Trang phục truyền thống – bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc Cô gái Tày và đàn tính trên hồ Ba Bể

Lưu giữ và nhận diện bản sắc

Lướt theo những cung đường lượn sóng như thơ, qua Chợ Rã, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Pắc Nặm… bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể bắt gặp người dân Bắc Kạn diện trang phục truyền thống của dân tộc mình. Điều đó cho thấy sự phong phú, bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.

Tỉnh Bắc Kạn có 34 dân tộc thiểu số sinh sống trong đó người Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Hoa có tỷ lệ cao hơn cả. Trang phục truyền thống được họ khoác lên người trong sinh hoạt hàng ngày, trong lễ hội và là niềm tự hào khi lưu truyền được vốn quý báu của cha ông để lại.

Đây là kết quả của Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh. Cuộc khảo sát, kiểm kê, đánh giá trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Mông, Dao tại 63 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố cho thấy đồng bào nơi đây rất ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo mang tính nhận diện dân tộc mình.

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc Du khách chụp ảnh, check-in tại vườn đào trên đỉnh Đèo Gió (Ngân Sơn, Bắc Kạn)

Kết quả kiểm kê cho thấy, tại xã Cao Sơn (Bạch Thông) người dân ở đây sử dụng trang phục dân tộc Nùng trong sinh hoạt thường ngày. Tự hào về bản sắc dân tộc, học sinh các trường Tiểu học và Trung học còn mặc trang phục truyền thống làm đồng phục. Các địa phương khác như Xuân Dương, Dương Sơn (Na Rì), Thượng Giáo (Ba Bể) và Đức Vân (Ngân Sơn) người dân mặc vào những dịp lễ tết, ngày hội văn hóa các dân tộc, ngày hội đại đoàn kết…

Người Sán Chay (Sán Chỉ) ở xã Bộc Bố (Pác Nặm) mặc trang phục dân tộc khá thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày, đi chợ phiên và đặc biệt ở các sự kiện quan trọng như lễ, tết, các dịp sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương. Người Dao ở các xã Bình Trung, Ngọc Phái, Xuân Lạc (Chợ Đồn); Đổng Xá (Na Rì) cũng thường xuyên mặc trang phục dân tộc mình.

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc

Đã hơn 20 năm nay, bà Sằm Thị So (ở thôn Nà Cà, xã Mỹ Thanh, Bạch Thông, Bắc Kạn) gắn bó với nghề may trang phục truyền thống cho đồng bào Dao Đỏ

Gửi tâm tình trong từng đường may

Tại Bắc Kạn, người Tày sinh sống đông đúc và rất đáng quý là đồng bào Tày vẫn còn được bảo tồn, duy trì và sử dụng trang phục truyền thống thường xuyên trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày. Điển hình là các xã: Bình Văn (Chợ Mới); Cường Lợi, Xuân Dương, Trần Phú (Na Rì); Nam Mẫu, Khang Ninh (Ba Bể); Bằng Vân, Đức Vân (Ngân Sơn).

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, huyện Ngân Sơn còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó phải kể đến trang phục truyền thống. Trang phục dân tộc Tày tại huyện Ngân Sơn không sặc sỡ như trang phục của một số dân tộc khác nhưng nét đẹp toát ra sự đơn giản mà vẫn mang đặc trưng riêng. Bộ đồ chàm Tày Ngân Sơn được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí.

Trong đó, y phục của thiếu nữ người Tày gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Chiếc quần vải chàm cũng do người phụ nữ Tày tự khâu lấy. Tại một số địa phương của Ngân Sơn, trong ngày cưới cô dâu chú rể vẫn lựa chọn trang phục áo chàm để diện trong ngày trọng đại của mình, điều đó cho thấy các bạn trẻ vẫn luôn trân trọng, tôn vinh bản sắc độc đáo của dân tộc mình.

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc

Hoa đào, hoa mận nở rộ mỗi dịp Tết đến, xuân về trên đỉnh Đèo Gió, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn

Đối lập với dân tộc Tày, trang phục của người phụ nữ dân tộc Mông ở huyện Ngân Sơn luôn rất sặc sỡ nên để hoàn chỉnh một bộ váy áo thì mất rất nhiều thời gian và công sức của các bà, các mẹ, các chị và những người thợ.

Bộ quần áo của phụ nữ dân tộc Mông gồm có khăn quấn đầu, khăn len (cũng là khăn đội đầu) được dệt bằng tay, váy, yếm được thêu bằng tay. Bộ trang phục được đính những hạt cườm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Riêng may phần thô thì một bộ quần áo đã mất 2 – 3 ngày, còn phần thêu thì 2 tuần. Bộ nào cầu kỳ thì cũng đến 1 tháng.

Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông thiên về màu sắc. Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác.

Chính vì vậy, ở Ngân Sơn, người phụ nữ giỏi thêu thùa được cả cộng đồng đề cao, coi trọng. Trước khi đi làm dâu, cô gái người Mông được mẹ tặng cho bộ váy áo như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái phải chuẩn bị bộ váy áo đẹp tặng mẹ đẻ và mẹ chồng.

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc

Trích đoạn lễ cấp sắc của người Dao Tiền huyện Bạch Thông

Phụ nữ người Dao Tiền tại Ngân Sơn cũng nổi tiếng là khéo tay và có ý thức trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Đến các bản người Dao Tiền ở các xã Đức Vân, Bằng Vân, Thượng Ân, Cốc Đán, Vân Tùng… chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ miệt mài tự tay làm ra những bộ quần áo mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Được mẹ dạy cầm kim từ nhỏ, tập may, thêu đường nét cơ bản rồi độ khó tăng dần, đến khoảng 15 tuổi cô gái Dao Tiền có thể thành thạo để tự làm cho mình chiếc váy hay chiếc khăn vấn đầu…

Để làm được một bộ quần áo truyền thống phải mất hơn 3 tháng bởi hầu hết phải làm thủ công, từ vắt sổ đến thêu các họa tiết trang trí nhưng không ai nản lòng. Từng đường kim, mũi chỉ đều tăm tắp, những họa tiết đường chỉ trắng, xanh, đỏ, hồng, vàng nổi bật trên màu chàm làm nên nét đặc trưng trang phục của người Dao Tiền.

Người Dao Tiền mặc trang phục dân tộc mình không chỉ trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi mà còn trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt trong lễ cấp sắc dành cho con trai thì bộ trang phục này cũng góp phần làm nên nét độc đáo đặc trưng khiến người Dao Tiền tự hào. Do đó, việc may, thêu váy, áo… sẽ theo những người phụ nữ Dao Tiền suốt cuộc đời.

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc Trang phục dân tộc Dao ở Bắc Kạn

Nâng cao ý thức và niềm tự hào

Trang phục của các dân tộc thiểu số với màu sắc, hoa văn, họa tiết, kiểu dáng riêng, thể hiện sắc thái văn hóa, bản sắc của dân tộc đó. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc trang phục truyền thống cũng như chữ viết, tiếng nói, âm nhạc… của các dân tộc thiểu số là góp phần phát triển bền vững văn hóa, tạo nên sự đa dạng cho văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Để có được kết quả đáng tự hào trên, trong suốt 2 năm triển khai Đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn đã nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động. Trong đó, việc tuyên truyền, trình diễn trang phục truyền thống lồng ghép trong chương trình văn nghệ chào mừng của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những biện pháp tích cực để trang phục truyền thống dân tộc được lưu giữ, duy trì trong sinh hoạt thường ngày như một phần của cuộc sống đồng bào.

Theo kết quả kiểm kê, với người Mông, ngoài việc một số địa phương duy trì sử dụng trong đám cưới thì đa phần đều mặc quần áo bình thường như người Kinh. Điều đó cho thấy vẫn còn một số dân tộc, một vài địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thực sự chú ý tới vấn đề này.

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc Hoa đào, mận nở rộ dịp Tết

Nói như ông Đinh Xuân Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc): Nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, ngày hội, ngày tết, khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt bình thường. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của mình trước đám đông đặc biệt là những thanh niên học tập ở các đô thị. Nhiều bạn trẻ, kể cả trong các lễ hội của dân tộc mình cũng không chịu sử dụng trang phục truyền thống nữa.

Vì thế, dù công tác bảo tồn lưu giữ trang phục truyền thống dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Chương, thời gian tới tỉnh sẽ có nhiều phương án để quyết tâm gìn giữ nét độc đáo của địa phương mình.

Đó là: Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để người dân trên địa bàn tỉnh luôn nhận thức được việc bảo tồn phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình là việc làm cần thiết.

Trang phục truyền thống - bản sắc văn hóa độc đáo của núi rừng Đông Bắc Hồ Ba Bể

Nhà nước cần có chính sách, biện pháp khôi phục và bảo tồn nghề dệt, may gắn với việc khôi phục các làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch. Ban hành các quy định, khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống vào các ngày đầu tuần, ngày lễ; Tổ chức dạy nghề cắt, may trang phục truyền thống cho học sinh. Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng như biểu diễn văn nghệ dân gian, trình diễn trang phục dân tộc, hoạt động lễ hội…

Quan trọng nhất là làm thế nào để tác động, giúp người dân nhận biết và tự hào về nét đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình, từ đó họ sẽ có ý thức duy trì sử dụng thường xuyên. Có như thế thì trang phục cũng như văn hóa truyền thống mới được gìn giữ và phát huy một cách bền vững.

Tin rằng, với sự quyết tâm và nhiều biện pháp triển khai, tỉnh Bắc Kạn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong việc đưa trang phục truyền thống trở lại sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, bảo tồn, phát triển văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Xổ số miền Bắc