Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới
Mục lục bài viết
Biểu tượng văn hóa thế giới
Ngọc Thạch Anh
NGỌC TRAI PERLE trang 640
Ngọc trai là biểu tượng thái âm, gắn liền với nước và nữ giới. Tính hằng định ở những ý nghĩa của ngọc trai cũng đáng chú ý như tính phổ biến của những ý nghĩa ấy, nhiều cuốn sách của Mircae Eliade và của nhiều nhà dân tộc học đã cho thấy rõ điều này.
Sinh ra từ nước hoặc từ mặt trăng, tìm được trong vỏ con hàu, ngọc trai thể hiện bản nguyên Âm, là biểu tượng chủ yếu của nữ tính tạo sinh.
Ý nghĩa tượng trưng về giới tính của cái vỏ hàu đã truyền cho ngọc trai mọi sức mạnh mà nó hàm chứa; cuối cùng, nét giống nhau giữa hạt ngọc trai và cái thai đã mang lại cho ngọc trai những đặc tính về mặt sinh sản và về sản khoa; từ biểu tượng bộ ba này, gồm Mặt trăng-Nước-Phụ nữ, đã phát xuất mọi đặc tính kỳ diệu của ngọc trai về dược học, về phụ khoa, về lễ tang (ELIT). Thí dụ như ở Ấn Độ, ngọc trai dùng làm thuốc bách giải, chữa được các chứng bệnh : xuất huyết, sốt vàng da, điên, nhiễm độc, các bệnh về mắt, lao phổi, v.v…
Ở Âu Châu, ngọc trai được dùng trong y học để chữa các bệnh u sầu, động kinh, điên…
Ở phương Đông, các đặc tính kích dục, tăng khả năng sinh đẻ và dùng làm bùa phép của ngọc trai được sử dụng nhiều hơn các thuộc tính khác.
Ngọc trai đặt trong mộ sẽ tái sinh cho người chết, đưa người đó vào nhịp xoay vần của vũ trụ theo chu kỳ rõ rệt, quy định trước, theo hình ảnh của tuần trăng, sự ra đời, sống, chết, tái sinh.
Khoa trị liệu hiện đại của Ấn Độ vẫn dùng bột ngọc trai vì các đặc tính phục hồi sức mạnh và kích dục.
Đối với người Hy Lạp, ngọc trai là biểu hiệu của tình yêu và hôn nhân.
Tại một số tỉnh ở Ấn Độ, người ta bỏ ngọc trai vào đầy mồm người chết ; tục lệ này cũng thấy có ở Bornéo. Còn về tục lệ của các thổ dân Châu Mỹ, Streeter kể là : giống như ở Ai Cập thời Cléopâtre, ở vùng Floride, các lăng mộ Vua được trang hoàng bằng ngọc trai. Những binh sĩ miền Soto đã phát hiện ra tại một số các đền thờ lớn, có những quan tài có các xác ướp thơm, bên cạnh đặt những giỏ nhỏ chứa đầy ngọc trai. Những tục lệ tương tự cũng đã thấy ở nơi khác, nhất là ở miền Virginie và ở Mexico.
Ý nghĩa tượng trưng này được lưu giữ cả trong việc dùng ngọc trai nhân tạo. Madeleine Colani nêu cụ thể là : trong các lễ hiến tế và lễ tang ở Lào, người chết được cung cấp ngọc trai để dùng trong cuộc sống trên trời. Người ta nhét ngọc trai trong các lỗ tự nhiên trên thi hài. Ngày nay, người ta chôn người chết với các dây lưng, mũ không vành và quần áo trang trí bằng ngọc trai.
Ở Trung Quốc, trong y học chỉ dùng thứ ngọc trai còn trinh chưa khoan lỗ, cho là chữa lành các chứng bệnh về mắt. Y học Ả Rập cũng công nhận ngọc trai có những tính năng tương tự.
Đối với các tín đồ đạo Kitô và đạo Ngộ, ý nghĩa tượng trưng của ngọc trai phong phú hơn và phức tạp hơn, tuy nhiên không bao giờ xa rời định hướng ban đầu.
Thánh Ephrem sử dụng huyền thoại cổ xưa này để minh họa cho sự Hoài thai trinh khiết và cả sự ra đời về tinh thần của Chúa Kitô trong phép rửa tội bằng lửa. Origène đã lặp lại việc đồng nhất hóa Chúa Kitô với ngọc trai. Nhiều tác giả cũng đã noi theo ông dùng hình tượng này.
Trong cuốn sách nổi tiếng của phái Ngộ đạo, những hành vi của Thomas, cuộc tìm kiếm ngọc trai tượng trưng cho bi kịch tinh thần của sự sa đọa của con người và sự cứu rỗi. Cuối cùng, cuộc tìm kiếm đó biểu đạt sự huyền bí cúa cái siêu nghiệm đã trở thành cảm nhận được, sự hiện diện của Chúa Trời trong Vũ trụ (ELIT).
Ngọc trai có vai trò môt trung tâm thần bí. Nó tượng trưng cho sự thăng hoa các bản năng, sự tinh thần hóa của vật chất, sự biến hình của các yếu tố, cái chung cục sáng ngời cúa quá trình tiến hóa. Ngọc trai giống như con người hình cầu của Platon, hình ảnh về sự toàn hảo lý tưởng của những nguồn gốc và những mục đích cuối cùng của con người. Tín đồ đạo Hồi hình dung người được tuyển chọn vào Thiên đường như được đặt trong một hạt ngọc trai cùng với người đẹp houri (1) của mình. Ngọc trai là biểu hiệu của tính hoàn thiện như ở các thiên thần, tuy nhiên tính hoàn thiện này không phải được ban cho mà đạt được do những biến đổi.
Ngoc trai là vật hiếm có, tinh khiết và quý giá. Nó tinh khiết vì thường coi là không có vết, có màu trắng, dù lấy lên từ nước bùn hay từ một cái vỏ thô kệch cũng không bị hoen ố. Vì quý giá, nó là hình ảnh của Vương quốc trên trời (Matthieu. 13, 45-46). Diadoque de Photicé đã dạy rằng: ta cần hiểu là thứ ngọc trai này, ta có thể bán đi hết của cải để có được, vì nó là ánh sáng của trí tuệ trong tim, là nhãn thực ban niềm cực lạc. Ở đây chúng ta gặp lại khái niệm về hạt ngọc giữ kín bên trong cái vỏ ngoài : muốn có được nó, phải cố gắng cũng như khi muốn đạt chân lý, có được tri thức. Đối với Shabestar, ngọc trai là sự thông hiểu của trái tim, khi người ngộ đạo tìm thấy hạt ngọc là đã hoàn thành nhiệm vụ đời mình. Vị Hoàng tử phương Đông trong sách Những hành vi của Thomas đi tìm hạt ngọc trai cũng như Perceval đi tìm chiếc bình Graal. Hạt ngọc quý giá này, khi đã tìm được, không nên mang ném cho đàn lợn con (Mathieu, 7,6) : tri thức không nên trao bừa bãi vào tay những kẻ không xứng đáng. Biểu tượng là hạt ngọc trai của ngôn ngữ giấu kín trong cái vỏ của từ ngữ.
Theo truyền thuyết, ngọc trai do tia chớp sinh ra hoặc do một hạt sương rỉ vào trong vỏ con hầu, dù sao đi nữa đó cũng là dấu vết của sự hoạt động của trời và là mầm mống của một sự ra đời về thể xác hoặc về tinh thần, như cái điểm mầm (bindu) trong vỏ ốc, như hạt ngọc-Vệ Nữ nằm trong vỏ. Các huyền thoại Ba Tư liên hệ ngọc trai với biểu hiện đầu tiên của bản thể. Hạt ngọc trai nằm trong vỏ giống như thiên tài trong bóng tối. Ở nhiều vùng thường lấy ngay con hàu có chứa hạt ngọc trai so sánh với bộ phân sinh dục nữ.
Về bản chất, ngọc trai gắn liền với yếu tố Nước -bị những con rồng nắm giữ ở dưới các vực sâu -và cũng gắn liền với mặt trăng. Kinh Atharva -Veda gọi ngọc trai là con gái của Sôma, tức là của mặt trăng và còn gọi là thứ thuốc bất tử. Ở Trung Hoa cổ xưa, người ta quan sát thấy có hiện tượng đột biến của ngọc trai – và của các giống vật thủy sinh-diễn ra song song với các kỳ trăng.
Những hạt ngọc trai phát quang là những hạt minh châu, lấy ánh sáng từ mặt trăng, có tác dụng bảo hộ chống lửa. Nhưng minh châu vừa là nước vừa là lửa, là hình ảnh của tinh thần sinh ra trong vật chất.
Ngọc trai trong kinh Vệ Đà (2), con gái của Sôma, kéo dài tuổi thọ. Ở Trung Hoa, ngọc trai cũng là biểu tượng của sự bất tử. Quần áo có đính ngọc trai hoặc ngọc trai đặt vào các lổ của thi thể giữ cho nó khỏi phân hủy. Ngọc thạch hoặc vàng cũng có công dụng đó. Cần ghi chú là ngọc trai và ngọc thạch sinh ra theo cùng một kiểu, có những khả năng và công dụng giống nhau.
Một biểu tượng thuộc loại tương tự là biểu tượng của những hạt ngọc trai xâu thành chuỗi bằng một sợi dây. Đó là tràng hạt, là satratma là chuỗi các thế giới được thấm nhuần và liên kết với nhau, bằng Atma, linh hồn vũ trụ. Như vậy, chuỗi hạt ngọc trai tượng trưng cho tính nhất thể trong vũ trụ của cái muôn hình muôn vẻ, sự thống hợp những phân tử tách rời của một bản thể vào trong thể đơn nhất của một nhân cách sự thiết lập quan hệ tinh thần giữa hai hay nhiều thể sinh tồn, những chuỗi hạt đứt lìa, do là hình ảnh của con người bị phân ra của vũ trụ bị đảo lộn, của tính nhất thể bị phá vỡ.
Ở Iran, ngọc trai có một giá trị tượng trưng đặc biệt phong phú, về mặt xã hội học cũng như về mặt lịch sử các tôn giáo.
Theo một truyền thuyết mà Saadi (nhà thơ Ba Tư thế kỷ XIII) kể lại trong cuốn Bustan, ngọc trai vốn là một giọt nước mưa từ trên trời rơi xuống, một con hàu nổi lên mặt biển hé miệng ra để đón nhận. Chính giọt nước đó là mầm mống trời cho, se thành hạt ngọc trai. Nên xem thêm các tác phấm Mathnawi của Jalàl-od-Din Rûmi và Sekandarnâma, Haft-Paykar của Nizâmi.
Huyền thoại này có nguồn gốc trong folklore Ba Tư và là một chủ đề thường gặp trong văn học Ngoài ra, người ta còn trích dẫn một câu nói của Mohammad : Chúa Trời có những bộ hạ giống như mưa, mưa rơi xuống đất liền sẽ làm cho cây lúa mì mọc lên, rơi xuống biển, sinh ra những hạt ngọc trai.
Trong những truyện dân gian và văn học thành văn Ba Tư cũng như trong các tước tác của giáo phái Ahl-i Haqq (những Tín đồ của Chân Lý ở Iran) và nói chung trong xã hội người Kurdes, đều coi hạt ngọc trai còn nguyên vẹn là biểu tượng của trinh tiết ; người ta dùng thành ngữ xuyên thủng hạt ngọc trai trinh nguyên để nói tới việc động phòng.
Trên một bình diện khác, cũng giáo phái Ahl-i Haqq đã dựa vào biểu tượng này để nói rằng : những bà mẹ của các dạng hóa thân của Chúa Trời đều là còn trinh và mang tên gọi thường dùng nhất là Ramz-bâr, tức là Bí mật của đại dương.
Theo thuyết nguồn gốc vũ trụ của giáo phái Ahl-i Haqq… buổi ban đầu, trong cuộc sống không có một giống loài nào mà chỉ có chân lý tối cao, duy nhất, sống động và đáng tôn thờ. Chân lý đó nằm trong hạt ngọc trai và bản chất được che giấu. Hạt ngọc trai nằm trong cái vỏ hàu, cái vỏ hàu nằm dưới biển và sóng biển che phủ hết cả.
Vì vậy, bằng một bài thơ trong trường ca Sekandarnâma, Nizâmi nói tới quá trình thụ thai của Alexandre như là sự hình thành một hạt ngọc vương giả trong một cái vỏ hàu được mưa mùa xuân thụ tinh cho.
Đôi khi, một dòng dõi gia đình được ví như một sợi dây xâu những hạt ngọc trai đặt cách đều nhau, durr-i-manzům. Hinh ảnh này cũng dùng để nói tới những câu chữ sắp xếp thành thơ.
Trong văn học Ba Tư, người ta dùng từ hạt ngọc trai để nói tới một tư tưởng tinh tế, vừa do ý đẹp, vừa do đó là sản phẩm của thiên tài sáng tạo của tác giả. Chẳng hạn, người ta nói rằng một tư tuởng ý nhị tinh tế hơn một hạt ngọc trai quý hiếm. Nhả những hạt ngọc trai sáng ngời tự đôi môi màu hồng mã não, tức là nói ra những lời hay ý đẹp. Xâu các hạt ngọc thành chuỗi, là làm thơ.
Theo ý nghĩa thần bí, ngọc trai cũng được lấy làm biểu tượng của sự thiên khải và sự sinh ra trong tinh thần. Ta có thể tìm đọc, chủ yếu là bài Tụng ca Ngọc trai nổi tiếng trong cuốn những hành vi của Thomas. Người theo đuổi sự thần hiệp luôn luôn tìm cách đạt tới lý tưởng hoặc mục đích của mình, đó là hạt ngọc trai của lý tưởng. Việc tìm kiếm hạt ngọc trai biểu hiện sự tìm kiếm cái Tinh anh cao đẹp ẩn giấu trong Mình. Hình mẫu gốc của hạt ngọc trai gợi ra những gì thanh khiết, ẩn tàng, chôn vùi trong những tầng sâu, khó tìm tới.
Từ ngọc trai dùng để chỉ kinh Coran, tri thức, hài nhi. Nếu như có ai đó nằm mơ thấy mình xuyên thủng một hạt ngọc trai, tức là người đó đã bình giải tốt kinh Coran. Nếu người đó nằm mơ thấy mình bán một hạt ngọc trai, thì nhờ tay người đó, những điều tốt lành của tri thức sẽ được truyền bá trên thế giới này. Hafez nói về hạt ngọc trai mà cái vỏ thời gian và không gian không chứa đựng nổi, Hariri ca tụng hạt ngọc trai của con đường thần bí được cất giữ trong cái υỏ của Luật lệ thánh truyền.
Ở phương Đông và nhất là ở Ba Tư, ngọc được coi cao quý do bản chất thiêng liêng của nó. Vì vậy, ngọc trai được dùng để trang trí cho các vương miện. Những dấu vết của cùng tính cách được thấy lại trong các đồ trang sức bằng ngọc đặc biệt là những đôi hoa tai có gắn những hạt ngọc trai quý hiếm : một phần nào tính cách cao quý của ngọc đã lan truyền sang người đeo ngọc.
Trong hệ biểu tượng chiêm mộng của phương Đông, ngọc trai vẫn bảo tồn những tính năng đặc biệt và thường được giải đoán là đứa con hoặc còn là người vợ, người thiếp. Ngoài ra, có thể còn có ý nghĩa là tri thức hoặc của cải.
=============================
Trích trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới
JEAN CHEVALIER, ALAIN GHEERBRANT với sự hợp tác của :
BARBAUL’T André Phó Chủ tịch Trung tâm quốc tế chiêm tinh học.
BAYLE Dominique Giám dốc Thư viện và Viện bảo tàng Con Người (Paris).
CAROUTCH Yvonne Chuyên gia về Phật giáo Mật tông Tây Tạng
CHEVALIER Marguerite Giáo sư văn học cổ điển.
DAVI Marie – Madeleine Nghiên cứu viên Trường Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia (C.N.R.S).
GRISON Pierre Nhà văn và nhà phê bình nghệ thuật, chuyên gia về các nền văn minh Viễn Đông.
HEINTZ Georges Trợ lý Trường Đại học tổng hợp Strasbourg.
LE ROUX – GUYONVARC’H Chủ nhiệm “OGAM, tạp chí nghiên cứu văn hóa Celtique
MEYEROVICH Éva Nghiên cúu viên C.N.R.S.
MORKI Mohammed Nhà văn, cựu giáo sư Trường Đại học tổng hợp Téhéran (Iran).
PFEIFFER Henri Tiến sĩ y khoa, giáo sư màu sắc học.
PRIGENT Pierre Giáo sư Khoa Thần học tinh lành Truờng đại học tổng hợp Strasbourg.
ROCHETERIE Jacques de la Chuyên gia liệu pháp tâm lý.
SHIBATA Masumi Giáo sư Truờng đại học tổng hợp Kyotô (Nhật bản).
VOLGUINE Alexandre Chủ nhiệm Tạp chí “Les Cahiers astrologiques” (Tập san chiêm tinh học).
=============================
Chú thích
(1) Houri : Người trinh nữ trên Thiên đường trong Kinh Coran- N.D
Với Hồi giáo, khái niệm 72 trinh nữ (hay houri) đề cập tới một khía cạnh của thiên đường. Trong quyển Sunan al-Tirmidhi (Tập IV, các chương trong “Nét đặc trưng của thiên đàng qua miêu tả của sứ giả của Allah “, chương 21:” Những quà tăng nhỏ nhất cho người cõi Thiên”, truyện thánh Muhammed và tín đồ của ông), Imam at-Tirmidhi nói rõ:
“Daraj Ibn Abi Hatim đề cập Abu al-Haytham ‘Adullah Ibn Wahb kể lại theo lời Abu Sa’id -Khudhri, người đã nghe sứ giả Muhammed (phước lành ban cho ông) nói, “Tặng thưởng ít ỏi nhất cho người cõi Thiên là nơi ở có 80 ngàn người hầu và 72 trinh nữ, trên cao là mái vòm nạm ngọc trai, lam ngọc, hồng ngọc rộng từ Jabiyyah (ngoại thành Đamát) tới San’a (Yemen)”
The Messenger of Allah said, upon him blessings and peace:
“The humblest of the People of Paradise shall have eighty thousand servants and seventy-two wives. A palace of pearl and peridot(a: A pale green variety of chrysolite; used as a gemstone) and sapphire shall be erected for him as wide as the distance between al-Jabiya
[a valley about 70 kms. East of Makka] and San`a’ [in Yemen].” Al-Tirmidhi and Ahmad narrated it.
Người duy nhất trong lịch sử làm suy yếu Hồi giáo chính là Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) – vị hoàng đế đầu tiên của Mông Cổ và con cháu.
Vào thế kỷ thứ XIII, Thành Cát Tư Hãn đưa quân đi chinh phục toàn bộ vùng Trung Á, Trung Đông ngày nay. Thành Cát Tư Hãn tàn sát không chút thương tiếc với những thành phố Hồi giáo. Ở thành Bukhara thuộc Iran ngày nay, Thành Cát Tư Hãn đã cho chém sạch 30.000 người, còn sau trận đánh chiếm thành Bagdad, Hãn đã giết hơn 800.000 người. Những đoàn kỵ binh Arập tan tác dưới làn mưa tên của quân Mông Cổ, nhiều tòa thành kiên cố, và có những thành phố đông đúc lần lượt bị quân Mông Cổ tàn phá đến nỗi hàng trăm năm sau không có bóng người… Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết, các đời con cháu của Hãn như Hốt Tất Liệt… vẫn tiếp tục chinh phục vùng bán đảo Arập và đạo Hồi suy yếu nhanh từ năm 1550, một phần do bị quân Nguyên – Mông tấn công, một phần do mất đoàn kết nội bộ.
(2) Kinh Vệ Đà tiếng Phạn in trên giấy thế kỷ 19
Share this:
Like this:
Like
Loading…