Triển lãm “Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình” | Xã hội | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Triển lãm “Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình”
Chiều 21/11, tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Khai mạc triển lãm chuyên đề “Văn hóa Hòa Bình trên đất Hòa Bình” Chào mừng kỷ niệm 90 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình (1932 – 2022) .
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Tại Lễ khai mạc, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm nhấn mạnh: Hòa Bình là một vùng đất cổ có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Trong thời tiền sử, khi khu vực đồng bằng ở miền Bắc vẫn còn trong môi trường biển hay đầm lầy, vùng cao nguyên của Hòa Bình đã trở thành một trong những trung tâm dân cư quan trọng với sự hiện diện của một đại diện văn hóa tiền sử nổi tiếng của Đông Nam Á – Văn hóa Hòa Bình.
Người có công đầu trong việc phát hiện, nghiên cứu “Văn hóa Hòa Bình” là nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani. Qua đó “Văn hóa Hòa Bình” không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở khu vực Đông Nam Á.
Tại Việt Nam đã tìm thấy trên 130 địa điểm thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, trong đó riêng tỉnh Hòa Bình có 82 địa điểm đã được phát hiện và nghiên cứu. Năm 1932, tại hội nghị Tiền sử Viễn Đông họp ở Hà Nội, “Văn hóa Hòa Bình” đã được các nhà khảo cổ thế giới công nhận. Hội nghị đã thông qua và thống nhất lấy thuật ngữ “Văn hóa Hòa Bình” do bà Madeleine Colani đưa ra đặt tên cho nền văn hóa này. Tại tỉnh Hòa Bình, di tích Văn hóa Hòa Bình có mặt ở hầu hết các huyện và thành phố.
Trong năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép khai quật khảo cổ tại hai điểm di tích khảo cổ quốc gia là Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú và Hang xóm Trại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, qua báo cáo sơ bộ đợt khai quật lần này đã phát hiện được hàng nghìn hiện vật, đặc trưng vẫn là hiện vật đồ đá, đồ xương và đồ gốm, trong đó nhiều nhất vẫn là hiện vật công cụ cuội ghè định hình, mảnh tước, cuội nguyên liệu và lõi hạch.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN
Triển lãm trưng bày gần 1.000 hiện vật, 100 ảnh tài liệu về Văn hóa Hòa Bình được chia thành các không gian như: Nữ khảo cổ học người Pháp Madelein Colani – người phát hiện và đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình”; phân bố và đặc điểm cư dân nền “Văn hóa Hòa Bình” trên thế giới; các giai đoạn phát triển của nền “Văn hóa Hòa Bình”; Văn hóa thời đại đá trên đất Hòa Bình.
Triển lãm sẽ giúp các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh Hòa Bình có cái nhìn sâu hơn, rõ hơn về văn hóa khảo cổ, nền “Văn hóa Hòa Bình” đã được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Dự kiến triển lãm kéo dài đến hết 15/12/2022.
Lưu Trọng Đạt