Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội – Nơi chắp cánh những ước mơ

(Xây dựng) – Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Quân đội được biết đến như một cái nôi đào tạo và chắp cánh ước mơ cho những nghệ sĩ tài năng, những người làm văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài quân đội. Ở đây các thầy cô giáo không chỉ làm công tác giảng dạy mà họ luôn coi học trò như những đứa con của chính mình.

Trong tiết xuân nồng đang rộn ràng đến rất gần, cuộc sống ngoài kia dường như ồn ã hơn, vội vàng hơn thì trong trường Đại học VHNT Quân đội cũng đang dốc hết sức mình cho kỳ thi kết thúc học kỳ I. Tiếng hát, tiếng đàn, tiếng cười nói của cô trò vang lên rộn rã. Giữa không khí đượm mùa xuân ấy, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn cùng Thượng tá Vũ Hồ Tùng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học VHNT Quân đội.

PV: Được biết trường Đại học VHNT Quân đội là một trong những trường đào tạo về lĩnh vực VHNT có sức ảnh hưởng và uy tín cũng như chất lượng đào tạo rất cao. Vậy ông cho biết, để giữ được truyền thống tốt đẹp đó các thầy cô giáo của trường đã nỗ lực như thế nào?

Thượng tá Vũ Hồ Tùng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học VHNT Quân đội: Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cơ quan Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan liên quan, cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại phục vụ đào tạo, trường Đại học VHNT Quân đội còn đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ giảng viên.

Hiện nay, Nhà trường có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có kinh nghiệm, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt và ngày càng được trẻ hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và thực hành biểu diễn.

Vừa chú trọng bồi dưỡng, phát triển nguồn giảng viên tại chỗ, vừa xin phép cấp trên cho tuyển dụng những giảng viên giỏi từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà trường còn chú trọng việc cử giảng viên đi học sau đại học, nghiên cứu sinh tại các nôi đào tạo nghệ thuật lớn trong và ngoài nước, mở rộng hợp tác quốc tế, nên đội ngũ giảng viên có danh hiệu, học hàm, học vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, NSND, NSƯT, NGƯT ngày càng tăng (Tiêu biểu như PGS.TS Nhâm Cao Thành; TS Đỗ Phương Mai; TS Trịnh Lan Hương; TS Vũ Tú Cầu; TS, NGƯT Nguyễn Xuân Bắc…)

Nhiều giảng viên còn đang là các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn sung sức trên các sân khấu lớn (Như NSND Kiều Lê, NSƯT Hiền Trang, NS Xuân Phương, NS Mai Kiên, NS Đỗ Bảo, NSƯT Hà Phạm Thăng Long; NSƯT Thúy Nội; NSƯT Hồng Hạnh, NSƯT Hương Giang, NS Xuân Hảo, NS Lương Nguyệt Anh…), họ thực sự mẫu mực về trí tuệ, phẩm chất người thầy, đồng thời là những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động nghề nghiệp cho học viên, sinh viên noi theo.

Để giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp trong giáo dục, đào tạo, đội ngũ giảng viên luôn phát huy bản chất, hình ảnh tốt đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ trong Nhà trường quân đội, giỏi về nghề ngiệp, gương mẫu về đạo đức, tác phong. Mỗi giảng viên luôn bằng nhiều con đường, chủ động nâng cao trình độ năng lực như học tập, giao lưu trao đổi, tham gia NCKH, sáng tác và biểu diễn.

Đứng trước đòi hỏi ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ giảng viên của trường còn chủ động tiếp cận với các nguồn kiến thức mới, cập nhật tài liệu giáo trình chuyên ngành tiên tiến trên thế giới, làm chủ và ứng dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong quá trình quản lý và tổ chức giảng dạy.

Tất cả những yếu tố trên, với lực lượng giảng viên giỏi, tâm huyết, yêu nghề, say mê sáng tạo và NCKH, đã truyền lửa cho học viên, sinh viên có động cơ phấn đấu đúng đắn, học tập tốt, rèn luyện nghiêm, làm cho chất lượng đào tạo của Nhà trường luôn giữ vững, luôn là địa chỉ tin cậy của quân đội và xã hội.

PV: Khoa Thanh nhạc, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội đã đào tạo ra rất nhiều các ngôi sao ca nhạc như  Hồ Quỳnh Hương, Văn Mai Hương, Lưu Hương Giang hay Hoàng Quyên Idol… gần đây có rất nhiều các sinh viên của trường giành được giải cao trong các cuộc thi lớn. Đây là lý do các bạn trẻ có năng khiếu về nghệ thuật mơ ước được vào học Khoa Thanh nhạc của trường. Xin ông cho biết Khoa Thanh nhạc có phải là khoa mũi nhọn của trường?

Thượng tá Vũ Hồ Tùng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học VHNT Quân đội: Gần 64 năm qua, Nhà trường đã đào tạo ra lớp lớp các thế hệ, đóng góp cho quân đội và xã hội nhiều nghệ sĩ, diễn viên tài năng. Mang tiếng hát, tiếng đàn tới các mặt trận, trong số đó có người đã ngã xuống, trở thành Liệt sĩ ngay khi đang làm nhiệm vụ trên chiến trường, nhiều người trở thành NSND, NSƯT, trở thành các nhà khoa học về văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhiều người đạt giải cao trong các cuộc thi quốc tế và trong nước.

Mỗi giai đoạn đều có những gương mặt xuất sắc, được công chúng biết đến, nhất là trong những năm gần đây, khi các sân chơi về ca hát chuyên nghiệp phát triển mạnh mẽ, thì học viên, sinh viên trường Đại học VHNT Quân đội luôn chiếm lĩnh những ngôi vị cao quý, như một số gương mặt mà quý báo đã nêu, những gương mặt đó phản ánh một phần chất lượng đào tạo của Nhà trường, phản ánh hướng đi đúng của Nhà trường trong thời kỳ mới. 

Không chỉ trường Đại học VHNT Quân đội, mà với bất cứ trường nghệ thuật đa ngành nào, chuyên ngành Thanh nhạc luôn là chuyên ngành mang tính mũi nhọn. Các thế hệ đi trước thành công trong ca hát, được coi là ngọn đèn sáng, soi đường cho các thế hệ tiếp theo. Chính tần suất xuất hiện trên các sân khấu lớn, các kênh sóng, trên báo chí của các ngôi sao ca nhạc được đào tạo trưởng thành từ Nhà trường đã tạo thành tình yêu, động lực và thêm lý do để các bạn trẻ đầu quân dự tuyển về trường ngày càng đông đảo và chất lượng

Khoa Thanh nhạc luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Đại học VHNT Quân đội luôn gửi trọn niềm tin, coi là một trong những khoa tiên phong trong dạy và học, đào tạo ra những diễn viên thanh nhạc đạt chuẩn đầu ra theo từng cấp học; Cung cấp cho các đoàn văn công, các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài quân đội.

Khoa có đội ngũ giảng viên trẻ, tài năng; vừa giảng dạy tốt, vừa là những nghệ sĩ biểu diễn sung sức, là những ngôi sao ca nhạc hiện nay. Khoa Thanh nhạc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp cho thành công chung của Nhà trường.

PV: Vậy ông cho biết ngoài việc học lý thuyết tại trường thì việc thực hành để cọ sát với thực tế của các sinh viên chuyên ngành Thanh nhạc như thế nào?

Thượng tá Vũ Hồ Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội: Trong quá trình tổ chức đào tạo, Khoa Thanh nhạc luôn bám sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tuân thủ nội dung, chương trình, đồng thời thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, kết hợp truyền thống với hiện đại, làm phong phú, sinh động thêm bài giảng.

Tổ chức gắn học tập với thực hành nghề, đưa vào chương trình giảng dạy các hình thức hát bè, hát nhóm, hát nhạc kịch, hát kết hợp vận động giải phóng hình thể, làm chủ sân khấu. Nhà trường có riêng một Nhà hát nghệ thuật thực hành, nên dễ dàng chủ động đưa học viên, sinh viên tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ Quân đội, Nhà nước, các địa phương;

Hàng năm đưa sinh viên đi thực tập tại các đoàn văn công, tạo điều kiện để các em được tham gia các cuộc thi ca hát có chất lượng nghệ thuật cao. Năm 2018 là một năm tăng cường mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, nên các em học viên, sinh viên có điều kiện được tiếp xúc với nhiều luồng kiến thức trên thế giới.

Ngay trong quá trình học tập, các em đã được thực hành nghề nghiệp, được làm những công việc đúng như khi ra trường các em phải đảm nhiệm, nhiều em đoạt giải cao trong các cuộc thi lớn, mang về cho khoa những giải thưởng giá trị. Khi ra trường các em không phải đào tạo lại, vững vàng trên cương vị công tác, biểu diễn của mình.

Hiện nay, Khoa Thanh nhạc đang được giao nhiệm vụ đào tạo cả hệ quân sự và hệ dân sự. Đối với hệ quân sự, các em học viên là quân nhân, nên được đảm bảo ăn, ở tập trung tại trường, mọi công tác học tập và sinh hoạt của các em theo đúng chế độ quân đội, các em là những người lính thực thụ. Còn hệ dân sự, các em được quyền tự túc nơi ăn ở theo nhu cầu riêng, nhưng đều được cán bộ Tiểu đoàn và hệ thống cán sự lớp, chủ nhiệm lớp quản lý chặt chẽ về học tập cũng như rèn luyện.

Khoa Thanh nhạc là một khoa có lịch dạy học đa dạng và bận rộn, song các thầy cô luôn đồng hành cùng các em trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi luôn tạo ra một môi trường thân tình, các học trò có thể trò chuyện tâm tình những buồn vui trong cuộc sống với thầy cô của mình như người thân ruột thịt. Vì đây là một nghề đặc thù, nên có như vậy, thầy trò mới gắn bó, đồng hiệu và có nhiều cảm xúc để thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật.

Dù là học viên quân sự hay sinh viên dân sự thì các em đều được đào tạo để trở thành không chỉ là những nghệ sĩ giỏi, mà còn mang những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, ban giám hiệu mà trực tiếp là Đại tá, NGƯT Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Nhà trường, trường Đại học VHNT Quân đội luôn là một trong những trường dẫn đầu đào tạo về lĩnh vực VHNT và có sức ảnh hưởng lẫn uy tín cũng như chất lượng hàng đầu trong cả nước.

Mỗi mùa xuân đến những người nghệ sĩ như những cánh chim tung bay trên bầu trời cao rộng chắc hẳn sẽ thấy bồi hồi khi nhớ về thầy cô dưới mái trường Đại học VHNT Quân đội thân thương, nơi đã chắp cánh ước mơ cho biết bao các thế hệ nghệ sĩ tài năng.