Tự hào lịch sử vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai
.
Trải qua hơn 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai có một lịch sử lâu đời và mang nhiều giá trị văn hóa to lớn. Không chỉ nổi danh với những công trình kiến trúc, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, đây cũng là nơi nhiều danh nhân từng sinh sống, làm nên những chiến công oanh liệt. Chính vì thế, việc truyền tải lịch sử địa phương (LSĐP) đến thế hệ trẻ sẽ góp phần để họ thêm tin yêu và tự hào vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên.
Nhóm sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học thăm Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: M.K
* Từ lịch sử oai hùng của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai
Từ trước khi có dấu chân người Việt thì tại đây đã trải qua nhiều biến cố lịch sử gắn liền với các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp. Tới khoảng thế kỷ XVII, do chính sách mở rộng lãnh thổ về phía Nam của chúa Nguyễn, đã bắt đầu có những đợt di dân người Việt tới đây. Năm 1698 được coi là dấu mốc quan trọng khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập cơ sở hành chính, khẳng định chủ quyền, quyền quản lý của chúa Nguyễn trên mảnh đất này. Từ đó đến nay, mảnh đất Biên Hòa – Đồng Nai trải qua một quá trình dài hình thành và phát triển, để lại nhiều giá trị văn hóa – lịch sử tiêu biểu.
Theo số liệu của Sở VH-TTDL, Đồng Nai hiện có 61 di tích đã được Nhà nước xếp hạng, trong đó có: 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh. 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là: danh thắng Vườn quốc gia Cát Tiên (2011), Mộ cự thạch Hàng Gòn (2015). 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia, tiêu biểu như: Địa điểm chiến thắng La Ngà (1986), Chùa Đại Giác (1990), Đình Tân Lân (1991), Chùa Ông/Thất Phủ cổ miếu (2001)… 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh, tiêu biểu như: Đình Bình Quan (2004), Địa điểm Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (2005), Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (2017)…
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại Biên Hòa – Đồng Nai. Ảnh: Internet
Bên cạnh các di tích tiêu biểu, vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai cũng ghi dấu những vị anh hùng được hậu thế lưu truyền và tôn kính. Không thể không kể đến công lao của Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, người “mở đường” tại vùng đất phía Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho người Việt trên mảnh đất này. Danh tướng Trần Thượng Xuyên với sự phát triển Cù lao Phố. Hay tác giả Trịnh Hoài Đức với bộ sách Gia Định thành thông chí – một nguồn sử liệu quý, có giá trị để lại cho hậu thế. Thời kỳ cận đại, chúng ta có những anh hùng xả thân vì nước với tinh thần kháng Pháp cao độ như danh tướng Nguyễn Tri Phương (khi ông rút quân nhà Nguyễn về lập tuyến phòng thủ tại Biên Hòa), thủ lĩnh phong trào Hội kín Đoàn Văn Cự, tổ chức chống Pháp mang tên Lâm Trung Trại…
Vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai cũng lưu dấu một thời kì cách mạng hào hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta. Sau khi chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Biên Hòa ra đời lấy tên gọi là chi bộ Bình Phước – Tân Triều do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Bí thư, đã khởi đầu một giai đoạn các phong trào cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch, Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục, Khu ủy miền Đông, Đảng bộ và quân dân tỉnh Đồng Nai đã xây dựng truyền thống đoàn kết, kiên cường, lập nên nhiều chiến công chói lọi, kết thúc với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với bề dày lịch sử đáng tự hào như thế, việc truyền tải LSĐP đến thế hệ trẻ sẽ càng đóng vai trò quan trọng, góp phần gìn giữ bản sắc của mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng.
* Đến việc truyền tải lịch sử địa phương tới người trẻ
Thực trạng những người trẻ chưa quan tâm nhiều đến lịch sử nước nhà đã được bàn đến trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên do có thể đến từ nhiều phía, nhưng nếu vô tình “bỏ rơi” những giá trị tốt đẹp của quá khứ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Vấn đề truyền tải lịch sử vì thế trở nên thực sự quan trọng. Tại một vùng đất có bề dày văn hóa – lịch sử như Biên Hòa – Đồng Nai, việc giáo dục LSĐP trở nên ngày càng cần thiết, đóng một vai trò nhất định đối với việc hình thành nhân cách và tư tưởng cao đẹp cho các bạn trẻ.
Đoàn cán bộ ngành Tuyên giáo tham quan di tích Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: Đ.C.V
Cô L.H. hiện đang giảng dạy bộ môn lịch sử tại một trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết: “Tầm quan trọng của việc dạy học LSĐP trong nhà trường đã được các cơ quan chuyên ngành như Bộ GD- ĐT, Sở GD-ĐT Đồng Nai khẳng định. Vì vậy, hiện nay trong chương trình dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT đều có quy định bắt buộc về việc dạy LSĐP, chiếm từ 1-2 tiết đối với mỗi khối lớp. Sở GD-ĐT Đồng Nai cũng đã có hướng dẫn về việc thực hiện nội dung dạy học LSĐP và tài liệu phục vụ hỗ trợ cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên số tiết chính khóa để thực hiện dạy học LSĐP chưa nhiều. Do đó nhiều trường đã linh động, sáng tạo trong việc đa dạng các hình thức học tập như cho học sinh tham quan trải nghiệm…”.
Tại Đồng Nai, trong mảng văn học thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Thái Hải cũng dành nhiều trang viết về các nhân vật LSĐP tới đối tượng bạn đọc là các học trò trong và ngoài tỉnh. Mới đây nhất là bộ tranh truyện Danh nhân đất Đồng Nai gồm 5 tập do nhà văn Nguyễn Thái Hải viết lời, họa sĩ Phạm Quang Huy vẽ minh họa, NXB Đồng Nai phát hành xoay quanh các nhân vật lịch sử của mảnh đất Đồng Nai. Khi được hỏi về vấn đề truyền tải LSĐP với thế hệ trẻ tại Biên Hòa – Đồng Nai, nhà văn Thái Hải cho rằng việc truyền tải LSĐP với thế hệ trẻ là rất cần thiết, không chỉ với người trẻ mà cả người lớn. Riêng người trẻ thường ít quan tâm với LSĐP, kể cả lịch sử chung trong cả nước. Phải có nhiều người, nhiều giới cùng quan tâm góp sức với nhau làm thì mới đem lại phần nào hiệu quả. Ông cũng kỳ vọng vào thế hệ trẻ, những người cầm bút sinh ra tại Đồng Nai hoặc có tuổi thơ trưởng thành tại Đồng Nai cùng thế hệ đi trước sẽ có những trang viết hay gắn với địa phương. Qua đó, chúng ta vừa làm sao cho giới trẻ quan tâm đến lịch sử Đồng Nai vừa động viên giới trẻ viết về mảnh đất này.
Câu chuyện về LSĐP và việc truyền tải chúng đến thế hệ trẻ sẽ còn là một câu chuyện dài. Chỉ mong rằng, những nỗ lực và cố gắng sẽ đến từ cả hai phía. Từ sự đầu tư và tâm huyết của người truyền tải và cả tinh thần cầu thị đến từ chính thế hệ trẻ – các bạn học sinh, sinh viên trên mảnh đất thân thương Biên Hòa – Đồng Nai.
Minh Khôi