Trầu cau – nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết
(BNP) – Từ lâu, hình ảnh trầu cau đã in đậm trong đời sống văn hóa của người Việt Nam. Trầu cau không chỉ được dùng để tiếp khách hàng ngày, trong lễ cưới, hỏi, trong mỗi cuộc vui, buồn của làng quê, là vật tế trong các lễ tế thần, gia tiên, hội làng, mừng thọ; xuân đến, tết về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng.
Trầu cau từ xưa đã tượng trưng cho tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình gắn bó keo sơn, để rồi “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “nét duyên” mở đầu mọi việc lớn nhỏ trong mỗi gia đình, mỗi đời người.
Đặc biệt, trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết, trong mỗi gia đình không phân biệt sang hèn, ở thành thị hay nông thôn, không thể thiếu lá trầu quả cau…
Theo bà Đỗ Thị Năm, bán trầu cau lâu năm ở chợ Nhớn, thành phố Bắc Ninh, cau đẹp để thắp hương có kích cỡ vừa phải, quả tròn, đều, bóng, không nhị nhám, nhất là không già hoặc non quá và có nhiều râu…
Chọn lá trầu không để thắp hương phải xanh lá, tươi, bề mặt không bị nhám, thuôn hình trái tim và còn nguyên cuống…
Không chỉ người già, các bạn trẻ cũng khá tinh tế khi lựa chọn quả cau, lá trầu đẹp về thắp hương trong dịp Tết.
Cùng với mâm cơm cúng tổ tiên, lá trầu quả cau, khẩu vỏ thắp hương trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc trở thành nét đẹp văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam.