Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt

Trong các dòng tranh dân gian ở Việt Nam, tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Nơi đây có một vùng đất trù phú, nông nghiệp phát triển, đời sống văn hóa cao… tất cả tạo thành cái nôi cho một dòng tranh chân quê, mang trong mình những nét tinh túy riêng với những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Tranh Đông Hồ được in từ ván khắc gỗ Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Sản phẩm sáng tạo của Tranh Đông Hồ

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh, một người nổi tiếng của dòng tranh dân gian Đông Hồ chia sẻ: Tranh Đông Hồ thường là tranh Tết, là thú vui tao nhã, một phong tục đẹp của người Việt Nam xưa, nay, đặc biệt ở các vùng đồng bằng Bắc bộ. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, các gia đình dù giàu hay nghèo, ngoài bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành cũng không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh Tết. Những bức tranh dân gian Đông Hồ màu sắc tươi tắn được dán lên tường nhà làm không khí thêm phần rộn rã, ấm cúng. Tranh Tết Đông Hồ không phải là sự minh họa về ngày Tết mà thông qua nội dung của các bức tranh này là sự gửi gắm, là lời chúc phúc cho những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới phát tài, phát lộc bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn.

Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Gian hàng tranh Đông Hồ phục vụ nhu cầu chơi tranh ngày Tết Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Tranh Đông Hồ phản ánh những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn

Với sự phong phú, đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu hết những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như: Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật, Đánh ghen… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn… Cái hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ là không chỉ đề cập cuộc sống: Thóc đầy bồ, gà đầy sân, ước mong vinh hoa phú quý mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.

Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Tác phẩm vinh quy bái tổ

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, dòng tranh Đông Hồ có nội dung và hình thức biểu đạt rất phong phú, chủ yếu đi sâu miêu tả tính chân thực cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường trong mối quan hệ giữa người với người và giữa người với thiên nhiên thể hiện tính nhân quả cầu an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Tính triết lý của tranh Đông Hồ rất sâu sắc vừa vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh vừa sâu cay nửa hư nửa thực mang tính trừu tượng. Tranh dân gian Đông Hồ càng xem càng cảm nhận thấy ý nghĩa văn hóa sâu sắc, chứa đựng những ẩn ý, nhắc nhở, răn dạy chi tiết, đầy đủ về mọi sự đúng sai, phải trái ở đời, mang đậm một cái nhìn lạc quan, trìu mến và tha thiết đối với cuộc sống.

Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Tranh vừa vui tươi dí dỏm lại hóm hỉnh Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Có khi lại sâu cay với nhiều ý nghĩa lắng đọng

Trước đây, một cái Tết cổ truyền đầy đủ, không thể nào thiếu vắng tranh Đông Hồ với những nét vẽ giản dị nhưng lại mang những hàm ý sâu xa. Ngoài tô điểm cho không gian gia đình, tranh dân gian Đông Hồ còn được chọn làm quà tặng cho người thân, bạn bè vào dịp Tết. Người ta tặng quà cho nhau bằng tranh, theo nội dung mà họ đã định từ trước phù hợp với hoàn cảnh tình cảm của người được trao tặng để trang trí trong ngày Xuân, mong sao “mọi việc như ý” cho một năm mới tốt lành. Đó là nét đẹp văn hóa trong tranh dân gian Đông Hồ mà có lẽ người Việt Nam mới có.

Tranh Đông Hồ- Thú vui tao nhã ngày Tết của người Việt Tranh Đông Hồ vẫn còn sức hút đặc biệt với những người lớn tuổi

Trong cuộc sống hiện đại, vị thế của tranh Đông Hồ đã mai một ít nhiều. Nhưng tranh Đông Hồ vẫn hiện diện trong ngày Tết của nhiều gia đình. Với họ, tranh Đông Hồ vẫn còn nguyên giá trị và có sức hút đặc biệt bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hóa người Việt.