Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Phát huy các truyền thống trong lịch sử để xây dựng nét văn hóa riêng của người Bình Dương

10/01/2020

 

Vùng đất Bình Dương có nhiều những xóm làng, phố phường hội tụ dân cư từ những vùng miền khác nhau. Họ mang đến Bình Dương nhiều nét văn hóa đặc sắc của một cộng đồng dân cư đa sắc thái, tỉ mỉ, sáng tạo trong lao động và lòng yêu nước nồng nàn sẵn sàng đấu tranh cho những mục tiêu quan trọng của cách mạng. Người Bình Dương có những góc cuộc đời thuộc quê hương khác không trọn vẹn nơi này, nhưng vùng đất của một nửa dòng sông Bé, vùng đất của nhiều quê hương khác nhau lại mang trong mình những nét văn hóa riêng của người Bình Dương và  khát vọng vươn lên của cả một trái tim nguyên vẹn!

1. Phát huy lợi thế từ vùng đất của sự hội tụ để xây dựng một Bình Dương chân thành, thân thiện, cởi mở

Vùng đất Bình Dương thuở xưa là nơi hoang vu, rừng rậm rạp. Vào thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XIX lớp cư dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung di dân đến vùng Đông Nam Bộ. Bình Dương là một trong những nơi dừng chân của họ. Đa số họ là những nông dân và thợ thủ công nghèo không chịu nổi sự áp bức bóc lột của chế độ phong kiến đã tìm đường vào đây sinh sống. Ngoài nông dân còn có những người bị kết tội và lưu đày vào nam. Đặc biệt trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh thì làn sóng di cư vào nam càng đông hơn.

Về công lao khẩn hoang, bên cạnh những lưu dân Việt và các dân tộc bản địa phải kể đến công lao của người Hoa. Người Hoa di cư vào Nam theo nhiều đợt và trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Đặc biệt trong giai đoạn phong trào “kháng Thanh phục Minh” tan vỡ, số lượng di cư rất nhiều. Nhà Nguyễn cho phép họ vào miền Nam và có người hướng dẫn. Dần dần, người Hoa di cư vào Đàng Trong nhiều hơn trong đó có Bình Dương ngày nay với nhiều thành phần dân cư như thương gia, các nhà sư, thợ thủ công…Họ là những người hiểu biết về giao thương biển, kỹ thuật đóng thuyền, một số ngành thủ công nghiệp…Người Hoa đã chung sức với dân Việt khai khẩn và định cư.

Đến thế kỷ XIX vùng đất Bình Dương ngày nay đã vô cùng đông đúc dân cư. Sự giao lưu, hòa nhập về kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo giữa dân nhập cư và dân bản địa ngày càng được đẩy mạnh. Khi thực dân Pháp xâm lược và bình định xong vùng đất Nam Bộ, Pháp bắt tay nghiên cứu xây dựng các đồn điền cao su bạt ngàn tại vùng đất Bình Dương. Những người nông dân nghèo khổ của miền Bắc, miền Trung đã bị lừa gạt bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để đến xây dựng các đồn điền cao su. Sự cảm thông, chia sẻ giữa những con người nghèo khổ dù nhập cư hay đồng bào bản địa đã tạo lập nên một mối quan hệ xóm làng bền chặt.

Thời Mỹ xâm lược, chính quyền Việt Nam Cộng hòa coi trọng việc bố trí dân cư là một nhiệm vụ chính trị chiến lược, cố gắng tạo nên một hành lang chính trị bao vây căn cứ kháng chiến của ta. Mỹ – Ngụy đã lừa gạt, dụ dỗ đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo ở miền Bắc di cư vào Nam, định cư ở những vùng xung yếu trong đó có vùng đất Bình Dương. Sau này đa số đồng bào đã nhận diện rõ âm mưu chia rẽ của địch, sống cuộc sống tốt đời đẹp đạo và ủng hộ kháng chiến.

Có thể nói, Bình Dương được như hôm nay là nhờ công sức của bao thế hệ, bao lớp dân cư. Họ là dân tứ xứ do nhiều cảnh ngộ, đã tụ họp về đây, hòa hợp với nhau xây dựng cơ đồ trên vùng đất mới. Hầu hết họ đều xuất thân từ những người lao động nghèo khổ nên dễ cảm thông, đùm bọc nhau và cần cù chịu khó trong lao động, tạo nên một nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Bình Dương.

Trong thời kỳ hòa bình đặc biệt từ sau khi tách tỉnh năm 1996, Bình Dương đã phát huy tối đa các nguồn lực tạo những cú đột phá trong công nghiệp và đô thị. Sự phát triển vượt bậc về kinh tế đã thu hút đông đảo người lao động mọi vùng miền đất nước không chỉ đến làm việc mà còn định cư sinh sống lâu dài ở Bình Dương. Với một tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững đã tiếp tục giao lưu và hội tụ mọi nguồn lực trong và ngoài nước thu hút lực lượng lao động khắp nơi đổ về ngày một nhiều. Đặc biệt với chủ trương: “trải chiếu hoa mời gọi các nhà đầu tư, trải thảm đỏ đón nhân tài” đã thu hút được nguồn nhân lực có kỹ thuật và tay nghề cao từ mọi miền đất nước, đội ngũ chuyên gia ngày càng đông, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ lực lượng lao động của Bình Dương.

Với những đặc điểm riêng về tự nhiên, lịch sử vùng đất đã hình thành nên tính cách người Bình Dương: Những người dân lưu tán là những người nghèo mạo hiểm đi tìm đất sinh sống. Nhìn chung họ là những người bình dân, thích tự do phóng khoáng, đầy tinh thần hào hiệp, ít bị ràng buộc theo khuôn khổ phong kiến. Thiên nhiên ưu đãi, mưa hòa, gió thuận, đất đai phì nhiêu, màu mỡ tạo điều kiện làm ăn sinh sống cho con người Bình Dương xưa. Con người Bình Dương biết đấu tranh khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, yêu tự do, chán ghét bất công, tính cách khẳng khái, cương quyết. Những vùng đất phì nhiêu, khí hậu an lành, tạo tâm tính con người vui vẻ, phóng túng, yêu thích văn hóa, lễ hội. Sự hội tụ và giao lưu về dân cư trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau đã tạo nên động lực phát triển cho Bình Dương hiện tại. Trong đó, nhân tố quan trọng nhất để phát huy ưu thế này chính là sự chân thành, cởi mở, thân thiện, không kỳ thị trong hay ngoài tỉnh của Đảng bộ và Nhân dân Bình Dương. Tỉnh luôn chào đón mọi người muốn đến đây sống, lao động, cống hiến cho sự phát triển của Bình Dương.

Xây dựng Bình Dương có nhiều cuộc đời cần mẫn đến từ khắp nơi trong lịch sử và hiện tại, có nhiều người là những nhân lực chất lượng cao, là những kỹ sư, giảng viên hay bác sỹ…cũng có nhiều cuộc đời trong số đó là bác thợ xây, anh công nhân, chị thợ may hay người tiểu thương với những bó rau tươi ngoài chợ. Tự bao đời vùng đất Bình Dương đã trở thành nơi thực hiện mơ ước của nhiều cuộc đời dù họ sống, lao động trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhưng trên cả, họ chảy về đây mang phù sa hiền hòa như hạ lưu của một dòng sông màu mỡ vậy, họ đem sức lực, trí tuệ và ước mơ để xây dựng Bình Dương. Nhiều bàn tay ấy đã góp công đắp những vết sẹo chưa lành trên chiến trường xưa, nhặt các mảnh bom trên những luống cày, biến căn cứ quân sự thành công viên văn hóa, nhà tù thành nơi giáo dục lòng yêu nước, trận địa xưa thành những cụm công nghiệp lẫy lừng…Và cứ thế Bình Dương mang ơn nhiều giấc mơ nhỏ bé đã đến và góp thành một giấc mơ to lớn của thời đại, giấc mơ chuyển mình phồn vinh, no ấm.

Hội tụ như phù sa của một dòng sông, nhiều thế hệ đã hội tụ trên mảnh đất “thanh bình như ánh nắng ban mai” mà đắp tô nên vẻ hào quang hiện tại. Con người Bình Dương biết đấu tranh khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, yêu tự do, chán ghét bất công, tính cách khẳng khái, cương quyết. Xuất phát điểm từ vùng đất hội tụ của dân khắp nơi đến khai hoang gây dựng xóm làng, con người Bình Dương luôn có sự cố gắng tự lực, sáng tạo đột phá trong lao động sản xuất. Đặc biệt từ khi tách tỉnh những bước phát triển vượt bậc của Bình Dương cho thấy một cơ chế năng động, linh hoạt và phát triển bền vững. Khi cả nước vẫn tìm hướng đi bền vững cho nông nghiệp thì Bình Dương đã mạnh dạn đầu tư lớn cho nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi cả nước còn đang tìm tòi với mô hình khu chế xuất thì Bình Dương đã mạnh dạn xin Trung ương làm thí điểm mô hình phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Mạnh dạn cho ra đời những khu công nghiệp vốn liên doanh hoặc tư nhân, mô hình hợp tác với nước ngoài mà khu công nghiệp Việt Nam – Singapore là hình mẫu tiêu biểu…

Như vậy, từ xa xưa đến nay, Bình Dương là nơi dừng chân sinh sống của cư dân bốn phương. Có được diện mạo tỉnh phát triển như hôm nay là công lao của bao thế hệ khắp nơi từ thời khai hoang mở đất. Bình Dương là hình ảnh thu nhỏ đa sắc thái, đa tính chất của cộng đồng Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ cùng xây dựng vùng đất Bình Dương, khó khăn gian khổ, tinh thần đoàn kết khai hoang vỡ đất, đoàn kết chống ngoại xâm đã gắn kết những con người trên vùng đất này thành một khối chung thống nhất, tương thân thương ái. Qua quá trình phát triển với những điều kiện đặc biệt đã hình thành nên những nét riêng của người Bình Dương: đó là một cộng đồng dân cư yêu quê hương, kiên cường bất khuất, năng động sáng tạo, hăng say cần cù trong lao động, đặc biệt không cục bộ địa phương. Những phẩm chất tốt đẹp đó đã phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, trong thời kỳ đổi mới để tạo nên một diện mạo phát triển năng động, hiện đại của Bình Dương như hiện nay. Truyền thống đó vọng vang từ lịch sử, từ thuở lớp lớp cư dân đầu tiên mở đường lập nghiệp trên mảnh đất tình người và mãi mãi được Đảng bộ và Nhân dân Bình Dương duy trì, phát huy như một động lực lớn để phát triển bền vững tỉnh nhà với tinh thần con người là trung tâm và mục đích hướng tới của mọi sự phát triển.

Trong quá trình xây dựng tỉnh nhà hiện nay, Bình Dương cần phát huy cao độ những lợi thế từ yếu tố hội tụ tinh hoa khắp nơi trong và ngoài nước để phát triển tỉnh. Đồng thời đánh giá đúng thực trạng những khó khăn, thách thức nảy sinh từ vấn đề hội tụ dân cư nhiều nơi đến tỉnh để có những chính sách, hướng đi phù hợp. Chính yếu tố hội tụ suốt chiều dài lịch sử đã tạo nên một Bình Dương đa sắc thái văn hóa, hội tụ nhân tài, khoa học kỹ thuật. Đây là một điều kiện thuận lợi để xây dựng Bình Dương với sự đóng góp của trí lực, nhân tài khắp nơi đổ về. Đồng thời, trong tiến trình di cư, những người đến Bình Dương đa số là những người lao động nghèo, cần cù, sáng tạo trong lao động. Họ hội tụ về đây tạo nên một lực lượng lao động Bình Dương chăm chỉ, trình độ cao, say mê trong lao động. Với truyền thống tốt đẹp như vậy Bình Dương có thể tận dụng tối đa để kích thích sản xuất phát triển năng động và hiện đại.

 

2. Phát huy nét văn hóa từ sự hình thành sớm các nghề thủ công mỹ nghệ xây dựng một Bình Dương tỉ mỉ, sáng tạo trong lao động

Sớm biết làm các nghề thủ công (gốm, mộc, sơn mài…) vì vậy người Bình Dương rất năng động. Ngoài số người sống với nông nghiệp, khá đông người Bình Dương xưa sống bằng nghề thủ công nhờ vậy mà nhanh nhẹn, hoạt bát, giao thương giỏi, phóng khoáng, và cần mẫn, tỉ mỉ trong lao động. Khi Người Hoa hội tụ đông trên mảnh đất Bình Dương  với nhiều thành phần dân cư như thương gia, các nhà sư, thợ thủ công…Họ là những người hiểu biết về giao thương biển, kỹ thuật đóng thuyền, một số ngành thủ công nghiệp và cũng tích cực đặt nền móng cho các ngành nghề này. Có thể thấy nét hiện đại năng động của người Bình Dương đã có yếu tố từ lịch sử, hòa chung với dòng chảy hiện đại, hội nhập để có một Bình Dương “thông minh”, “thương hiệu”. Phẩm chất của những con người làm thủ công, mỹ nghệ là sáng tạo, cần cù và nhạy cảm với những biến chuyển của thực tế. Chính dòng chảy đó từ lịch sử đã cho chúng ta những thế hệ kế thừa hội nhập và hiện đại và năng động như ngày nay.

Từ xưa, khi lưu dân người Việt đặt chân vào vùng đất Bình Dương,họ phải bắt tay sản xuất những vật dụng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày. Một bộ phận không nhỏ lưu dân là thợ thủ công, có nhiều nghề thủ công nguồn gốc từ miền Bắc và Trung như mộc, sơn mài, điêu khắc gỗ…. Mặt khác, ở Đông Nam Bộ có điều kiện thuận lợi để phát triển các nghề thủ công vì Đông Nam Bộ xưa phần lớn là rừng già bao phủ, vùng Thủ Dầu Một có nhiều mỏ đất sét, cao lanh là nguyên liệu hàng đầu của nghề gốm và sành sứ. Bên cạnh đó việc xuất hiện các cụm cư dân mang tính chất đô thị kéo theo sự ra đời của các ngành nghề thủ công là tất yếu, với các ngành nghề phổ biến như: Ngành mộc – điêu khắc gỗ, ngành sơn mài, nghành gốm sứ…nghề điêu khắc gỗ phát triển ở Bình Dương khắc họa thị hiếu thẩm mỹ của cư dân trong vùng rồi lan ra toàn quốc, hình thành một nét đặc trưng độc đáo của Bình Dương. Sơn mài Bình Dương nổi tiếng trong cả nước và là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Thủ Dầu Một, là một trong hai trung tâm sản xuất gốm lớn nhất miền Nam. Nghề sản xuất gốm trên đất Bình Dương đã từng tồn tại từ rất sớm, nhưng để trở thành làng nghề với quy mô lớn, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa thì phải kể đến sự góp phần quan trọng của việc du nhập nghề gốm của người Hoa vào Bình Dương. Nghề gốm sứ hiện nay ở Bình Dương vẫn tiếp tục phát triển kết hợp kinh nghiệm truyền thống với công nghệ hiện đại trở thành một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Bình Dương: Gốm sứ Minh Long.

Việc phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ xưa không chỉ là một biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển các mặt hàng mang thương hiệu Bình Dương để chiếm lĩnh thị phần trong nước, xuất khẩu số lượng lớn mà còn tạo nên một nét văn hóa truyền thống đặc biệt của người Bình Dương: Khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo. Tận dụng lợi thế từ các nét văn hóa của các nghề truyền thống nhiều tỉnh trong nước đã phát triển các đề án văn hóa trên cơ sở này: Ví dụ lụa Hà Đông, Gốm Bát Tràng, các sản phẩm chè, lụa Bảo Lộc…Bình Dương có bề dày văn hóa các nghề, các làng nghề lâu đời như: Làng nghề điêu khắc An Nhất Thuyền, Làng điêu khắc Phú Thọ…; Làng sơn mài Tương Bình Hiệp; Làng gốm Tân Phước Khánh, làng gốm sứ Lái Thiêu,  làng gốm sứ Chánh Nghĩa, và tiêu biểu cho sự kết hợp của kinh nghiệp truyền thống và công nghệ hiện đại ngày nay là gốm sứ Minh Long…

Rõ ràng những ngành nghề truyền thống này chất chứa một nét văn hóa đặc biệt trong lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng dân cư riêng biệt. Bình Dương có thể giới thiệu rộng rãi hơn tới bạn bè trong nước nếu hằng năm tổ chức các lễ hội, các festival quy mô thường xuyên để giới thiệu các làng nghề, các nét sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng làng nghề xưa và nay sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Bình Dương hiện đại mà giàu bản sắc truyền thống. Các hoạt động lễ hội, triển lãm về các làng nghề vốn có sẽ trở thành những hoạt động du lịch đáng chú ý khi được tổ chức quy mô, từ đó mối quan hệ khăng khít giữa phát triển kinh tế và văn hóa truyền thống sẽ được đẩy mạnh.

Trong xu thế hội nhập ngày nay, những phẩm chất của người Bình Dương xưa nhờ gắn bó sớm với các nghề thủ công mĩ nghệ ngày càng được phát huy để đáp ứng yêu cầu hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà. Trên mảnh đất của những con người giỏi giao thương đã cho kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, những con người cần cù, sáng tạo xưa đã cho ra đời, ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong sản xuất; những con người nhạy bén với thực tế xưa đã dựng xây nên những khu nông nghiệp công nghệ cao, những cụm công nghiệp hiện đại của ý Đảng – lòng Dân; Những con người tỉ mỉ trong nghệ thuật đã tạo nên một diện mạo Bình Dương xinh đẹp; Những người đoàn kết trong các làng nghề đã góp phần tạo nên một Bình Dương tương thân tương ái…Tất cả những giá trị truyền thống đó đã và đang được các thế hệ Bình Dương phát huy tạo nên một nét rất thương hiệu: một Bình Dương cởi mở, sáng tạo và hiện đại.

3. Phát huy truyền thống yêu nước xây dựng một Bình Dương đoàn kết, phát triển

Nhân dân Bình Dương có truyền thống đoàn kết, yêu nước. Với vị trí địa lý đặc biệt, trong lịch sử cả Pháp và Mỹ đã xây dựng nơi đây thành những cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng. Về mặt kinh tế, Pháp xây dựng ở Bình Dương nhiều đồn điền cao su, một số điểm giao thương phát triển đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho chính quyền thuộc địa. Về quân sự, cả Pháp và Mỹ đều xây dựng vùng đất Bình Dương thành cơ sở quân sự vững mạnh, nghiêm ngặt để bảo vệ Sài Gòn. Sự dồn sức của cả Pháp, Mỹ trên khu vực này đồng nghĩa với việc bóc lột, bình định và càn quét tàn khốc của địch khiến mâu thuẫn giữa đại bộ phận Nhân dân Bình Dương với thực dân, đế quốc vô cùng gay gắt.

Ngay từ khi Pháp xâm lược, đối ngược với thái độ bạc nhược, cầu hòa của triều đình nhà Nguyễn, Nhân dân Bình Dương kiên cường, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ cả đồng bằng và miền núi. Từ trong phong trào đấu tranh của Nhân dân đã ươm mầm nhiều hạt giống đỏ cho cách mạng. Trong phong trào nhiều Chi bộ Cộng sản ra đời: Chi bộ nhà máy xe lửa Dĩ An (1/1930), Chi bộ xã Bình Nhâm (8/1930)…Kể cả sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Pháp tiến hành đàn áp đẫm máu nhưng vùng đất Bình Dương vẫn là nơi che chở đùm bọc nhiều cán bộ cách mạng. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, phong trào đấu tranh của Nhân dân Bình Dương luôn đồng hành cùng cả nước, vì cách mạng chung của cả nước và góp phần vào những thắng lợi to lớn của cả nước từ thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đến những thắng lợi to lớn trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Ở Bình Dương, giai cấp công nhân ra đời sớm và có ý thức giác ngộ cách mạng cao, tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để. Cùng với việc xây dựng nhà máy xe lửa, tại Bình Dương Pháp bỏ vốn xây dựng và phát triển hoàng loạt các đồn điền cao su. Năm 1905 hai đồn điền cao su An Lộc và Xa Trạch ra đời. Sau đó là các đồn điền lớn thuộc Công ty đồn điền Đất Đỏ, Công ty cao su Viễn Đông SEXO, đồn điền cao su Dầu Tiếng… Với sự ra đời của hàng loạt đồn điền, đội ngũ công nhân cao su ở vùng đất Bình Dương tăng lên nhanh chóng. Cuộc sống ở đồn điền là nỗi kinh hoàng đối với tất cả công nhân cao su. Theo các tài liệu lưu trữ, tại một đồn điền của công ty Đất Đỏ, cứ 100 công nhân thì có 19 người chết, 37 người bị bệnh nặng. Tại đồn điền An Lộc, tuổi thọ bình quân của nam công nhân không quá 30 tuổi, 95% nữ công nhân bị sẩy thai và ốm đau. Nhiều đồn điền không ngày nào không có người chết, ở đồn điền An Lộc số người chết do ốm đau, bệnh tật có ngày lên tới 5-6 người… Lực lượng công nhân có xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau gồm công nhân cao su, công nhân xe lửa Dĩ An cùng những người thợ thủ công trong các trại cưa, lò gốm…Chính sự áp bức bóc lột nặng nề của thực dân Pháp đã đẩy người công nhân vào con đường đấu tranh để giành quyền sống, quyền tự do. Từ thủa khai hoang mở đất người Bình Dương là những con người chống áp bức, yêu chuộng cuộc sống công bằng, tự do. Dưới sự kìm kẹp của quân xâm lược, truyền thống ấy càng phát huy cao độ nhất, là cơ sở để Đảng ta đánh giá tình hình và xây dựng những cơ sở cách mạng vững mạnh sau này.

Trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, truyền thống đoàn kết, yêu nước được phát huy với nhiều sắc thái khác nhau. Con người Bình Dương chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh nhà phát triển đồng bộ trên mọi phương diện. Các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, thi đua làm giàu chính đáng, thi đua xây dựng đời sống mới được khuyến khích. Chính sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ và Nhân dân Bình Dương đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới, tạo nên những sự đột phá kỳ diệu trên vùng đất Bình Dương với diện mạo phát triển hiện đại, năng động như ngày nay.

Chính trong những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, truyền thống yêu nước, đoàn kết đã làm nên những thắng lợi vĩ đại của Nhân dân Bình Dương: Thắng lợi trong khai hoang vỡ đất lập nghiệp, thắng lợi trong đấu tranh chống xâm lược, thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhân dân Bình Dương có truyền thống đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, yêu quê hương đất nước. Đây là truyền thống tốt đẹp và đã góp phần viết nên những trang sử vĩ đại của dân tộc. Từ những con người yêu tự do, chống áp bức thủa khai hoang lập đất, dưới ách xâm lược truyền thống yêu nước đã phát huy cao độ, là cơ sở chính trị, tinh thần vững chắc để Đảng xây dựng căn cứ địa cách mạng, tin tưởng vào thành công của việc xây dựng thế trận lòng dân trên vùng đất Bình Dương. Truyền thống đoàn kết, yêu nước cũng là tiền đề quan trọng để trong thời kỳ đổi mới Đảng bộ quyết tâm thực hiện những mục tiêu to lớn trong xây dựng phát triển tỉnh. Lịch sử Đảng bộ Bình Dương là lịch sử của quá trình lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh, đoàn kết xây dựng tỉnh, trải qua những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, truyền thống ấy vẫn được giữ gìn và phát huy những thành quả to lớn trong thời kỳ hòa bình. Chính vì vậy, để thực hiện thành công những mục tiêu về kinh tế, xã hội, vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa sống còn là phải khơi dậy, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng, xây dựng mối đoàn kết giữa Dân với Đảng tạo nên sức mạnh lớn lao để xây dựng và phát triển tỉnh. Từ những con người trên mọi miền quê khác nhau tụ hội về đây, truyền thống yêu nước đã trở thành một nét văn hóa thiêng liêng, gắn kết mọi người trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của tỉnh, dệt nên diện mạo gấm hoa của tỉnh hôm nay.

KẾT LUẬN

Người Bình Dương với nhiều nét văn hóa đặc trưng tốt đẹp đã được nuôi dưỡng, giáo dục và phát huy từ thuở khai hoang vỡ đất. Những nét văn hóa ấy đã tạo nên một thương hiệu Bình Dương rất chân thành, thân thiện và hiện đại từ tư duy các thế hệ lãnh đạo đến sinh hoạt thường ngày trong các cộng đồng dân cư. Việc phát huy các truyền thống văn hóa, các lợi thế vốn có sẽ trở thành một động lực quan trọng để Bình Dương có những bước tiến vững chắc, hiện đại, thông minh và mang thương hiệu rất riêng của Bình Dương. Chính các giá trị vững bền của văn hóa được tôi luyện bao đời, những nét văn hóa tốt đẹp của người Bình Dương sẽ trở thành một nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế – xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương , NXB Văn hóa – Thông tin.

2. Nguyễn Quang Ân (2003), Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945-2002), NXB Thông tấn.

3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), Nxb Chính trị Quốc gia

4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2011), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1975-2010), Nxb Chính trị Quốc gia

5. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé (1995), Lịch sử Đảng bộ Sông Bé, tập 1 (1930-1954), Xí nghiệp in số 3 – Tp Hồ Chí Minh

6. Công đoàn cao su Việt Nam (2003), Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam, Nxb Lao Động

7. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2015), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, Công ty Cổ phần in Khuyến Học Phía Nam – Tp Hồ Chí Minh

8. Hội khoa học Lịch sử thành phố Hồ chí Minh(2004), Nam Bộ đất và người, (tập 2), NXB Trẻ.

9. Sơn Nam(2004), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Trẻ

Lê Thị Hiệp – Giảng viên khoa Xây dựng Đảng