Trình độ chuyên môn là gì? Cách ghi trình độ chuyên môn trong hồ sơ – JobsGO Blog

Đánh giá post

Trình độ chuyên môn là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới lợi thế cùng khả năng cạnh tranh của các ứng viên khi xin việc. Vậy trình độ chuyên môn là gì? Cần lưu ý điều gì khi viết trình độ chuyên môn trong CV? Tất cả những thắc mắc này sẽ được JobsGO giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Trình độ chuyên môn là gì?

Trình độ chuyên môn tiếng Anh là gì? Trình độ chuyên môn (hay trình độ đào tạo) trong tiếng Anh được viết là Professional Qualification. Đây là thuật ngữ được sử dụng để chỉ năng lực, khả năng của bản thân về một lĩnh vực chuyên biệt nào đó chẳng hạn như giáo viên, kiến trúc sư,…

Trình độ chuyên môn không đơn giản là những kiến thức mà bạn tiếp thu trong quá trình đào tạo mà nó còn là khả năng vận dụng các kiến thức đó vào làm việc thực tế. Bởi vậy, mỗi một ngành nghề sẽ có những yêu cầu nhất định về trình độ chuyên môn.

Để có thể làm công việc yêu thích thì bạn cần học tập kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực cụ thể, nó được dùng để mô tả khả năng hoặc năng lực cá nhân về một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Phân loại trình độ chuyên môn

Trình độ chuyên môn được chia thành nhiều cấp bậc: Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp,…

Trình độ chuyên môn Tiến sĩ

Khái niệm này được sử dụng để chỉ khả năng, năng lực của người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo Tiến sĩ. Người có trình độ Tiến sĩ phải có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng. Người đó phải có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển tri thức mới, phát hiện nguyên lý, quy luật tự nhiên – xã hội và giải quyết những vấn đề mới về khoa học, công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.

Trình độ chuyên môn Thạc sĩ

Trình độ chuyên môn Thạc sĩ được sử dụng để chỉ năng lực của người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ. Thạc sĩ phải có kỹ năng hoàn thành các công việc phức tạp, không thường xuyên xảy ra, không có tính quy luật và khó dự báo. Họ cũng phải có kỹ năng nghiên cứu độc lập để phát triển, thử nghiệm những giải pháp mới, phát triển các công nghệ mới.

Trình độ chuyên môn Cử nhân

Khái niệm này được sử dụng để nói về năng lực của những người đã tốt nghiệp Đại học. Cử nhân cần có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực được đào tạo, có kiến thức thực tế để giải quyết các công việc phức tạp. Ngoài ra, họ còn cần tích lũy được kiến thức nền tảng về tổ chức quản lý, điều hành nhằm giám sát và kiểm soát các vấn đề liên quan. Cử nhân cũng cần có khả năng tự nghiên cứu, phát triển kiến thức mới và tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.

Trình độ chuyên môn Kỹ sư

Trình độ chuyên môn Kỹ sư được sử dụng để nói về năng lực của những người đã qua đào tạo chuyên môn về ngành kỹ thuật; chẳng hạn như kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư môi trường,… Các kỹ sư ở chuyên ngành khác nhau có vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Nhưng nhìn chung họ phải có năng lực nghiên cứu phân tích về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của một dự án; đồng thời thiết lập phương án kỹ thuật theo nghiệp vụ của mình.

Trình độ chuyên môn Cao đẳng

Từ này được áp dụng cho những người đã tốt nghiệp Cao đẳng. Người có trình độ chuyên môn Cao đẳng có kiến thức, lý thuyết rộng về một ngành cụ thể. Người đó có khả năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giải quyết vấn đề tương đối phức tạp. Họ có thể làm việc trong môi trường làm việc thay đổi, có kỹ năng quản lý, giám sát cơ bản.

Trình độ chuyên môn Trung cấp

Trình độ chuyên môn Trung cấp được sử dụng để nói về năng lực của những người tham gia chương trình nghề tại các trường Trung cấp trên cả nước. Người lao động có trình độ Trung cấp nắm được kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và có khả năng hoàn thành công việc được giao một cách độc lập.

Trình độ chuyên môn Sơ cấp

Sơ cấp là trình độ chuyên môn của những người tham gia khóa đào tạo nghề (thường liên quan đến kỹ thuật) trong thời gian ngắn (3 – 6 tháng). Những người có trình độ chuyên môn Sơ cấp thường vừa học, vừa thực hành để có thể nhanh chóng nắm được thao tác cơ bản. Sau khi hoàn thành khóa học, người đó có thể thành thạo thao tác công việc, tuy nhiên ít có khả năng sáng tạo, thường phải làm việc dưới sự quản lý, giám sát của người có trình độ chuyên môn cao hơn.

Yếu tố đo lường trình độ chuyên môn

Hiện nay, có rất nhiều cách để đo lường trình độ chuyên môn và người ta sẽ thường dựa trên các yếu tố sau:

Kỹ năng và kiến thức liên quan

Kiến thức, kỹ năng là tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ của cá nhân xét trên 1 phương diện chuyên môn nào đó. Chẳng hạn như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên sẽ là hệ thống những yêu cầu liên quan tới năng lực nghề nghiệp của mỗi giáo viên tương ứng với từng bậc trình độ đào tạo.

Kỹ năng bổ trợ kèm theo

Bên cạnh những kiến thức và kỹ năng cơ bản thì bạn cần trang bị cho bản thân những kỹ năng bổ trợ cho công việc như tin học văn phòng, phần mềm sử dụng, ngoại ngữ,…. Ngoài ra, mỗi một ngành nghề sẽ có 1 yêu cầu cụ thể khác nhau.

Sức khỏe nghề nghiệp

Có thể nhiều bạn sẽ bỏ qua yếu tố này, nhưng lại có rất nhiều công việc yêu cầu người làm cần có sức khỏe tốt bên cạnh những kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Điển hình như các lĩnh vực như phi công, tiếp viên hàng không,…

Cách ghi trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch

Với mục trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch, bạn cần ghi trình độ chuyên ngành cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai.

Cấu trúc ghi như sau:

Trình độ + Ngành/Chuyên ngành được đào tạo

Trong đó, trình độ gồm: Tiến sĩ, Thạc sĩ, cử nhân, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp,…

Chẳng hạn:

  • Kỹ sư cầu đường: áp dụng cho người tốt nghiệp Đại học ngành Kỹ thuật cầu đường.
  • Cử nhân Luật: áp dụng cho người tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Luật.
  • Tiến sĩ Văn học Việt Nam: áp dụng cho người tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ Văn học Việt Nam.
  • Cao đẳng ngành kỹ thuật cơ khí: áp dụng với những người đã tốt nghiệp Cao đẳng ngành cơ khí.

Những lưu ý khi viết trình độ chuyên môn

Khi viết trình độ chuyên môn trong sơ yếu lý lịch, bạn cần lưu ý những điều sau để tạo ấn tượng tốt với Nhà tuyển dụng:

  • Cung cấp thông tin chính xác: Nếu bạn chưa tốt nghiệp Đại học, đừng tự nhận là Cử nhân, vì điều đó có thể khiến Nhà tuyển dụng hiểu sai về năng lực của bạn. Và sau đó, nếu bị phát hiện, bạn sẽ trở thành một kẻ “nói dối” trong mắt đối phương.
  • Viết ngắn gọn, đúng chính tả: Khi cung cấp thông tin trình độ chuyên môn, bạn không cần trình bày dài dòng “tôi đã tốt nghiệp Đại học, chuyên ngành Quản trị kinh doanh“, bạn chỉ cần viết ngắn gọn “Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh” là đủ. Và bạn cũng cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề chính tả nhé. Đừng biến mình thành một người thiếu cẩn thận trong suy nghĩ của Nhà tuyển dụng.
  • Tránh nhầm lẫn giữa trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn: Thật tệ khi một người đã tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học nhưng vẫn nhầm lẫn trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn. Khi bạn nhầm lẫn 2 khái niệm này, Nhà tuyển dụng có thể nghỉ ngờ về kiến thức, năng lực của bạn.

Phân biệt trình độ chuyên môn với trình độ văn hóa

Trình độ chuyên môn và trình độ văn hóa là hai khái niệm khác nhau. Bạn hãy theo dõi bảng dưới đây để hiểu hiểu rõ hơn về 2 khái niệm này nhé!

Trình độ chuyên môn
Trình độ văn hóa (xét nghĩa trong sơ yếu lý lịch)
Khái niệm
Trình độ chuyên ngành cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai.
Cấp độ học tập theo bậc học phổ thông.

Cách viết trong sơ yếu lý lịch

  • Cử nhân tâm lý học
  • Thạc sĩ kinh tế
  • Kỹ sư xây dựng
  • v.v…
  • 12/12 (áp dụng với những người đã tốt nghiệp THPT trở lên).
  • 10/12 (với những người đã hoàn thành chương trình lớp 10, đang/chưa/không theo học chương trình lớp 11).
  • 9/12 (với những người tốt nghiệp THCS và không/chưa học THPT).
  • v.v…

Lưu ý: Hiện đang có nhiều tranh cãi về khái niệm trình độ văn hóa. Theo đó, nhiều người cho rằng, việc đánh đồng khái niệm trình độ văn hóa với cấp độ học tập theo bậc THPT là không chính xác. Họ nhấn mạnh, văn hóa là khái niệm rộng và phức tạp. Theo đó, văn hóa bao gồm cả trình độ phát triển vật chất và tinh thần của một cá nhân, một nhóm người, một xã hội, trong đó chứa đựng cả cách sống, lối sống.

Còn trình độ giáo dục phổ thông là trình độ mỗi người tiếp thu kiến thức trong quá trình học tập ở các bậc học. Người có trình độ học vấn cao chưa hẳn có trình độ văn hóa cao. Ngược lại, người có trình độ học vấn thấp, nhưng ứng xử chuẩn mực vẫn được coi là có văn hóa. Vì vậy, nhiều người cho rằng, cần thay cụm từ trình độ văn hóa trong sơ yếu thành một cụm từ khác. Chẳng hạn như: trình độ học vấn hoặc trình độ giáo dục phổ thông.

Xem thêm: Phân biệt trình độ văn hóa và trình độ học vấn

Kết luận

Bạn đã hiểu rõ “trình độ chuyên môn là gì?” và sự khác biệt giữa trình độ chuyên môn và trình độ văn hóa rồi đúng không? Hãy ghi nhớ những thông tin JobsGO cung cấp trên đây để cung cấp thông tin chính xác và ghi dấu ấn tốt đẹp trong mắt Nhà tuyển dụng nhé!

(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)

JobsGO BannerJobsGO Banner