Tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
Mục lục bài viết
Tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Dự án tu sửa cấp thiết tường thành đá Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc với tổng mức đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng.
Theo đó, tập trung tu sửa, phục hồi đoạn tường thành đá bị đổ do mưa bão có chiều dài 15m; tôn tạo hố trưng bày khảo cổ học ngoài trời về cấu trúc tường thành. Khu vực tu sửa cấp thiết là đoạn tường thành phía Bắc, mạn Đông nằm trên khu đất gốc, vùng lõi của Di sản văn hóa thế thế giới Thành Nhà Hồ.
Phương án tu sửa cấp thiết gồm: Thu dọn toàn bộ đá và đất đá bị sạt lở; bóc dỡ toàn bộ đá và đất khu vực thành bị sạt lở không đúng nguyên đá và đất nguyên gốc; tháo dỡ và thu dọn khu vực này, dài 6,7m; Tháo dỡ phần đá xây và đất đắp thành bị yếu và không đúng vật liệu nguyên gốc ở đoạn tường thành bên cạnh phía tả đoạn tường thành bị sạt lở, tường đá phải tháo dỡ xuống đến chân móng, nơi vẫn còn đá xây nguyên gốc chắc chắn; đào bỏ một phần lớp đất phù sa vùi lấp chân thành khu vực tu sửa cấp thiết cho đến lớp móng khảo cổ, đoạn tường này dài 8,3m; Tu sửa tường thành có chiều 15m bằng đá và phần thành đất. Các viên đá xếp chồng đá và xây theo bản vẽ thiết kế, sử dụng cẩu hoặc ba lăng xích để vận chuyển và xếp đá…
Đá xây thành theo nguyên mẫu đá xây thành nguyên gốc (phải thí nghiệm thành phần lý hóa và chọn đá đúng nguyên mẫu). Gia công đá khối lớn, đục bằng thủ công, hoàn thiện bề mặt cho giống với bề mặt đá Thành Nhà Hồ nguyên gốc. Hình dáng viên đá phải đồng bộ, khi xếp chồng khít mạch với các viên khác để không bị lệch, hở mạch…
Tu sửa phần thành đất, sau khi loại bỏ toàn bộ đất đắp không đúng nguyên gốc mới được đưa vào di tích. Gia công chế tác đất đắp thành theo mẫu đất khảo cổ.
Gia cố chân thành bằng đoạn vách bê tông cốt thép chạy song song và cách chân thành 2,6m, vách dài 21m, sâu 2m, rộng 0.45m. Tháo dỡ đoạn đường bê tông hiện trạng chạy qua khu vực vị trí tu sửa tường thành. Làm sân đường bê tông mới màu giả đất.
Kinh phí sửa chữa từ nguồn vốn Ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án không quá 3 năm (2020 – 2022). Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (Chủ đầu tư) tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng công trình và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
BĐT