Tránh để thiết bị dạy học điện tử lấn át vai trò người thầy

PHAN DUY NGHĨA

  –  

Thứ hai, 05/12/2022 15:10 (GMT+7)

Thiết bị dạy học điện tử chỉ nên được xem là phương tiện hỗ trợ, giúp giáo viên chuyển tải tới học sinh những thông tin mà phấn trắng, bảng đen và các phương tiện dạy học truyền thống khác không làm được.

Tránh để thiết bị dạy học điện tử lấn át vai trò người thầyGiáo viên Trường tiểu học Đức Thuận – Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thi viết chữ đẹp và trình bày bảng. Ảnh: La Giang

Lạm dụng thiết bị dạy học điện tử

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường tiểu học trang bị các thiết bị dạy học điện tử như: bảng điện tử thông minh, Smart TV, máy chiếu… làm phương tiện để tổ chức dạy học. Các thiết bị dạy học này đã góp phần giúp giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, làm cho các giờ học trở nên sinh động và hấp dẫn.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại quá lạm dụng nó, thoát li hoàn toàn với phấn trắng, bảng đen, làm mất đi vai trò quan trọng của người thầy; các thao tác trực quan của giáo viên như: Viết chữ mẫu, đặt tính, vẽ mẫu… được trình chiếu bởi các phần mềm; nội dung dạy học, ngữ liệu trong sách giáo khoa được trình chiếu hoàn toàn lên màn hình, học sinh thoát li sách giáo khoa. Điều này làm cho chất lượng giờ học kém hiệu quả, thậm chí là phản giáo dục.

Qua dự giờ thăm lớp, chúng tôi nhận thấy có nhiều em học sinh tiểu học khi viết chữ “m” đã nhấc bút lên 3 lần, nhiều em không biết đặt tính và tính những phép tính vừa học xong, không nắm được những kiến thức trọng tâm của bài,… Nguyên nhân là khi hướng dẫn học sinh tập viết, giáo viên đã trình chiếu cách viết chữ theo phần mềm, theo đó để viết chữ “m”, phần mềm (biểu tượng chiếc bút) đã nhấc bút lên 3 lần; giáo viên trình chiếu sẵn cách đặt tính cho bài toán; không có điểm tựa để học sinh ghi nhớ; giáo viên trình chiếu cho học sinh quá nhiều thông tin, hình ảnh, số liệu khiến cho học sinh bị “quá tải” với những gì nghe và nhìn thấy.

Thời gian lẽ ra phải dành để học sinh suy nghĩ, tư duy, thảo luận nhóm thì chủ yếu chỉ để sử dụng cho việc nghe và quan sát.

Cần phát huy vai trò của người thầy

Lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, tư duy của các em là “tư duy cụ thể”, nghĩa là các em phải dựa vào các đồ vật, hiện tượng thật, hành động trực tiếp trên các đồ vật thật để làm chỗ dựa, điểm xuất phát cho các hành động trong óc. Mặt khác, ở lứa tuổi này để hình thành kĩ năng các em cần phải được làm mẫu, tập luyện (tập viết, tập đọc, tập tính toán,…) nên các sản phẩm mẫu của giáo viên như lời nói, hành động, chữ viết,… là điểm tựa để các em bắt chước và làm theo.

Vì vậy trong quá trình dạy học, giáo viên tiểu học cần phát huy phương pháp trực quan bằng việc sử dụng các đồ vật thật, lời nói, thao tác, chữ viết mẫu của mình để các em được hành động trực tiếp, bắt chước và làm theo.

Việc sử dụng các thiết bị dạy học điện tử vào dạy học ở tiểu học, cần có sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng đơn vị trường học như: năng lực tiếp thu của học sinh, khả năng sử dụng phương tiện dạy học điện tử của giáo viên, đặc thù từng môn học…Tránh việc lạm dụng quá mức, ỷ lại vào sự tiện dụng của các phương tiện dạy học điện tử mà xem nhẹ vai trò của người thầy.

Thiết bị dạy học điện tử chỉ nên được xem là phương tiện hỗ trợ, giúp giáo viên chuyển tải tới học sinh những thông tin mà phấn trắng, bảng đen và các phương tiện dạy học truyền thống khác không làm được.

Xổ số miền Bắc