Trường Cao Đăng Văn Hóa Nghệ Thuật Nghệ An

TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HÓA NGHỆ THUẬT NGHỆ AN (NGHE AN COLLEGE OF CULTURE AND ARTS )

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Địa chỉ: Đường Phùng Chí Kiên – Hưng Lộc – TP Vinh – Nghệ An.

Điện thoại: 0383.848.253; 0383.842.358; fax:0383.569.571

E-mail: [email protected];

Trường Cao Đăng Văn Hóa Nghệ Thuật Nghệ An được thành lập từ năm 1967. Trường ra đời trong hoàn cảnh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi cả dân tộc đối mặt với kẻ thù bằng “Tiếng hát át tiếng bom”. Những “chiến sỹ văn hoá”, được nhà trường đào tạo, đã kịp thời góp phần cùng quân và dân tỉnh nhà chống chiến tranh phá hoại trên quê hương. Trải qua 7 lần di chuyển địa điểm trong chiến tranh, từ Thịnh Sơn (Đô Lương), Nghi Mỹ (Nghi Lộc), Nghĩa Tiến (Nghĩa Đàn), Nghi Trường (Nghi Lộc), Diễn Đoài (Diễn Châu), Nghi Đức (Nghi Lộc), đến Hưng Lộc – thành phố Vinh.

Cùng với sự đổi mới và lớn mạnh của đất nước, Trường Văn hoá Nghệ thuật cũng đã từng bước trưởng thành và phát triển. Với 13 năm đào tạo sơ cấp, 25 năm đào tạo trung cấp, trường đã chủ động “Dạy cái xã hội cần”, đã vươn lên nhiều mặt, đa dạng hoá loại hình đào tạo theo nhu cầu xã hội và khả năng của trường. Trong mọi hoàn cảnh, nhà trường luôn đáp ứng nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa – thông tin – nghệ thuật – du lịch và giáo viên âm nhạc – mỹ thuật cho tỉnh nhà và các tỉnh lân cận; đóng góp tích cực, có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1994, trường được UBND Tỉnh Nghệ An nâng từ trường chuyên nghiệp hạng II lên trường hạng I.

Tháng 3/2004, Bộ GD& ĐT đã ra quyết định thành lập Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An trên cơ sở Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật. Đây là những điều kiện để nhà trường tiếp tục phát huy năng lực đào tạo của mình, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của Tỉnh nhà và của vùng khu IV cũ.

Hoạt động của nhà trường luôn gắn liền với văn hoá cơ sở, để nâng cao trình độ và chuẩn hoá cán bộ đang công tác trong ngành Văn hoá Thông tin, các ngành và các huyện, thành thị. Từ năm 1995 đến nay, nhà trường đã liên kết với Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật TW mở các lớp cho đối tượng đã có bằng trung cấp để nâng cao trình độ.

Vượt lên những khó khăn, cán bộ, giáo viên, đã nỗ lực phấn đấu để nâng cao kiến thức, tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp tỉnh và cấp bộ,; viết giáo trình các bộ môn sư phạm, giáo trình giảng dạy dân ca Nghệ Tĩnh v.v… Nhà trường đã có 16 giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, 01 giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia.

Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An là một trường lớn, lưu lượng học sinh chính quy ổn định 5 năm lại nay từ 1.000 đến 1.350 em chưa kể đến 100 sinh viên Đại học, 200 sinh viên Cao đẳng hệ vừa học vừa làm và 150 học viên là cán bộ VH phường xã ở cơ sở. Đội ngũ giảng viên đứng lớp hiện nay của trường có 88 người trong đó có 56 giảng viên cơ hữu. Giảng viên (cả thỉnh giảng) có 48 % trình độ Thạc sỹ, 15% trình độ Giáo sư, Tiến sỹ; số còn lại có trình độ đại học, trong đó có 5 Nghệ sĩ ưu tú, 1 Nhà điêu khắc…

Nhà trường đang đào tạo 10 mã ngành cao đẳng chính quy gồm: Quản lý văn hóa, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Mỹ thuật, Đồ họa, Hướng dẫn viên Du lịch, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, Thông tin thư viện; 6 mã ngành cao đẳng hệ vừa học vừa làm và 12 mã ngành trung cấp. Ghi nhận sự đóng góp của nhà trường, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng cho thầy & trò nhà trường Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì.

Hiện nay, cán bộ, giảng viên, học sinh – sinh viên nhà trường đang nỗ lực thực hiện những định hướng và mục tiêu mà Bộ GD & ĐT đề ra: chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội.

Hàng năm, nhà trường đưa vào tiêu chí thi đua và thể chế sát sao với hoàn cảnh, nhiệm vụ của mỗi khoa, phòng đổi mới phương pháp giảng dạy các chuyên ngành đặc thù. Mỗi cán bộ, giảng viên không được tự bằng lòng với kiến thức đã có, nữ dưới 50 tuổi và nam dưới 55 tuổi phải đăng kí để thi cao học và nghiên cứu sinh. Nhà trường phấn đấu đến 2010 phải đạt 40% giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ và 6% có trình độ tiến sĩ.

Là một trường VHNT địa phương, nhà trường đang dạy cho học sinh, sinh viên hiểu được và tự hào về bản sắc văn hoá xứ Nghệ. Đồng thời nhà trường phải là nơi lưu giữ, khai thác, phát huy tốt nhất di sản văn hoá bản địa, từ dân ca ví dặm, dân nhạc, dân vũ; kiến trúc, mỹ thuật dân gian; đến phong tục, tập quán, luật tục, lễ hội của các dân tộc trên địa bàn cư trú.

Hiện nay, Trường đang được Bộ Giáo Dục & Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng đề án “Thành lập Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Vinh”  trên cơ sở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An (giai đoạn tiền khả thi từ 2008 – 2010).

2. Chức năng và nhiệm vụ của Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An

2.1. Chức năng

– Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành văn hoá, nghệ thuật và du lịch; giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ngành giáo dục – đào tạo có trình độ cao đẳng và các trình độ khác.

– Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học góp phần phát triển sự nghiệp văn hoá – nghệ thuật và du lịch, giáo dục – đào tạo; bảo tồn, khai thác kho tàng di sản văn hoá các vùng miền, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đóng góp vào việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của khu vực và nhu cầu chung của cả nước.

2.2. Nhiệm vụ

– Đào tạo:

+ Đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý và tác nghiệp các hoạt động văn hoá cơ sở theo mô hình quản lý 3 cấp hiện nay, có trình độ cao đẳng và các trình độ khác.

+ Đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công, đạo diễn… cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên có trình độ cao đẳng và các trình độ khác.

+ Đào tạo giáo viên 2 chuyên ngành âm nhạc và mỹ thuật cho các cấp học phổ thông thuộc ngành giáo dục và đào tạo có trình độ cao đẳng.

+ Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên và các nghiệp vụ bàn, buồng, bar cho ngành du lịch có trình độ cao đẳng và các trình độ khác.

+ Đào tạo năng khiếu nhỏ tuổi về âm nhạc – mỹ thuật trình độ trung cấp nhằm tạo nguồn để đào tạo tiếp ở bậc học cao hơn.

+ Đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ làm công tác văn nghệ quần chúng, quản lý, chỉ đạo công tác văn hoá thông tin cơ sở cho các cơ quan, công nông truờng, xí nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể thanh niên, mặt trận, phụ nữ và các nhu cầu khác của xã hội…

– Bồi dưỡng:

+ Bồi dưỡng và tập huấn ngắn hạn về nghiệp vụ cho các đơn vị, tổ chức cá nhân hoạt động trên các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và du lịch cơ sở.

+ Bồi dưỡng, bổ túc kiến thức cho đội ngũ giáo viên các cấp học phổ thông, giảng dạy những môn học chính có thêm nghiệp vụ giảng dạy âm nhạc và mỹ thuật (Do trong những năm tới (trước mắt), số lượng đội ngũ giáo viên âm nhạc – mỹ thuật được đào tạo chính quy chưa đáp ứng đủ nhu cầu).