Triển vọng cổ phiếu Vinamilk
Sau khi tụt về vùng đáy 64.000 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 3/2020, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã phát tín hiệu hồi phục. Tuy nhiên sức bật lại không được như kỳ vọng khi suốt 2 tháng nay, mã chỉ lình xình ở vùng 70.000 đồng.
VNM kết phiên 12/8 ở mức giá 71.900 đồng. Từ 21/6 đến nay, thị trường chung đi lên giúp nhiều mã phục hồi mạnh sau khi giảm về mức giá hấp dẫn. Tuy nhiên giai đoạn này, cổ phiếu của Vinamilk lại “giậm chân tại chỗ” khiến nhà đầu tư không khỏi hụt hẫng.
Trong báo cáo cập nhật về cổ phiếu Vinamilk mới đây, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI cho rằng, con đường phục hồi của VNM còn khá chông gai. Nhận định này trên cơ sở triển vọng ngành sữa và tình hình kinh doanh doanh nghiệp.
Theo AC Nielsen, tiêu thụ sữa tăng nhẹ 2,5% so với cùng kỳ trong quý 2/2022, sau khi không tăng trưởng trong quý 1. Trong các mặt hàng FMCG (tiêu dùng nhanh), sữa liên tục cho thấy mức tăng trưởng yếu hơn so với các mặt hàng khác. Thị trường nông thôn ghi nhận tăng trưởng dương, trong khi thị trường thành thị đã phải trải qua sự suy giảm nhẹ trong quý 2/2022.
Trong quý 2/2022, VNM đạt 14.900 tỷ đồng doanh thu (giảm 5% so với cùng kỳ) và 2.100 tỷ đồng lợi nhuận (giảm 26,6% so với cùng kỳ).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, công ty đạt 28.800 tỷ đồng doanh thu (đi ngang so với cùng kỳ) và 4.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước).
Như vậy, VNM đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm. Ban lãnh đạo cho biết VNM có khả năng không hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm nay.
SSI nhận xét kết quả kinh doanh quý 2 của VNM không như SSI đã kỳ vọng trong bối cảnh Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ giữa tháng 3 năm 2022. Thậm chí, doanh thu nội địa của VNM đã giảm 7% so với cùng kỳ.
Công ty cho rằng sự sụt giảm này là do những lo ngại về lạm phát cao đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và các sáng kiến tái cơ cấu kênh thương mại truyền thống được công ty triển khai từ tháng 4 đến tháng 5/2022 ảnh hưởng ngắn hạn đến doanh thu.
Với mức sụt giảm doanh thu là 7%, Vinamilk đã tụt lại so với toàn ngành trong quý 2/2022. Nhiều khả năng VNM tạm thời đã bị giảm thị phần trong quý. Ban lãnh đạo xác nhận sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ (bao gồm cả thương hiệu trong nước và nhập khẩu) đã khiến VNM giảm doanh thu từ đầu năm tới nay và giảm ở hầu hết các danh mục sản phẩm, ngoại trừ sữa đặc.
MCM (Mộc Châu Milk) ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn công ty mẹ, khi doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 6,2% và 3,4%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, MCM đạt 1.500 tỷ đồng doanh thu (tăng 7,3% so với cùng kỳ 2021) và 175 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 27,7% so với cùng kỳ). Đáng chú ý, MCM cũng đã tăng giá bán bình quân 2-5% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2022.
Kinh doanh có thể khả quan hơn trong năm tới
Thị trường xuất khẩu của VNM cũng suy yếu khi doanh thu chỉ đạt 1.400 tỷ đồng trong quý 2, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Theo công ty, lạm phát cao và chi phí vận chuyển cao là nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm sút.
Ngược lại, doanh thu của Driftwood và Angkor (2 công ty con của Vinamilk tại Mỹ và Campuchia) lần lượt tăng 40% và 20% so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ chưa thể hồi phục trong nửa cuối năm 2022, trong khi các công ty con ở nước ngoài có thể sẽ duy trì được đà tăng trưởng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý 2 của VNM đạt 40,7%, cải thiện nhẹ so với mức 40,5% của quý 1. Đáng chú ý, công ty đã tăng giá bán bình quân khoảng 5,5% trong nửa đầu năm 2022, và điều này sẽ tác động đến tỷ suất lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn giảm 300 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ. Nguyên liệu đầu vào về cơ bản đã được công ty chốt hợp đồng đến tháng 10 năm nay, và ban lãnh đạo kỳ vọng VNM có thể bắt đầu tận dụng được xu hướng giảm giá của sữa bột từ quý 4/2022.
Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 4% so với cùng kỳ, dù doanh thu giảm và chiếm đến 22,2% doanh thu do chi phí vận chuyển cao và tăng hỗ trợ nhà phân phối. Theo ban lãnh đạo, trong giai đoạn tiêu thụ thị trường còn khá yếu, VNM ưu tiên đẩy mạnh các chi phí liên quan đến bán hàng, chẳng hạn như chi phí hỗ trợ nhà phân phối để bảo vệ thị phần và thúc đẩy doanh số bán hàng. Chiến lược này cần kiểm định kết quả trong những quý tới.
Trước bối cảnh như trên, SSI điều chỉnh giảm dự báo về kết quả kinh doanh của VNM cho năm 2022 và 2023.
Trong ước tính mới, lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 11,6% vào năm 2022 trước khi tăng 11% trong năm tới. Năm 2023, tình hình có thể sẽ khả quan hơn, với kỳ vọng tăng trưởng doanh thu đạt 7,8% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi nhuận tăng lên. Còn tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2022 có thể đạt 8,2%, trong khi lợi nhuận sau thuế đi ngang so với cùng kỳ.
Về cổ phiếu VNM, SSI cho rằng quý 2 có thể là mức đáy nếu xem xét đến mức độ sụt giảm lợi nhuận. Về ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể phản ứng tích cực với xu hướng sữa bột giảm giá. Đặc biệt, nhà đầu tư cần quan sát xem liệu tăng trưởng doanh thu thị trường nội địa những tháng tới của nửa cuối năm 2022 có tiếp tục khả quan như tháng 7 hay không.
Trước đó, trong báo cáo ngày 29/6, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC (HSBC Global Research) lựa chọn cổ phiếu VNM của Vinamilk vào danh sách 5 cổ phiếu đáng quan tâm nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn hiện nay.
Nhận định này dựa trên kỳ vọng Vinamilk sẽ hưởng lợi khi mặt bằng giá cả hàng hóa đang bước vào giai đoạn ổn định.
Thực tế thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất nói chung và Vinamilk chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các vấn đề về kinh tế, chính trị thế giới. Vì vậy, việc giá nguyên liệu bước vào giai đoạn điều chỉnh sẽ là tín hiệu tích cực góp phần cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp từ quý 3/2022.