Trung Quốc phát hiện những tàn tích văn hóa từ thời Tần
–
Chủ nhật, 19/02/2023 12:00 (GMT+7)
Những tàn tích vừa được phát hiện tại Trung Quốc cho thấy sự trao đổi văn hóa giữa các vùng khác nhau của đất nước tỉ dân từ thời cổ đại.
Một viên gạch mái hiên được khai quật từ di tích Sijiaoping, tỉnh Cam Túc Ảnh: Cục Quản lý Di sản Văn hóa Trung Quốc
Theo Cục Quản lý Di sản Văn hoá Trung Quốc, sau khi thực hiện quá trình khai quật tại 5 địa điểm khảo cổ, các nhóm nghiên cứu đã phát hiện những tàn tích lớn từ thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên) và dấu hiệu tổn tại của các kinh đô do nhóm dân tộc thiểu số thành lập.
Tại Di tích Tư Đài, Hà Bắc, niên đại 10.400 năm với diện tích khoảng 150.000 mét vuông, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện hơn 40 ngôi nhà và 800 đồ điêu khắc bằng gốm, đá, xương và vỏ sò.
Zhao Zhang, nhà nghiên cứu tại Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Bắc nhận định: “Những ngôi nhà là bằng chứng sớm nhất về sự xuất hiện của các khu định cư tại miền bắc Trung Quốc. Chúng cho thấy sự chuyển đổi của con người từ lối sống du cư thời đại đồ đá cũ sang một cuộc sống ổn định vào đầu thời đại đồ đá mới”.
Tại di chỉ Sijiaoping, thuộc quận Lixian, tỉnh Cam Túc, các nhà khảo cổ đã tìm thấy phần còn lại của một tòa nhà lớn có từ thời nhà Tần. Họ suy đoán rằng đây là một trong những địa điểm hiến tế được Tần Thủy Hoàng – Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc sử dụng.
Chiếc bát sứ trắng được khai quật từ Khu tự trị người Hồi Ninh Hạ Ảnh: Cục Quản lý Di sản Văn hóa Trung Quốc
Hou Hongwei, nhà nghiên cứu của Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Cam Túc cho biết, một khu phức hợp lớn từ thời kỳ nhà Tần được phát hiện là điều hiếm gặp. Giới nghiên cứu suy đoán rằng đây là nơi tổ chức các nghi lễ biểu tượng cho sự thống nhất của đế chế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Các cuộc khai quật đã có những khám phá về mối liên hệ giữa nhiều nhóm dân tộc của Trung Quốc. Theo đó, 13 lò nung đã được phát hiện tại khu vực núi Helan thuộc Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc. Phần còn lại được sử dụng để bảo vệ hộp gốm với dòng chữ “chính thức” cũng được tìm thấy tại địa điểm này.
Chai Pingping, chuyên gia từ Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Ninh Hạ cho biết, đây là địa điểm lò nung sứ Tây Hạ sớm nhất được phát hiện cho đến nay. “Những phát hiện này đã giúp lấp đầy khoảng trống lịch sử về tiến trình phát triển nung sứ trắng mịn ở tây bắc Trung Quốc” – Chai Pingping chia sẻ.
Tàn tích Shangjing triều đại Liao ở khu tự trị Nội Mông. Ảnh: Cục Quản lý Di sản Văn hóa Trung Quốc
Tại Khu tự trị Nội Mông phía Bắc Trung Quốc, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy tàn tích của thủ đô đầu tiên thời nhà Đường. Trong kiến trúc cổ, một tòa nhà lớn của đế chế đã được phát hiện. Dựa trên phong cách và phương pháp khác nhau được sử dụng trong quá trình xây dựng, các chuyên gia đã phỏng đoán rằng nó đã trải qua ba giai đoạn xây dựng riêng biệt.
Di chỉ Làng Cổ Thành tại Côn Minh có lịch sử hơn 3.000 năm với diện tích khoảng 42.000 mét vuông được cho là khu định cư hình chiếc nhẫn hoàn chỉnh đầu tiên có từ thời nhà Thương và nhà Chu. Các hố đầy vỏ ốc được phát hiện tại địa điểm này đã chứng minh chế độ ăn uống của người cổ đại trong khu vực.
Những chiếc bình thời nhà Thương (khoảng 1600 -1046 trước công nguyên) được khai quật từ Di chỉ Làng Gucheng, Vân Nam. Ảnh: Cục Quản lý Di sản Văn hóa Trung Quốc
Zhou Ranchao, nhà nghiên cứu của Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Vân Nam nhận định: “Một số vỏ sò từ Ấn Độ Dương được tìm thấy tại địa điểm này cho thấy người Trung Quốc thời xưa có nền tảng giao tiếp văn hóa và thương mại chặt chẽ với các quốc gia cổ đại ở Nam Á”.