Trưng bày chuyên đề Di chỉ Đồng Đậu – Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng

Đây là sự kiện kỷ niệm 60 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đồng Đậu (1962-2022) và Ngày Di sản văn hóa Việt nam (23/11).

Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) được phát hiện năm 1962, là nơi phát lộ dấu tích người Việt cổ, những chủ nhân đầu tiên của nền văn minh lúa nước sông Hồng. Việc phát hiện di cốt người cổ ở Đồng Đậu đóng góp vào những tư liệu khoa học làm sáng tỏ dần vấn đề “Nguồn gốc người Việt”.

Trưng bày chuyên đề Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng ảnh 1

Trưng bày “Di chỉ Đồng Đậu – Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng” gồm 4 phần: Di tích Đồng Đậu – Giá trị và đặc trưng tiêu biểu; di tích Đồng Đậu trong bối cảnh thời đại kim khí ở Vĩnh Phúc; di tích Đồng Đậu – Hội tụ trong đỉnh cao Đông Sơn; di tích Đồng Đậu – Bảo vệ và phát huy giá trị.

Gần 500 hiện vật, tài liệu, hình ảnh khai thác từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn được trưng bày một cách khoa học, chân thực, thẩm mỹ và sinh động.

Trưng bày đã nêu bật những giá trị đặc sắc và vai trò quan trọng của di tích Đồng Đậu trong sự hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng ở buổi đầu dựng nước của dân tộc.

Trưng bày chuyên đề Di chỉ Đồng Đậu - Hội tụ và tỏa sáng trong văn minh sông Hồng ảnh 2

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc phối hợp các trường học và địa phương tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng thường xuyên để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Trưng bày được kéo dài đến ngày 15/1/2023.