Trung Quốc báo cáo 60,000 ca tử vong, trong khi nghiên cứu ước tính 900 triệu ca nhiễm COVID-19
Bà Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, ước tính có khoảng 900 triệu người Trung Quốc bị nhiễm COVID-19 trong đợt bùng phát mới nhất ở nước này, với gần 80% trong số họ phải đối mặt với các triệu chứng nghiêm trọng. Trong khi đó, dưới áp lực từ quốc tế về tính minh bạch và dữ liệu, các quan chức y tế Trung Quốc thừa nhận rằng khoảng 60,000 ca tử vong liên quan đến COVID đã xảy ra tại các bệnh viện trên cả nước trong tháng qua.
Trích dẫn một nghiên cứu gần đây của một nhóm nghiên cứu do giáo sư Mã Kinh Tinh (Ma Jingjing) tại trường Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, hôm 13/01, hãng thông tấn Trung Quốc Economic Observer đã đưa tin rằng tính đến ngày 11/01, 64% trong số 1.4 tỷ dân số Trung Quốc — khoảng 900 triệu người — đã bị nhiễm COVID-19.
Báo cáo này cho biết tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong đợt bùng phát hiện tại xảy ra ở ba tỉnh phía tây Trung Quốc. Tỉnh Cam Túc được xếp hạng cao nhất với khoảng 91% số người bị nhiễm bệnh, tiếp theo là tỉnh Vân Nam với tỷ lệ nhiễm bệnh là 84% và tỉnh Thanh Hải là 80%.
Theo bà Mã, các ước tính mô hình về tỷ lệ lây nhiễm trong nghiên cứu này được thực hiện dựa trên lượng tìm kiếm về các triệu chứng liên quan đến nhiễm COVID-19 trên các nền tảng trực tuyến. Bà cho biết, do thiếu dữ liệu chính thức, các tác giả đã sử dụng số lượt tìm kiếm trực tuyến các triệu chứng như “sốt” và “ho” như một dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm tại địa phương.
Hôm 13/01, nhà bình luận thời sự Trung Quốc Lý Mộc Dương (Li Muyang) trong chương trình trò chuyện của ông trên NTD đã chỉ ra rằng, nghiên cứu này có thể không bao gồm nhiều người Trung Quốc cao niên, vì người già không quen tìm kiếm thông tin trực tuyến. Các ước tính của nghiên cứu này cũng không ghi nhận tỷ lệ tái nhiễm. Ông cho biết con số lây nhiễm thực tế ở Trung Quốc có thể cao hơn 900 triệu.
Mô hình trong báo cáo trên cũng dự đoán rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay trên khắp Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm hôm 20/12/2022. Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng các ca lây nhiễm có thể tiếp tục gia tăng khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến gần.
Mục lục bài viết
Làn sóng COVID chưa đến đỉnh điểm
Theo hãng thông tấn Tài Tân (Caixin) của Trung Quốc đại lục, hôm 08/01, tại “Hội nghị Kết quả Nghiên cứu và Phát triển Vaccine Đa trị Protein Tái tổ hợp của Virus Corona Chủng mới Thần Châu,” ông Tằng Quang (Zeng Guang), cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, cho biết làn sóng COVID mới bắt đầu đạt đến đỉnh điểm ở một số nơi và vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm ở vùng nông thôn Trung Quốc. Ông Tằng ước tính rằng đỉnh điểm của làn sóng COVID sẽ rơi vào khoảng từ tháng Hai đến tháng Ba và thời gian đạt đỉnh của các trường hợp nghiêm trọng sẽ kéo dài hơn.
Ông Tằng bày tỏ lo ngại về tình hình ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, nơi nhiều người Trung Quốc dự kiến sẽ viếng thăm trong kỳ nghỉ năm mới. Ông cho biết có một số lượng lớn người già, trẻ nhỏ, bệnh tật, và tàn tật ở các vùng nông thôn và cơ sở hạ tầng và điều kiện y tế ở đó rất kém.
Ông Trường Văn Hoành (Zhang Wenhong), nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc và là giám đốc Trung tâm Y tế về Bệnh truyền nhiễm Trung Quốc, cho biết trong một bài giảng năm nay rằng tỷ lệ lây nhiễm của làn sóng này là rất cao.
Ông ước tính trong dịp Tết Nguyên Đán vào ngày 23/01, tỷ lệ lây nhiễm toàn quốc có thể lên tới 80%, tức là hơn 1.1 tỷ người sẽ bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng nghiêm trọng
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh đã khảo sát 11,443 bệnh nhân COVID-19 và 76% trong số đó báo cáo rằng các triệu chứng của họ còn tồi tệ hơn cả bệnh cúm.
Báo cáo trên cho biết hầu hết những người nhiễm bệnh được phỏng vấn đều có một hoặc nhiều triệu chứng sốt, ho và khạc đờm, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, thay đổi vị giác và khứu giác, và tiêu chảy. Triệu chứng phổ biến nhất là sốt, với 82% số người được hỏi bị nhiễm bệnh xuất hiện triệu chứng này, trong đó 75% bị sốt cao (38.5 độ C/101.3 độ F trở lên), và 47% bị sốt kéo dài từ ba ngày trở lên.
Có tới 86% người nhiễm bệnh đã sử dụng thuốc hạ sốt.
Hôm 13/01, báo cáo của Đại học Bắc Kinh đã trở thành mục được tìm kiếm nhiều nhất trên các trang web của Trung Quốc, làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi.
“Chẳng phải những người được gọi là chuyên gia trước đây đã nói rằng 90% người nhiễm bệnh không có triệu chứng sao?” một cư dân mạng thắc mắc. “Bây giờ [những chuyên gia đó] hãy xuất hiện và giải thích.”
Một người khác cho biết, “Tôi bị sốt. Toàn thân tôi đau nhức và tôi cảm thấy yếu ớt. Người ta bảo rằng trường hợp của tôi là nhẹ.”
Một bài đăng có nội dung: “Hậu quả của COVID là rất nghiêm trọng. Tôi đã bị nhiễm bệnh cách đây gần một tháng, và hiện giờ tôi vẫn còn yếu, và bị khó thở khi di chuyển xung quanh.”
Các cổng tin tức trực tuyến lớn của Trung Quốc như sina.com đã nhanh chóng xóa các bài viết thảo luận về nghiên cứu này.
Gần 60,000 ca tử vong do COVID-19 trong tháng qua
Hôm 14/01, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cuối cùng đã công bố một báo cáo nêu rõ có 59,938 ca tử vong liên quan đến COVID tại các bệnh viện của Trung Quốc từ ngày 08/12/2022 đến ngày 12/01.
Theo thông báo chính thức trên, con số này là “thông qua phân tích,” chứ không phải là “thống kê”. Con số này chỉ được đưa ra sau sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế, bao gồm cả từ Tổ chức Y tế Thế giới, đối với chế độ cộng sản Trung Quốc vì đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát và sự thiếu minh bạch của chính quyền này.
Thông báo trên ngay lập tức trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên baidu.com, một trang tương đương với Google của Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc vẫn đang đặt câu hỏi về tính chính xác của con số chính thức này.
Một người đăng trên mạng xã hội, “Các bệnh viện đã ghi nhận hơn 50,000 ca tử vong, nhưng có rất nhiều trường hợp tử vong ở thành thị và nông thôn không diễn ra trong quá trình nhập viện và không được ghi nhận!”
Một cư dân mạng khác cho biết: “Có bao nhiêu người đã tử vong ở vùng nông thôn mà không ở trong bệnh viện? Con số này chắc phải gấp nhiều lần số ca tử vong trong bệnh viện.”
Một bài đăng viết rằng: “Có bao nhiêu người đã qua đời mà không đến bệnh viện?”
Hôm 14/01, ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một chuyên gia về Trung Quốc kiêm giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với The Epoch Times rằng Đảng cầm quyền ở Trung Quốc (ĐCSTQ) đang che giấu sự thật một cách nghiêm trọng và số người tử vong vì COVID-19 thực tế có thể cao hơn nhiều so với những gì Đảng này đã báo cáo.
“Bởi vì các phóng viên truyền thông ngoại quốc đã trực tiếp đến các nhà tang lễ để chứng kiến tình hình và các bài đăng tràn ngập trên mạng xã hội cho thấy rất nhiều thi thể và rất nhiều linh cữu ở khắp mọi nơi, nên mọi người đều biết rằng chính quyền Bắc Kinh đang nói dối,” ông Phùng cho hay. “Mối quan hệ giữa WHO và ĐCSTQ cũng rất căng thẳng, vì WHO liên tục yêu cầu chính quyền này công bố dữ liệu thực. Chính quyền Trung Quốc đang chịu áp lực. Bây giờ chính quyền đang tạo ra một sự thay đổi nhỏ, ngay cả khi họ báo cáo thêm hàng chục ngàn [ca tử vong], thì con số này vẫn còn khác xa so với thực tế. Số người tử vong trên thực tế có thể gấp 10, 20, hoặc 30 lần so với dữ liệu mà chính quyền vừa công bố.”
Ông lưu ý rằng cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ biết rất rõ rằng nhiều người đã qua đời trong đợt bùng phát mới nhất này, nhưng họ không dám thừa nhận chính sách của mình đã thất bại.
“Mặc dù chính sách ‘Zero COVID’ của ông Tập Cận Bình đã được bãi bỏ, nhưng ông ấy chưa bao giờ xuất hiện để nói một lời nào về chính sách đó, cũng như không bày tỏ dù chỉ một chút cảm thông đối với những người dân bị đau ốm và tử vong do dịch bệnh,” ông Phùng nói. “Ông ấy vẫn ca ngợi thành tích của mình [trong việc ứng phó với dịch COVID].”
Ông Phùng tin rằng sự chậm trễ và che giấu dữ liệu thực trong đợt bùng phát COVID-19 này của Trung Quốc đã làm tiêu tan uy tín của ĐCSTQ.
Alex Wu
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Bà Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
CHIA SẺ
CHIA SẺ