Trường Cao Đẳng Du Lịch Hà Nội

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI /

Tính cộng đồng người Việt trong bữa ăn hàng ngày

18/10/2015

Tính cộng đồng và truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái là những giá trị truyền thống quý báu nhất của dân tộc Việt Nam. Giá trị truyền thống này có nguồn gốc sâu xa từ điều kiện tự nhiên, từ  phương thức sinh tồn của nền sản xuất nông nghiệp trồng trọt lúa nước, yêu cầu liên kết chống thiên tai, đoàn kết chống giặc ngoại xâm… và từ trong phương thức tổ chức xã hội truyền thống (căn bản dựa trên các cộng đồng gia đình, dòng tộc, làng, liên làng). Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, ý thức cộng đồng đã được hun đúc, trở thành những giá trị văn hoá chủ đạo, đặc trưng tâm lý  của dân tộc Việt Nam. Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến tính cộng đồng của người Việt với thú ăn uống thể hiện trong bữa ăn truyền thống của người Việt Nam ta từ hàng ngàn năm đến nay.

1. Tính cộng đồng người Việt

Tính cộng đồng nảy sinh từ buổi sơ khai của những tộc người Việt sống trên mảnh đất được trải dài trên bán đảo Đông Dương thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều. Phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông là biển Thái Bình Dương, phía Tây núi non hiểm trở.  Con người Việt Nam đã tự ý thức phải dựa vào nhau và gắn bó với nhau trong một cộng đồng, tập thể để tồn tại và phát triển.

Với các điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi rất cơ bản, như đất đai khá phì nhiêu, nguồn nắng dồi dào, lượng mưa tương đối lớn đã giúp cho việc canh tác được thực hiện khá dễ dàng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một nước có khí hậu thay đổi thất thường, mùa đông thì lạnh giá, mùa hè nóng nực, lượng mưa không đều gây hiện tượng khô hạn, cây chết khô, động vật chết khát. Ngược lại khi mùa mưa đến thì mưa nhiều gây lũ lụt, bão tố, lở đất, xói mòn… kèm theo dịch bệnh, sâu hại…phá hoại mùa màng, cây cối, cướp đi cuộc sống của biết bao con người cũng như vật nuôi. Cuộc sống của người Việt hết sức khó khăn luôn đối mặt với mất mùa, đói kém, dịch bệnh, đời sống cực khổ, sinh mạng luôn bị đe dọa.

Về phương thức sản xuất nông nghiệp lại hết sức lạc hậu, tự cấp tự túc, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, người Việt bắt đầu tìm cách chế ngự thiên nhiên, hạn chế những thiên tai do thiên nhiên mang lại. Kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp với người Việt được đúc kết “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Công cuộc chinh phục thiên nhiên của con người được bắt đầu bằng sự liên kết nhau lại để trị thủy. Họ nhận thấy phải sống tập trung lại với nhau, nương tựa vào nhau và sự cần thiết phải có sức mạnh của một tập thể để đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt. Họ đã tiến hành đắp đê, ngăn sông, ngăn biển, đào kênh mương để đối phó với lũ lụt cũng như để cùng nhau tát nước chống hạn. Những công việc ấy đòi hỏi ý chí vì mình, vì cộng đồng, cùng sức lực không phải của một người mà phải là sự đoàn kết, chung sức của hàng nghìn người, của cả họ, cả làng cùng góp lại, “xây đắp hàng vạn cây số đê và thường xuyên chống lụt, chống hạn, rồi tiếp sau đó là đẩy mạnh việc khẩn hoang, khai phá vùng đất phía Nam, tăng gấp hai lần diện tích đất canh tác cho đất nước. Sự nghiệp vĩ đại đó sao có thể thành công nếu như không có sức mạnh của cộng đồng?”1.

Lịch sử phát triển Việt Nam từ Bắc tới Nam cho thấy, nếu con người không đùm bọc nhau, không yêu thương nhau thì không thể tồn tại. Trong gian khổ, con người càng phải nương tựa vào nhau để sống, đấu tranh bảo vệ thành quả lao động của mình. Gắn bó với nhau thành các cộng đồng từ nhỏ tới lớn, con người càng thấy được thành quả lao động rõ ràng hơn, hiệu quả hơn. Chính nhờ vậy, họ ý thức được mình là một thành viên của cộng đồng, ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng, từ đó, ý thức cộng đồng dân tộc dần hình thành và ngày càng trở nên bền chặt theo thời gian. Điều này đã được đúc kết và thể hiện trong triết lý: “Một cây làm chẳng lên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Tính cộng đồng được thể hiện đậm nét trong cơ cấu làng xã Việt Nam và phương thức canh tác kiểu làng xã. Làng xã được hình thành trên cơ sở sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước truyền thống. Làng xã được hình thành cùng với chế độ phong kiến và là một đơn vị tụ cư gồm nhiều gia đình có tổ chức để cùng cư trú, làm ăn, sinh sống. “Làng, nếu xét thuần tuý là một đơn vị hành chính thì tự nó không tạo ra ý thức cộng đồng. Chính điều kiện địa lý, lịch sử, điều kiện xã hội và phương thức sản xuất đã tạo ra ý thức cộng đồng làng xã, qua các thời kì lịch sử đã trở thành truyền thống và đạo lý của người Việt Nam”2. Các thành viên của làng gắn bó với nhau bởi quan hệ huyết thống, dòng họ, quan hệ láng giềng và cả quan hệ sản xuất. Cũng nhờ tính chất quần cư kiểu làng xã ấy đã tạo cho con người có ý thức trách nhiệm chung đối với làng xã, cùng giải quyết các công việc chung của làng xã, cùng tổ chức các hoạt động hội họp, lễ lạt, ăn uống… Trên cơ sở ấy, tinh thần, ý thức cộng đồng, cùng với thời gian, dần dần được “ăn sâu” vào tiềm thức và tâm lý chung của con người Việt Nam.

Như vậy, chính điều kiện tự nhiên và lịch sử, văn hóa đã góp phần hình thành và củng cố ý thức cộng đồng Việt Nam, đã gắn kết những con người riêng lẻ thành cộng đồng, đã gộp sức yếu ớt của từng người thành sức mạnh cộng đồng, đã hoà ý thức của những người riêng lẻ thành ý thức chung của cộng đồng. Từ đây, những con người riêng lẻ, yếu ớt nương tựa vào nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, sự lo toan, sự hưởng thụ cuộc sống…  “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” “một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ” “lá lành đàm lá rách” “thương người như thể thương thân”…. Cho tới tận ngày nay tinh thần, ý thức cộng đồng  ấy vẫn đang được người Việt Nam tiếp tục duy trì và tính cộng đồng đã là một đặc điểm tâm lý đặc trưng của người Việt Nam.

2. Thú ăn uống trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam

Việt Nam là dân tộc sớm có nền văn hoá riêng, với những tập quán lối sống giầu bản sắc mà tiêu biểu là hệ thống đình, chùa, miếu mạo, hệ thống tín ngưỡng, lễ hội, dân ca hò vè, ca dao, tục ngữ, phong tục tập quán trong các sinh hoạt, nếp sống, tâm lý từ việc quan hệ làng xóm, họ hàng, cưới xin, ốm đau, ma chay cúng giỗ, ăn uống, lễ hội… luôn thể hiện tính cộng đồng và tính cộng đồng đã trở thành đặc điểm tâm lý đặc trưng trong ăn uống của người Việt Nam.

Cách ăn uống của người Việt được hình thành từ hàng nghìn năm, hình thành từ cuộc sống làng xã gắn liền với đặc tính cộng đồng cao. Tính cộng đồng trong bữa ăn của người Việt thể hiện trong cách ăn chung đã trở thành thói quen, thành cái thú ăn uống ở mỗi người. Thú ăn uống này thể hiện:

1.Việc ăn uống được tổ chức thành các bữa ăn, bữa ăn của người Việt truyền thống thường bắt đầu từ 11 giờ trưa và 6 giờ chiều. Tới giờ ăn mọi người trong gia đình đều tập trung đầy đủ, bữa ăn mới bắt đầu và hình thành cộng đồng nhỏ trong khi ăn. Tâm lý ăn theo bữa, theo nhóm không chỉ duy trì trong gia đình mà được duy trì ở phạm vi làng xã, phố phường.

Chúng ta dễ thấy ở nông thôn, các ngày giỗ chạp, cưới hỏi, hội làng… thường tập trung đông người, qui mô được tính bằng mâm (thường từ vài chục đến vài trăm mâm), đến giờ ăn mọi người được phân định theo ngôi thứ để ngồi vào mâm (ăn). Ở các làng xóm, người được mời ăn là một vinh dự, là tự hào, kiêu hãnh; người không được mời cảm thấy bị cộng đồng ghét bỏ, xa lánh, hay bị xúc phạm làm mất sĩ diện… Người Việt có câu “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp” là vậy.  

Ngay tại các đô thị thành phố, các công nhân, viên chức, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên… vào giờ nghỉ ăn trưa cũng thường rủ nhau đi ăn từng nhóm dăm ba người hoặc hàng chục người kéo nhau vào căng tin, nhà hàng thành nhóm, thành đoàn người ăn đông vui. Rất hiếm khi có một người nào đó trong cùng đơn vị đi ăn riêng, và nếu có như vậy thường bị coi là người lập dị, là người khó gần….

2.Trong bữa ăn, thức ăn được xúc ra bát, tô, đĩa và bày trong mâm hình tròn (bằng mây tre đan, bằng gỗ, sơn son, bằng đồng…) và luôn có bát nước chấm đặt chính giữa mâm. Các thức ăn, nước chấm đều được dùng chung.

Khi ăn, nguyên tắc tâm lý “trên kính, dưới nhường” luôn được áp dụng để miếng ngon kính người trên, thức ăn tốt lành nhường cho trẻ nhỏ, hay tâm lý “nhịn miệng đãi khách” cũng diễn ra rất phổ biến. Với các nguyên tắc tâm lý này, trong bữa ăn thường có hiện tượng gắp tiếp thức ăn cho nhau. Việc gắp tiếp thức ăn này dường như đã trở thành tâm lý thường trực, thành cái thú khi ăn uống để thể hiện bản thân biết quan tâm chăm lo người khác, đồng thời người được gắp tiếp thức ăn cũng được thưởng thức sự quan tâm, nhiệt tình, hiếu đễ. Tuy nhiên, nhiều khi người được nhường nhịn, gắp tiếp thức ăn lại tiếp tục nhường nhịn, chia xẻ thức ăn với người khác, với chính người gắp thức ăn cho mình, với gia chủ đã “nhịn miệng”. Hiện tượng nhường nhịn nhau trong khi ăn chính là tâm lý “nhường cơm, xẻ áo” hay “một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã được phản ánh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam. Tâm lý nhường nhịn này của người Việt khác hẳn với người phương Tây, nơi mọi người hoàn toàn độc lập với nhau, họ ăn theo suất riêng của mỗi người.

Khi ăn, mỗi người chỉ có cái bát ăn nhỏ là phần của riêng mình, tất cả thức ăn từ bát canh rau, đĩa thịt cá, bát nước chấm, nồi cơm đều là của chung, dùng chung. Vào bữa người phụ nữ (người mẹ, người chị hay cô con dâu…) sẽ là người ngồi bên cạnh nồi để lấy cơm (và còn để canh chừng nồi cơm) cho mọi người. Trước khi ăn người Việt truyền thống đều đợi người lớn ra ý cho phép và người dưới phải mời người trên xong tất cả mới cầm bát cơm lên. Thức ăn sẽ được gắp tiếp cho người già, trẻ em (hoặc khách) từ bát đĩa chung trong mâm. Trong bữa ăn có thể nhiều người nhưng ít thức ăn, ít cơm nên việc phải nhường nhịn luôn xẩy ra với các gia đình nghèo thiếu hoặc có khách đột xuất. Để bữa ăn luôn suôn xẻ, từ xa xưa các bậc tiền nhân đã dạy “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” để giáo huấn cách ăn nết ở cho con cháu phải luôn đúng mực.

3. Sự mực thước trong bữa ăn trở thành một tiêu chuẩn cơ bản trong tính cộng đồng trong ăn uống, sự mực thước là thước đo tầm văn hóa, hiểu biết của người ăn, gia phong của gia đình, dòng tộc. Sự mực thước đòi hỏi người ăn không ăn quá nhanh, quá nhiều hết phần người khác, nhưng đồng thời cũng đừng ăn quá chậm khiến mọi người phải chờ. Người Việt Nam có tục khi ăn cơm khách, một mặt phải ăn sao cho thật ngon miệng để tỏ lòng biết ơn và tôn trọng chủ nhà, nhưng mặt khác, bao giờ cũng phải để chừa lại một ít trong các đĩa thức ăn để tỏ rằng mình không chết đói, không tham ăn, đã được ăn no; vì vậy mà tục ngữ mới có câu “ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ”.

Sự mực thước trong khi ăn còn thể hiện trong cách lấy thức ăn và ăn. Khi muốn ăn nên lấy ở đĩa gần mình, không bới, không chọn miếng ngon. Gắp thức ăn cần gọn gàng, không làm xấu đĩa đựng, không làm rơi, gây bắn thức ăn. Người Việt có tâm lý coi thường người dùng đũa bới thức ăn hoặc nhoài người với thức ăn ở xa. Khi ăn cần đặt thức ăn vào bát gọn gàng, nhẹ nhàng vun gọn vào góc bát, khẽ cúi đầu để và thức ăn vào miệng, khi nhai cần nhẹ nhàng luôn tránh cúi gằm mặt khi ăn, tránh và miếng to đầy mồm, nhai nhồm nhoàm gây tiếng nhai chóp chép, để hở răng, cơm dính vào miệng…

4.Tính cộng đồng trong bữa ăn còn thể hiện tập trung qua nồi cơm và bát nước chấm. Các món ăn khác thì có thể có người ăn, người không, còn cơm và nước mắm thì ai cũng xơi và ai cũng chấm. Vì ai cũng dùng, cho nên chúng trở thành thước đo sự ý tứ, sự dạy dỗ, gia phong của con người trong việc ăn uống.

Khi lấy cơm, nên lấy vừa phải “lưng bát”, bát cơm lấy xong phải gọn, đẹp không toe toét, không dính cơm vào miệng hay bên ngoài bát. Nồi cơm sau khi xới cũng thể hiện sự trách nhiệm với người sau: nồi cơm phải được đánh tơi, đánh bông cơm, lấy vào bát xong phải xới gọn lại không để cơm trong nồi vón thành mảng, thành cục, hơn thế nữa không bao giờ vét sạch nồi cơm khi người khác còn ăn. Đôi khi, muốn lấy thêm cơm nhưng nhìn nồi còn ít đành phải dừng lại “vờ như” đã no đủ không ăn nữa. Những năm trước đây, khi nước ta còn nghèo đói cơm không đủ ăn nhưng cuối bữa ai cũng nhường nhau: bố mẹ ông bà nhường cho con cháu, con cháu lại không dám ăn ép ông bà bố mẹ ăn để có sức lao động, cuối bữa nồi cơm vẫn còn thành cơm nguội nhưng cả nhà ai cũng đói!!!

Với bát nước chấm, thường được để giữa mâm hoặc gần món ăn dùng loại nước chấm đó để mọi người chấm chung. Khi chấm phải gọn, sạch, không rơi rớt và phải dùng bát ăn để đón đỡ phía dưới, sau đó đặt nhẹ thức ăn vào bát của mình, tuyệt đối không gắp thức ăn, chấm thức ăn xong đưa thẳng vào miệng.

Cơm và nước chấm là hai thứ biểu tượng của tính cộng đồng trong bữa ăn, giống như sân đình và bến nước là biểu tượng cho tính cộng đồng nơi làng xã.

5.Trong bữa ăn, các thành viên thường liên quan mật thiết với nhau, phụ thuộc chặt chẽ vào nhau như: trong gia đình, nội tộc, cùng làng, cùng công sở… Vì vậy trong lúc ăn uống, người Việt Nam rất thích chuyện trò (khác với người phương Tây tránh nói chuyện trong bữa ăn). Việc chuyện trò thường rôm rả với các câu chuyện của lối xóm, phố phường, của công việc, học tập từ người lớn đến trẻ nhỏ… tạo không khí đầm ấm, vui vẻ, hun đúc và thắt chặt tình cảm gia đình, nội tộc, cộng đồng. Thực tế đời sống tinh thần, sự hạnh phúc của người Việt luôn có mối quan hệ mật thiết với bữa ăn. Trong gia đình bữa ăn sum họp cả nhà lớn bé, câu chuyện rôm rả thì gia đình đó hạnh phúc càng bền chặt. Trong nội tộc, làng xóm, khu tập thể, cơ quan bữa ăn cũng trở thành sợi dây gắn kết mọi người với nhau, bữa ăn càng đông, càng ồn ã lại càng gần gũi dễ chia xẻ niềm vui, nỗi buồn, trách nhiệm, cộng việc…

Tóm lại, tính cộng đồng là yếu tố văn hóa đặc trưng của người Việt ta từ cổ chí kim, từ nông thôn đến thành thị. Tính cộng đồng luôn được thể hiện và bao trùm trên mọi sinh hoạt xã hội và trong lối ăn uống hàng ngày đã góp phần duy trì các mối quan hệ xã hội của mỗi người đồng thời làm tăng giá trị cho bản thân và lớn hơn chính tâm lý ăn uống mang tính cộng đồng đã tham gia trực tiếp vào quá trình bảo vệ những nét đẹp long lanh của văn hóa truyền thống người Việt trong quá trình hội nhập thế giới hiện nay./.

 

Bài viết: Hoàng Minh Khang – Khoa QTCBMA

Bài viết đã được đăng Thế giới trong ta số 447 –  8/2015

Chú thích

1. GS. Vũ Khiêu, Văn hoá Việt Nam xã hội và con người, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2000, tr. 64.

2. TS. Nguyễn Thị Ngân, Xây dựng ý thức và tình cảm dân tộc chân chính cho con người Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội. 2003, tr. 51.