Truyền thông về văn hóa nghệ thuật cần chuyên nghiệp
Tính tới ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, 288 đơn vị cấp Hội – Hội Nhà báo Việt Nam, hơn 80 cơ quan báo chí Văn học nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong nước và báo chí văn nghệ của một số bộ, ngành, 17.161 nhà báo được cấp thẻ hoạt động.
Truyền thông về văn hóa- nghệ thuật cần tính chuyên nghiệp cao.
Trên cơ bản, các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn cuộc sống, nhịp thở của đời sống văn hóa nghệ thuật, khơi dậy và đặt ra nhiều vấn đề lớn, mới mẻ đối với sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nhưng hiệu quả thông tin tuyên truyền về văn hóa nghệ thuật, đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, với vai trò xung kích trên mặt trận Văn hóa – tư tưởng, chưa được chú trọng. Đã có nhiều biến tướng trong nội dung của chuyên mục.
Mục lục bài viết
Khi chuyên trang Văn hóa – Nghệ thuật thiếu chuyên nghiệp
Thời gian qua, các cơ quan truyền thông với nhiều loại hình đa phương tiện đã sản xuất nhiều tin, bài, chương trình, chuyên trang, chuyên mục phản ánh đa dạng, có chiều sâu các vấn đề về văn hóa – nghệ thuật. Nhưng phải nhìn nhận thời gian qua, truyền thông chưa có nhiều ấn phẩm báo chí chuyên sâu, thông tin tuyên truyền về văn hóa – nghệ thuật. Tỷ lệ tin, bài mang tính chất phê bình, đấu tranh với những tồn tại trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa- nghệ thuật chưa cao.
Một số cơ quan truyền thông chuyên ngành về văn hóa – nghệ thuật, các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa – nghệ thuật còn giới thiệu, công bố, truyền bá một số tác phẩm nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, chưa coi trọng biên tập để sai sót nhiều những lỗi sai cơ bản về văn hóa. Rất nhiều nội dung cổ súy cho văn hóa ngoại lai, làm giảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là thông tin, tuyên truyền về văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam. Việc phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị của dân tộc chưa được chú trọng, chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật từ truyền thống đến các xu hướng trào lưu trên thế giới cũng chưa nhiều.
Báo mạng là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của thời công nghệ và tạo ra sự cạnh tranh, cũng như “giành” độc giả để tăng lượng view, nên hiện tượng chạy đua tốc độ sản xuất tin bài nói chung, trong chuyên mục văn hóa – nghệ thuật nói riêng trở nên một cuộc chiến trong khai thác – sử dụng – truyền tin. Và chính đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên những bản tin bài cẩu thả, nhiều sai sót, chưa kể là nội dung còn chạy theo các xu hướng thị hiếu thiếu tích cực…
Sự thiếu chuyên nghiệp xuất phát đầu tiên từ chính các phóng viên không chuyên nghiệp. Rất nhiều nhà báo phụ trách mảng văn hóa – nghệ thuật không phân biệt được sự khác nhau giữa Lăng- Đình – Đền- Miếu – Chùa, hay sự khác nhau của phim điện ảnh – phim truyền hình – phim drama trên nền tảng số, cho hết vào một hộp là “điện ảnh”. Rồi sự khác nhau về văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số cũng không phân biệt, nên rất nhiều “lắp ghép” khá khôi hài kiểu “đầu Ngô mình Sở”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Văn hóa – nghệ thuật không phải giải trí tầm thường, dung tục
Vài năm gần đây, do suy giảm số lượng phát hành, một số cơ quan truyền thông đã “khắc phục” bằng cách chạy theo thị hiếu tầm thường, các sự vụ mang tính giật gân với các tin tức cướp, giết, hiếp, show hàng, lộ hàng, tình, tiền và khoe của của các giới, đặc biệt là showbiz Việt, với xu hướng khoe thời trang, khoe nhà, khoe xe, khoe người tình, khoe đám cưới… Chưa kể là một số cơ quan truyền thông còn tạo “mồi lửa” cho các cuộc công kích, nói xấu, hay khiêu khích, kích động các “siêu mẫu”, “nữ hoàng nội y”, “ngôi sao”, ca sĩ, diễn viên Idol, các KOLs, các fandom… tạo thành các cuộc chiến trên truyền thông, trên mạng, để kiếm view.
Chưa tính một số cơ quan truyền thông biến chuyên trang văn hóa – nghệ thuật thành “nhà riêng” để PR cho các “ngôi sao” tự xưng, hay một phim mang nhiều nội dung trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức Việt Nam, hay quảng bá cho một số kênh truyền hình có gameshow đang gây scandal, hoặc nhăm nhăm đưa hình ảnh nude hay cảnh nóng – cảnh nhạy cảm của một bộ phim – có khi chỉ làm mấy chục giây, đang còn trên trường quay, đang làm hậu kỳ chỉ để câu view.
Điều nguy hiểm là càng những thông tin kiểu này, thì càng đông người vào like, không tính việc có thể một bộ phận giới trẻ đã chiếu theo đó như một kênh để học tập, bắt chước hay ảo tưởng vào một thế giới chỉ có xa hoa, ăn chơi, hưởng thụ…
Truyền thông về văn hóa – nghệ thuật góp phần nâng cao dân trí
Vị trí vai trò của văn hóa, phương hướng mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI. Là những nghị quyết quan trọng có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới – Thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chụp hình hoa hậu mới đăng quang.
Văn hóa – nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người, là một trong những yếu tố để tạo nên sự bền vững và cũng là bảo vệ chủ quyền đất nước.
Cần xác định vai trò của truyền thông trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, phải làm đẹp làm giàu vốn văn hóa truyền thống Việt Nam, hướng tới sự nhân văn – chân – thiện – mỹ, tiếp cận các tri thức văn hóa thế giới, có tầm nhìn rộng hơn, cũng như tiếp thu được những xu hướng văn hóa lành mạnh tiên tiến, nâng cao dân trí trong lĩnh vực văn hóa, hướng tới mục đích sau cùng là góp phần cho nền văn hóa – nghệ thuật quốc gia phát triển. Ngoài ra, truyền thông về văn hóa – nghệ thuật còn là một kênh để quảng bá, giới thiệu về đất nước, văn hóa con người của đất nước Việt Nam đến các bạn bè thế giới, như cây cầu nối các cuộc đối thoại giữa các nền văn minh – văn hóa, để hiều biết và tôn trọng nhau…
Cũng cần thưởng phạt nghiêm minh. Khi truyền thông vi phạm, đưa những nội dung tuyên truyền cho việc sùng bái lối sống hưởng thụ tiêu cực, quảng bá cho những xu hường trào lưu văn hóa – nghệ thuật lệch chuẩn thẩm mỹ, đạo đức lối sống… thì cần phải có chế tài nghiêm khắc, không chỉ với cơ quan truyền thông mà còn với phóng viên. Có phạt thì cũng cần có thưởng. Lâu nay trong các giải báo chí quốc gia, gần như các giải thưởng dành cho chuyên mục văn hóa – nghệ thuật rất hạn chế, thậm chí có nhiều năm không có giải nào. Nên chăng, cần tạo cho chuyên ngành văn hóa – nghệ thuật sự công bằng, “bằng vai – phải lứa” với các chuyên ngành khác, để có sự tưởng thưởng xứng đáng.
Truyền thông về văn hóa – nghệ thuật nên có một cuộc cải tổ triệt để và tạo sự chyên nghiệp từ lượng tới chất, từ phóng viên đến cả độc giả nghe – xem, từ cả những sự quan tâm công bằng như đối với các chuyên mục khác.
Không biết bắt nguồn từ khi nào, quan niệm văn hóa – nghệ thuật chỉ là “cờ đèn kèn trống”, là ca múa nhạc kịch phim, câu lạc bộ thơ ca hò vè, kẻ vẽ này nọ… Và chính vì thế mà chuyên mục văn hóa – nghệ thuật trên truyền thông nói chung đều ít được quan tâm đúng mức. Ở mức độ nào đó, thì nhiều cơ quan truyền thông đã biến chuyên mục này thành một chuyên trang giải trí khá lộn xộn, thậm chí có lúc tạp nham, nhất là khi truyền thông trên nền tảng số – điện tử – báo online phát triển, chuyên trang văn hóa – nghệ thuật trở thành một trang câu view, phản văn hóa.