Từ điển Biểu Tượng Văn Hóa Thế Giới – Sách Xưa

Mục lục bài viết

Mô tả sản phẩm

Từ điển Biểu tượng văn hóa Thế giới là một công trình soạn thảo công phu của hai tác giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant với sự cộng tác của nhiều chuyên gia Pháp và các nước khác thuộc nhiều lĩnh vực do NXB Robert Laffont ấn hành lần đầu năm 1969, sau đó được tái bản nhiều lần. Cuốn sách chứa tinh thần nhân vǎn chủ nghĩa thực thụ, luôn đề cao những giá trị tinh thần trong di sản vǎn hoá của loài người, một thái độ trân trọng đối với tất cả các dân tộc, các nền vǎn hoá và một mối cảm tình không che dấu đối với các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập tự do…

Nội dung cuốn Từ điển Biểu Tượng Văn Hóa Thế Giới

Ngày nay người ta lại trở lại ưa chuộng các biểu tượng. Trí tưởng tượng không còn bị khinh miệt, coi là con điên trong nhà. Nó được phục hồi danh dự, thành chị em sinh đôi của lý trí, nguồn cảm hứng cho các khám phá và cho tiến bộ. Uy tín ấy có được phần lớn là do những hư cấu viễn tưởng có giá trị tiên báo mà khoa học dần dần đã xác minh, do những hiệu lực của vị trí thống ngự hiện nay của hình ảnh mà các nhà xã hội học đang tìm cách đo đếm, do những cách giải thích hiện đại các huyền thoại cổ xưa và sự ra đời các huyền thoại hiện đại, do những thám hiểm sáng suốt của khoa phân tâm học. Các biểu tượng nằm ở trung tâm và là trái tim của cuộc sống giàu tưởng tượng ấy. Từ điển Biểu tượng văn hóa Thế giới làm phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận.

Dẫu ta có nhận biết ra hay không, đêm hay ngày, trong hành ngôn, trong các cử chỉ, hay trong các giấc mơ của mình, mỗi chúng ta đều sử dụng các biểu tượng. Chúng khoác lên các ước muốn một diện mạo, chúng xúi giục một toan tính nào đó, chúng nhào nặn một lối ứng xử, chúng khơi mào cho thành công hay thất bại. Các hình thức hình thành, lối xếp đặt, cách giải thích các biểu tượng được nhiều ngành khoa học quan tâm: khoa lịch sử các nền văn minh và các tôn giáo, khoa ngôn ngữ học, khoa văn hóa nhân chủng học, khoa phê bình nghệ thuật, khoa tâm lý học, khoa y học. Còn có thể bổ sung thêm vào đấy mà vẫn chưa hết, các kỹ thuật bán hàng, kỹ thuật tuyên truyền và chính trị.

Các công trình nghiên cứu mới đây, và ngày càng nhiều hơn, đã soi sáng cấu trúc của cái tưởng tượng và chức năng biểu trưng của trí tưởng tượng. Ngày nay, không thể không biết tới những thực tế có tác động mạnh mẽ đến như vậy. Tất cả các khoa học về con người cũng như các ngành nghệ thuật và tất cả các ngành kỹ thuật bắt nguồn từ những khoa học ấy, trên đường phát triển của mình đều gặp thấy các biểu tượng. Chúng phải hợp lực để giải mã cho ra những ẩn ngữ do các biểu tượng đặt ra; chúng phải chung sức để huy động năng lượng được dồn nén trong các biểu tượng. Nói là chúng ta sống trong thế giới những biểu tượng thì vẫn còn chưa đủ, phải nói một thế giới biểu tượng sống trong ta.

Từ điển Biểu tượng văn hóa Thế giới diễn đạt bằng biểu tượng thể hiện cố gắng của con người, trong bốn bề bóng tối vây quanh, cố đoán ra và chế ngự một định mệnh đang trượt khỏi tay mình. Bạn đọc có thể sử dụng cuốn sách này như sợi chỉ của nàng Ariane, dẫn dắt mình đi qua những ngõ ngách tăm tối của chốn mê cung. Mong rằng nó cũng có thể gợi ý cho bạn ngẫm nghĩ và mơ tưởng về các biểu tượng, cũng như Gaston Bachelard gợi mời ta tưởng tượng về các giấc mơ, và trong các chòm tinh tú tưởng tượng này, khám phá ra điều ước muốn, nỗi sợ hãi, niềm tham vọng, là những cái khiến cuộc đời đượm một ý nghĩa thú vị.

Trong không khí đổi mới và giao lưu văn hóa hiện nay, cùng với những tác phẩm của nước ta được giới thiệu ra nước ngoài và những tác phẩm của thế giới được dịch sang tiếng Việt của nhiều nhà xuất bản những năm qua, cuốn Từ điển các biểu tượng được dịch và in do Nhà xuất bản Đà Nẵng phối hợp với Trường viết văn Nguyễn Du thực hiện là một công việc rất đáng được hoan nghênh.