Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội | C. Mác; Ph. Ăngghen; V. I. Lênin; Hồ Chí Minh

Khái niệm về văn hóa đó của Bác được xác lập từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, nghĩa là hơn 40 năm trước khi UNESCO đưa ra khái niệm về văn hóa mà nhân loại hiện đang sử dụng. Trong quan niệm của Bác, văn hóa gắn với lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống. Văn hóa là toàn bộ những sáng tạo, những phát minh không chỉ đáp ứng những nhu cầu tinh thần mà còn cả những nhu cầu vật chất của con người. Một nhận thức như vậy không cho phép coi văn hóa như một thứ giải trí, một thứ gia vị, cũng không cho phép coi văn hóa như một hoạt động lơ lửng trên không, không cho phép coi văn hóa là cái đuôi của các hoạt động kinh tế và chính trị. Bác Hồ đã từng nói: Một dân tộc có thể bị áp bức bóc lột, bị suy kiệt về vật chất, nhưng sức sống của dân tộc đó vẫn còn, và chỉ chờ có thời cơ là dân tộc đó sẽ vùng dậy. Cái sức sống đó chính là ở những giá trị văn hóa, những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của nước ta đã minh chứng điều đó. Trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trong các cuộc đụng đầu không cân sức về tiềm năng kinh tế, về vũ khí, với các thế lực ngoại xâm, cuối cùng dân tộc ta đã giành chiến thắng. Chính các tướng lĩnh Mỹ đã thừa nhận: họ thất bại vì họ vấp phải một dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời. Gần đây, Giáo sư, Tiến sĩ Tin-pho thuộc Học viện Không quân Mỹ, trong bài viết về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước đây, cũng khẳng định: máy bay cực kỳ hiện đại của không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một cơn gió ngang cực mạnh, bị cơn gió ngang đó quật đổ xuống. Cơn gió ngang đó là những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. 

Như vậy, văn hóa là cội nguồn của đời sống một dân tộc. Nó là nền tảng tinh thần của xã hội. Nó tạo nên cốt cách, tâm hồn, tạo nên lực cố kết giữa các thành viên trong xã hội, tạo nên sức mạnh nội lực của một dân tộc. Nó là “nguyên khí” của một quốc gia. 

Vấn đề đặt ra hiện nay khi quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Ðảng ta về văn hóa là làm sao giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và chính trị. Ðó là ba lĩnh vực then chốt trong đời sống một quốc gia. Trong quỹ đạo của tư duy cũ, do nhận thức chưa thấu đáo mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần, có lúc, có nơi đã tuyệt đối hóa vai trò của vật chất. Có người nghĩ một cách đơn giản: có kinh tế là có tất cả. Nhưng để phát triển kinh tế, vấn đề nâng cao nguồn lực con người, việc áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, việc sử dụng kịp thời các thông tin về kinh tế và về công nghệ, nghệ thuật quản lý và uy tín đối với khách hàng là cực kỳ quan trọng. Các nhân tố đó không phải tự nhiên mà có, như những tài nguyên từ trong lòng đất. Trái lại, phải biết sử dụng các thành tựu của văn hóa. 

Sự tăng trưởng kinh tế không có mục tiêu tự thân. Nếu tăng trưởng kinh tế mà dẫn đến việc phá hoại môi trường sinh thái, làm xấu đi môi trường nhân văn, thì sự tăng trưởng đó sẽ dẫn đến những bất ổn trong xã hội. 

Vấn đề đặt ra trong công tác lý luận và hoạt động thực tiễn hiện nay là phải khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế – xã hội. Từ quan điểm đó, phải hình thành những chủ trương, chính sách thích hợp nhằm xây dựng và phát triển nền tảng tinh thần của xã hội, nhằm ngăn chặn nguy cơ suy thoái về đời sống tinh thần đang diễn ra trong mỗi quốc gia, trên phạm vi toàn cầu. Quán triệt quan điểm đó thực chất là quán triệt quan điểm coi trọng con người, coi con người là chủ thể sáng tạo ra mọi của cải trong xã hội, và mọi của cải trong xã hội phải trở về phục vụ con người. 

Trong những năm chiến tranh ác liệt, giữa muôn vàn khó khăn của đất nước do chiến tranh gây nên, Bác Hồ vẫn đặc biệt quan tâm sự nghiệp giáo dục, vẫn phát động phong trào thi đua dạy thật tốt, học thật tốt. Ðó là những tư tưởng lớn, những bài học lớn mà chúng ta có thể rút ra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa ở nước ta hiện nay. 

Gần đây, Hội nghị Trung ương 10 khoá IX đã đi tới một kết luận cực kỳ quan trọng là phải gắn kết nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế, nhiệm vụ then chốt chỉnh đốn và xây dựng Ðảng với nhiệm vụ xây dựng nền tảng tinh thần là văn hóa. Kết luận đó thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng của Người, sự nghiệp kháng chiến, cứu nước không thể tách rời sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, bởi vì văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của cuộc kháng chiến. 

Thực tế chứng minh rằng trải qua 20 năm đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn và rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Những thành tựu đó bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy, phát triển về lý luận và nhận thức của Ðảng. Những giá trị trong nền tảng tinh thần của đất nước là nguyên nhân quan trọng tạo nên những thành tựu trong 20 năm qua. Nhưng cũng phải thấy rằng, cùng với những thành tựu to lớn, rất quan trọng đã đạt được, chúng ta đang phải đối diện những thách thức, trong đó có nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, bức xúc. Ðây là điều mà toàn xã hội đều quan tâm. Việc tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay” chính là nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển nền tảng tinh thần, văn hóa của dân tộc. Nền tảng tinh thần có được củng cố thì sự phát triển kinh tế – xã hội với bền vững, mới đi đúng theo định hướng của tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Theo GS,TS Trần Văn Bính, Báo Nhân Dân ngày 14/5/2005