Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An – Chặng đường mới
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An
Ngay trong những ngày khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây, ngày 2/11/1967 Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 2657/QĐ-UB để thành lập một cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành Văn hóa Thông tin. Đến năm 1979 cơ sở đào tạo này được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chuyển thành Trường Trung học Văn hóa Thông tin tỉnh Nghệ An. Năm 1995 trường lại được đổi tên thành Trường trung học Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Theo tiến trình phát triển của nhà trường, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, đến ngày 23/3 năm 2004 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định số 1507/QĐ-BGDDT-TCCB thành lập Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Như vậy tính từ thời điểm hình thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật Thông tin đến năm 2022 nhà trường đã có một chặng đường dài 55 năm đào tạo nguồn nhận lực phục vụ cho sự phát triển Văn hóa Nghệ thuật, Giáo dục và Du lịch cho tỉnh Nghệ An.
Chiều nay một chiều cuối Đông của năm 2022, tôi đã có dịp trở lại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Dù khí trời lạnh giá nhưng lòng tôi vẩn cảm thấy ấm lại và vui mừng trước những đổi thay đang diễn ra trước mắt tôi về một trường đào tạo nhân lực mang tính đặc thù cho ngành Văn hóa và Giáo dục, Du lịch cho tỉnh Nghệ An.
Tại phòng làm việc ấm cúng và khang trang của mình Thạc sỹ Vũ Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho tôi biết: “Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật Nghệ An trước đây thuộc sự quản lý nhà nước của Sở GD&ĐT nhưng theo luật Giáo dục nghề nghiệp từ năm 2016 đến nay Trường thuộc sự quản lý của Sở Lao động Thương binh – Xã hội Nghệ An. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hiện tại trường có 12 ngành đào tạo trình độ cao đẳng: Quản lý văn hóa, Khoa học thư viện, Hướng dẫn du lịch, Quản trị nhà hàng khách sạn, Quản trị lữ hành, Kỹ thuật chế biến món ăn, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Thanh nhạc, Đồ họa, Hội họa. Các ngành đào tạo trung cấp của Trường gồm: Nghệ thuật biểu diễn, Múa dân tộc, Nghệ thuật biểu diễn dân ca, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Hội họa. Đặc biệt nhà trường còn liên kết với các trường đại học nổi tiếng trong nước để đào tạo trình độ đại học cho 5 ngành học, gồm: Sư phạm âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Quản lý văn hóa, Khoa học thư viện, Đồ họa. Ngoài ra còn tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên ngắn hạn cho từ 450 đến 600 học viên/ một năm. Tuy chỉ là một trường Cao đẳng nhưng với nhiều ngành đào tạo Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An từ khi thành lập cho đến nay luôn có một sứ mệnh hết sức lớn lao đối với toàn bộ hoạt động của ngành Văn hóa, Du lịch và một phần hoạt động dạy học của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà. Trong 55 năm qua nhà trường đã đào tạo ccho tỉnh Nghệ An 10.000 học viên, sinh viên để họ trở thành các cán bộ quản lý văn hóa, du lịch, họa sỹ, nhạc sỹ, ca sỹ, diễn viên giáo viên Âm nhạc, giáo viên Mỹ thuật. Sự ra đời và chặng đường 55 năm phát triển của Trường Cao đẳng văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong quá khứ và nâng tầm văn hóa cho người dân trong bối cảnh mới của thời đại. Đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An sẽ có cơ hội mới và vai trò mới, sứ mệnh mới khá quan trọng trong việc phát triển văn hóa của tỉnh nhà, của khu vực và cho toàn quốc.”
Nhà giáo Vũ Anh – Hiệu trưởng Trường CĐVHNT Nghệ An.
Trong khó khăn chung nhưng của các trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật trong cả nước, kết quả tuyển sinh năm học 2200 – 2021 (năm dịch bệnh) chỉ được 293 sinh viên. Sang năm học 2022 – 2023 tuyển được 360 học sinh, sinh viên. Quy mô hiện có 686 học viên hệ cao đẳng chính quy. Đạt được mức tuyển sinh như thế đối với các trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay quả là một sự cố gắng lớn. Chất lượng đào tạo của nhà trường hàng năm không ngừng được nâng lên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi trên 70%. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 80%. Công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường ngày càng đáp ứng yêu cầu đặt ra của thực tiễn. Nhà trường đã nghiên cứu thành công các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao gắn với sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương và đổi mới công tác quản lý đào tạo, hoạt động dạy học trong nhà trường. Đặc biệt nhà trường hết sức chú trọng tới nhiệm vụ xây dựng bổ sung cập nhật và biên soạn giáo trình tài liệu phục vụ trực tiếp cho hoạt động đổi mới dạy học. Tiếp tục phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để thực hiện các đề tài, đề án thuộc khối ngành Văn hóa Nghệ thuật. Phối hợp với sở Văn hóa Thể thao, sở Khoa học Công nghệ tham gia nghiên cứu các đề tài nghiên khoa học cấp tỉnh. Góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cụ thể: Giai đoạn 2018 – 2020 nhà trường đã nghiệm thu 4 đề án do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đặt hàng (Xây dựng chuẩn đầu ra cho ngành Nhạc cụ truyền thống, Nghệ thuật biểu diễn dân ca…). Nghiệm thu một đề tài nghiên khoa học cấp tỉnh: đưa dân ca vào trường học (2018 – 2020).
Thực hiện Thông tư số 28 của Bộ trưởng bộ Lao Động Thương Binh Xã hội về việc bảo đảm chất lượng của cơ sở Giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường đã xây dựng và đưa vào vận hành 34 quy trình công cụ đảm bảo chất lượng. Hiện tại nhà trường đang triển khai xây dựng thêm 17 quy trình công cụ bảo đảm chất lượng.
Trao đổi thêm với chúng tôi về mối quan hệ giữa nhà trường với sự phát triển văn hóa của địa phương, bà Nguyễn Thị Lương – Trưởng khoa Du lịch của nhà trường cho biết thêm: “Góp phần vào việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch trong thời kỳ mới của tỉnh Nghệ An; Khoa Du lịch của nhà trường đã tham gia xây dựng kế hoạch và chương trình du lịch cho một số địa phương: Du lịch cộng đồng cho xóm 3 xã Quỳnh Nghĩa, kế hoạch xây dựng đồng muối chất lượng cao cho xóm Nghĩa Phú xã Quỳnh Nghĩa. Nhờ đó trong những năm gần đây muối do xã Quỳnh Nghĩa sản xuất đã được tăng giá. Xây dựng một số mô hình du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch cho một số thôn xóm thuộc xã Kim Liên huyện Nam Đàn (Mô hình du lịch cộng đồng thôn Nam Tiến, mô hình hợp tác xã Sen (Hạt sen, hoa sen, tâm sen thành hàng hóa) tại một số làng quê ở Nam Đàn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo hướng đó trong thời gian tiếp theo Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An sẽ tích cực hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng.”
Theo chúng tôi được biết: Các trường Đại học, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật ở nước ta là loại hình trường đặc thù. Nếu lâý yêu cầu đặt ra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số giảng viên có tiêu chuẩn để dạy cao đẳng và đại học thì việc một trường học có đủ số lượng giảng viên cán bộ quản lý để trở thành trường cao đẳng, đại học Văn hóa Nghệ thuật là một yêu cầu khó đạt của các nhà trường. Tuy nhiên trước đây sau khi trở thành trường cao đẳng, ngay từ năm 2010 Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã đặt mục tiêu sẽ nâng cấp lên trường đại học.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về định hướng sắp tới của nhà trường. Thạc sỹ Vũ Anh – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định thêm: “Tại thời điểm này đội ngũ giảng viên của nhà trường có 69 cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên. Trong đó có 80% cán bộ quản lý, giảng viên có trình độ thạc sỹ. Có có 4 Tiến sỹ. Cơ sở vật chất của trường gồm 2 Cơ sở. Cơ sở 1 là địa điểm chính hiện là điểm tọa lạc của nhà trường. Cơ sở 2 đang hoàn thiện ở xóm 16 xã Hưng Lộc.”
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An cơ sở đào tạo Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Là Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật lớn và ra đời sớm nhất khu vực miền Trung, với truyền thống gần 55 năm xây dựng phát triển. Trải qua các thời kỳ nhà trường đã đào tạo ra nhiều thế hệ cán bộ văn hóa, nghệ sĩ, diễn viên góp phần quan trọng vào việc xây dựng phát triển và gìn giữ văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và không gian văn hóa Xứ Nghệ nói riêng. Trong những năm gần đây cũng như xu thế chung của các trường đào tạo về văn hóa nghệ thuật trong cả nước,công tác tuyển sinh đào tạo của trường đang gặp nhiều khó khăn nhất định chưa phát huy hết tiềm năng đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên công tác tuyển sinh của trường vẩn có những tiến bộ đáng kể vẩn có một số ngành thu hút được nhiều sinh viên vào học. Đó là các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Nghệ thuật biểu diễn, Diễn viên múa…
Với tiềm lực đã có, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đang phấn đấu để được quy hoạch vào hệ thống quy hoạch mạng lưới các trường chất lượng cao của Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Nếu vào được mạng lưới này nhà trường sẽ có cơ hội tốt hơn để thu hút nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Có cơ chế hỗ trợ cán bộ giảng dạy giảng viên đi học nâng cao trình độ Tiến sĩ các chuyên ngành nghệ thuật. Mặt khác nhà trường tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí cơ sở vật chất trang thiết bị đồng bộ hiện đại để đáp ứng nhu cầu đào tạo cho chặng đường mới./.