được gọi là người áo trắng để phân biệt với người Nùng thường chỉ mặc áo chàm. Ngoài ra, đàn ông Tày còn mặc thêm loại áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) quấn trên đầu theo lối chữ nhân.
TRANG PHỤC NỮ GIỚI
Trang phục nữ giới gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Phụ nữ Tày còn thắt lưng bằng những tấm vải chàm hay đũi dài khoảng hai sải tay làm tăng thêm vẻ duyên dáng nhất là với thanh nữ. Cũng như nam giới, phụ nữ Tày thường mặc thêm chiếc áo trắng ở bên trong vào những ngày lễ tết. Trước đây phụ nữ Tày mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; nguyên tắc cắt may giống nam giới nhưng kích thước có phần hẹp hơn. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ quạ của người Kinh.
Trang phục truyền thống cho nữ giới dân tộc Tày
Tôn lên vẻ đẹp của váy, áo của phụ nữ Tày còn nhờ vào sự độc đáo của những bộ trang sức. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích… Có nơi còn đeo túi vải, túi đựng trầu bên hông. Quan trọng nhất là vòng cổ của người phụ nữ. Đó là một chiếc vòng bạc trắng to được đeo ở cổ, vòng rộng xuống 1/4 ngực làm cho cơ thể cân đối và màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền chàm.
Trang phục truyền thống dành cho nữ còn thường kèm theo chiếc nón lá truyền thống
Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo ngoài màu chàm. Nếu như nhiều dân tộc dùng màu chàm nhưng còn gia công trang trí các màu khác trên trang phục thì người Tày hầu như chỉ dùng các màu ngũ sắc để trang trí hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm.
Trong sinh hoạt thường nhật, người dân địa phương thường lựa chọn trang phục gọn nhẹ giống như người Kinh
Ngày nay, trang phục truyền thống Tày vẫn phổ biến nhất là trong các ngày lễ cổ truyền, nhưng áo cánh, áo sơ mi vẫn được nhiều thanh niên mặc, còn trong ngày thường, họ mặc trang phục gần như người Kinh.
Trong số những nhóm dân tộc sinh sống xung quanh hồ Ba Bể, dân tộc Tày là nhóm dân tộc có số lượng người dân sinh sống lớn nhất tại đây với hơn 30 bản làng lớn nhỏ phân bổ rải rác xung quanh bờ hồ tỏa ra 4 phía. Nổi bật trong số đó phải kể đến các bản Bó Lù, Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bản Cám… Theo truyền thống, người Tày quanh hồ Ba Bể thường chăn nuôi và đánh bắt cá. Thuyền độc mộc cũng được sử dụng cho mục đích này.Cư dân người Tày vốn nổi tiếng với nghề dệt và thêu thổ cẩm. Họ thường sử dụng những sản phẩm thêu dệt làm ri-đô ngăn phòng, rèm cửa phòng, cửa sổ, địu, tay nải và khăn trải bàn. Thổ cẩm giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần và tình cảm của đồng bào Tày. Đó là món quà ngày cưới mà cô dâu mang về nhà chồng, là quà tặng cho trai gái yêu nhau, là quà mừng đầy tháng của đứa trẻ… Nguyên liệu chính của dệt thổ cẩm là sợi được nhuộm thành nhiều màu khác nhau. Khung dệt của người Tày có kích thước lớn nhất và phức tạp nhất so với các khung dệt khác được tìm thấy ở Việt Nam. Hiện nay nhiều hộ gia đình ở trong và ngoài vườn quốc gia Ba Bể vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhằm tạo thu nhập phụ cho gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá cho các thế hệ mai sau.Người Tày có truyền thống âm nhạc riêng, truyền thống âm nhạc này vẫn được duy trì và có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến nét văn hoá trong khu vực. Vườn quốc gia Ba Bể không ngừng khuyến khích truyền thống âm nhạc và múa hát ở địa phương và các buổi trình diễn thường do các nhóm văn nghệ của các bản làng địa phương thực hiện. Nhạc cụ đặc biệt nhất của người Tày là “đàn tính”, một nhạc cụ dây dài với hộp âm hình bán nguyệt ở cuối. Đến Ba Bể, ở những nhà nghỉ sinh thái của các bản Pác Ngòi, Cốc Tộc và Bó Lù, du khách vừa có thể thỏa thích hít thở bầu không khí trong lành vừa được nghe hát then, nghe tiếng đàn tính của người Tày bản địa – xu hướng phát triển du lịch cộng đồng hiện nay của địa phương.